Phóng viên Công dân và Khuyến học: Chào doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc. Nhiều người biết đến ông là một Việt kiều từng có những bài viết phản biện xác đáng về những vấn đề kinh tế vĩ mô tại Việt Nam. Động lực nào giúp ông làm điều đó?
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc: Tôi là một doanh nhân, nên chỉ thuần túy tập trung vào kinh doanh. Tôi thường nghĩ đơn giản rằng mình thích thì làm, không thích thì buông. Nhưng đã làm thì phải có trách nhiệm và tâm huyết, tuân thủ tuyệt đối pháp luật và tiêu chuẩn cộng đồng.
Tôi kinh doanh ở một số lĩnh vực khác nhau, kinh doanh cả ở một số quốc gia và tham gia vào chuỗi sản xuất bao gồm nhiều thành phần kinh tế. Đã làm kinh doanh thì tôi phải hiểu luật pháp và việc chính sách vận hành khi đi vào cuộc sống, vào chính lĩnh vực mà tôi đầu tư. Vì vậy tôi chịu khó đọc và nghiên cứu khá nhiều. Thêm nữa, tôi và doanh nghiệp của tôi đang trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi chính sách ở góc độ hưởng lợi cũng như ở góc độ bị gây khó khăn. Từ đó mà tôi rút ra được nhiều bài học về đầu tư.
Khi phản biện về các nút thắt, các rào cản trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, tôi không ngại va chạm, không ngại mất lòng ai. Bởi vì trong thâm tâm, tôi đóng góp ý kiến trên tinh thần tích cực, xây dựng, mong muốn có lợi cho Nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng xã hội, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của nền kinh tế.
Tôi chỉ mong muốn các cơ quan làm chính sách của Việt Nam lắng nghe, cầu thị và thấy được cái đúng, cái chưa đúng, để hoàn thiện luật pháp giúp mọi thành phần trong xã hội cùng phát triển, rộng ra là cả nền kinh tế phát triển.
Phóng viên Công dân và Khuyến học: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế. Ông đóng góp gì cho bản dự thảo lần này?
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc: Đất đai là quốc thổ. Để bảo vệ nguồn tài nguyên đặc biệt này thì Luật Đất đai nước ta phải rất chặt chẽ, chuẩn chỉ, minh bạch, rõ ràng. Nghị quyết 170/NQ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2022 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cơ hội để nhân dân lên tiếng về quyền lợi sát sườn của họ.
Phải nói về đất đai ở Việt Nam từ khía cạnh văn hóa, tâm linh. Đất đai là quê hương, là xứ sở, là tài nguyên, tư liệu sản xuất mà con người nào cũng gắn bó. Với người Việt, đất đai là máu thịt, là tình cảm, là cội nguồn!
Tôi thấy dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này có 10 điểm mới, nhưng vẫn chưa nói hết được những điều cần nói. Điểm mấu chốt trong luật là phải bảo vệ được quyền lợi của các đối tượng liên quan đến đất đai và nhà ở.
Hiện nay, hệ thống luật của nước ta chưa đồng bộ. Chẳng hạn như Luật Thừa kế quy định sở hữu tài sản đất đai chưa rõ ràng, Luật Quy hoạch để phát triển dự án mới, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư mới… còn nhiều vấn đề cần phải làm sáng tỏ.
Được Nhà nước cho phép, khi thu hồi đất để làm dự án, nhà đầu tư phải va chạm với những người đang sở hữu đất được nhà nước giao. Công ty đầu tư nhận dự án buộc phải đền bù giải phóng mặt bằng cho bà con một cách ổn thoả. Nhưng bỏ giá trần theo hệ số, thì vấn đề đặt ra là bà con nông dân mong muốn giá nào mới là thỏa đáng?
Nộp thuế bao nhiêu phần trăm thì đáp ứng được quy định của Bộ Tài chính và bộ, ban, ngành liên quan? Và theo đó thì chủ đầu tư có đủ khả năng tài chính đáp ứng hay không? Khi quy hoạch mà không có đầu tư và giá đất quá cao thì sẽ như thế nào? Quá nhiều câu hỏi chưa giải đáp được.
Thực tế là không có chủ đầu tư nào thấy lỗ mà vẫn đầu tư cả! Nhất là tình huống giá đất quá cao trong bài toán giá, không giá trần mà lại phải thỏa mãn yêu cầu của nhiều bên.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có nhiều điều khoản vẫn còn khúc mắc.
Tôi khẳng định, trong cộng đồng bà con Việt kiều, nhiều người mong muốn về quê hương để mua nhà, mua đất sinh sống. Người Việt ta dù có đi cùng trời cuối đất cũng muốn quay về vì bản sắc văn hóa người Việt quan niệm không đâu bằng quê hương. Họ mong muốn có miếng đất xây căn nhà của riêng mình. Dự luật quy định chỉ cho phép họ mua nhà trong khu dân cư, khu đô thị mới, là vô lý. Công việc, chỗ làm không ở đó thì người ta mua nhà ở đấy làm gì?
Không cho phép Việt kiều mua nhà ở gần bà con thân thích, anh em họ hàng ở quê xưa, ở khu vực nội đô, cũng là vô lý.
Mặt khác, có mua thì phải có bán, mà luật lại không cho bán đất, mai kia người ta tuổi "hai năm mươi" thì tài sản đó cho ai?
Đã mua phải được bán, được chuyển nhượng mới là hợp lẽ. Thị trường bất động sản của Việt Nam hiện nay đóng băng không chỉ ảnh hưởng đến mảnh đất, căn nhà của mỗi người mà ảnh hưởng đến 37 ngành nghề liên quan trong xã hội. Từ viên gạch, bao xi măng đến cân sắt thép đều chững lại và vốn chìm trong đó. Chúng ta phải khai thông dòng vốn đó ra. Bà con Việt kiều mua nhà ở Việt Nam sẽ không thể bê căn nhà đó đi đâu cả. Song, dòng tiền tiềm năng họ bỏ ra mua nhà sẽ khai thông thị trường vào thời điểm này, góp phần phá lớp băng đang đóng cứng-tại sao không?
Các nước trên thế giới đều làm thế. Nếu chúng ta đứng ngoài cuộc trong việc thu hút nguồn kiều hối là không thuận với kinh thế thị trường.
10 điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
1. Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
2. Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất
3. Quy định cụ thể hơn về về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất
4. Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường
5. Quy định mức thuế cao hơn với người có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ đất hoang
6. Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản
7. Mở rộng đối tượng sử dụng đất nông nghiệp
8. Quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích
9. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất
10. Tăng cường thanh tra, kiểm tra khiếu nại liên quan đến đất đai
Phóng viên Công dân và Khuyến học: Đất đai có giới hạn và không sinh sôi, chúng ta cũng đồng ý với nhau rằng thị trường nào cũng cần giao dịch và lưu thông. Theo ông, thị trường bất động sản hiện nay bị đóng băng như vậy do nguyên nhân nào?
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc: Nguyên nhân chủ yếu do chúng ra quy hoạch duy ý chí, luật pháp thì chưa đạt mức độ chắc chắn, mẫu mực.
Quy hoạch lâu nay theo vùng miền, từng địa phương, thâm chí theo cái bóng ảo trong kinh tế. Thế là người ta đổ xô đi đầu tư bất động sản. Nhiều dự án bất động sản tiếng tăm nổ bùm bùm nhưng vốn liếng không bao nhiêu.
Có sự so sánh thế này: Luật của ta cho phép doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) được đầu tư bất động sản. Họ rất ít bị phá sản như nhiều doanh nghiệp nội địa. Họ âm thầm kinh doanh nhưng chỉn chu, hiệu quả. Không đánh bóng dự án, không truyền thông rầm rộ, nhưng họ vẫn thành công. Vì họ có thực lực, có tiền tươi thóc thật. Không như nhiều doanh nghiệp của ta, ảo là chính, tiền thì đi vay, chạy dự án thì thạo mà kinh doanh thì theo kiểu "đánh quả", ngắn hạn.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản thực lực yếu, tiền đi vay, tiền lấy trước của người mua. Nhiều người mua là nhà đầu tư thứ cấp cũng đi vay ngân hàng. Khi giá cả lên xuống, ngân hàng đòi nợ… thì dẫn đến doanh nghiệp yếu phá sản, nhà đầu tư thứ cấp phá sản. Thế là bong bong vỡ-thế là đóng băng.
Phóng viên Công dân và Khuyến học: Cơ chế ngân hàng về việc giải ngân cho thị trường bất động sản thời gian vừa qua, ông đánh giá đã ổn chưa? Nên tháo gỡ thế nào cho thị trường bất động sản đang đóng băng?
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc: Tôi đã suy nghĩ và đã viết bài về vấn đề này đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng trước khi có cuộc họp của Chính phủ bàn về việc tháo gỡ thị trường bất động sản ngày 17/2/2023 vừa qua. Tôi tin rằng các chuyên gia tư vấn cho Chính phủ họ sẽ làm tốt nhất việc tham mưu để tháo gỡ thị trường bất động sản.
Tôi chỉ nhìn ở góc độ doanh nghiệp thế này. Bất động sản có phải là nông sản, con tôm, con cá chờ giải cứu đâu? Các đại gia bất động sản đi xe sang ở nhà lầu, cuộc sống đỉnh cao có khi hơn cả triệu phú, tỉ phú của thế giới, sao Nhà nước ta phải đi giải cứu họ?
Ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Ngân hàng huy động vốn của bà con bá tính trong xã hội, khi cho doanh nghiệp mượn tiền cũng phải có lãi suất chứ. Ví dụ, ngân hàng huy động vốn với lãi suất 9%, để giải cứu bất động sản ngân hàng phải cho vay lãi suất chỉ 6%, tự dưng mất 3% thì bao lâu họ sẽ phải phá sản?
Cho nên, doanh nghiệp bất động sản phải tự thân vận động, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh của mình, xét lại lợi tức, lợi nhuận. Nắm được thì buông được. Nếu cứ nắm không buông thì ai buông cho chúng ta? Ai cứu chúng ta?
Phóng viên Công dân và Khuyến học: Tôi đồng ý với quan điểm của ông về chủ đầu tư bất động sản phải tự giải cứu chính mình. Tuy nhiên, như ông nói, thị trường bất động sản đóng băng ảnh hưởng tiêu cực đến 37 ngành nghề liên quan trong xã hội. Trong đó có nhiều đối tượng là người yếm thế như thợ xây dựng, người làm công trong các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, người lao động phổ thông… Như vậy cần giải quyết thế nào để hài hòa lợi ích các thành phần kinh tế?
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc: Xã hội buộc phải phát triển và vận hành theo quy luật. Thị trường bất động sản liên quan đến thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán khi đổ gãy tác động lên thị trường bất động sản, sau đó sẽ là hệ thống ngân hàng. Chuỗi hoạt động kinh tế đổ theo hiệu ứng domino, chưa kể hàng loạt các ngành nghề kinh doanh khác.
Tôi cho rằng phải lập tức điều chỉnh giá cả thị trường, mở rộng thị trường, cho các nguồn lực được phép tham gia, giải tỏa bài toán ách tắc. Mua bán dịch chuyển bất động sản sẽ giải quyết vốn xấu, nợ đọng của ngân hàng. Luật Đất đai phải sửa phù hợp nhằm giải phóng thị trường, xây dựng thị trường lành mạnh. Không thể quy định đối tượng này mới được mua, đối tượng khác không được mua nhà.
Có khoảng 5,3 triệu bà con kiều bào ở nước ngoài. Hằng năm, GDP trong nhóm người này khoảng 132 tỉ USD, trong đó chuyển về Việt Nam xấp xỉ 20 tỉ USD. Dòng tiền vốn này nếu luật pháp cho phép thì họ sẽ đổ vào mua nhà, đất. Khi tham gia vào thị trường, dòng tiền vận chuyển càng nhanh, tốc độ càng lớn thì kinh tế càng phát triển.
Nếu chỉ mua nhà để lại chôn bất động sản ở đó không bán được, hoặc để tiền trong két ngân hàng, thì không phát sinh lợi nhuận và không tạo được công ăn việc làm. Phải giải phóng thị trường bằng chính thị trường, chứ không thể giải phóng bằng văn bản pháp quy và chỉ đạo hành chính chỉ có lợi cho một nhóm người nào đó.
Trong năm 2022, ước tính lượng kiều hối gần 19 tỉ USD đổ về Việt Nam, cao hơn khoảng 1 tỉ USD so với năm trước đó (theo WB và KNOMAD).
Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối chảy vào nội địa trong năm 2021. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối đã vượt qua mức 10 tỉ USD và tăng gần gấp đôi. Năm 2022, WB và và KNOMAD đánh giá lượng kiều hối về Việt Nam tăng 4,4% so với năm 2021.
Nguồn kiều hối vẫn tăng trưởng tích cực này được các chuyên gia kinh tế nhận định do Việt Nam có môi trường đầu tư ngày càng tốt, nhiều chính sách hấp dẫn dành cho Việt kiều. Sự ổn định của kinh tế vĩ mô sẽ là những yếu tố khuyến khích kiều bào chuyển tiền về cho người thân đầu tư trong nước.
Dự báo, kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tăng 3,6-4,5% trong năm 2023.
Phóng viên Công dân và Khuyến học: Nhìn nhận về chiến lược kinh doanh trong nước, những nhà đầu tư là Việt kiều như ông mong muốn điều gì?
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc: Tôi mong muốn tầm vóc, trí tuệ nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng hơn nữa. Điều này không hề là lý thuyết. Bởi lẽ, một chủ doanh nghiệp như tôi đã nhận ra rằng: Tôi sẵn sàng trả lương cao hơn gấp nhiều lần cho nhân lực chất lượng cao, đã qua đào tạo tốt, có tố chất, có trách nhiệm với công việc và có tinh thần gắn bó, hơn là sử dụng nhiều nhân lực giá rẻ nhưng chểnh mảng, tay nghề kém, không chịu học.
Đặc biệt, tôi rất dị ứng với những nhân lực thích "nhảy việc".
Tôi xin phỏng vấn lại nhà báo là vì sao truyền thông lại cổ súy cho tình trạng nhảy việc ở giới trẻ? Tình trạng khó thích nghi với công việc áp lực cao, thiếu trách nhiệm, vụng đoảng và thiếu kỷ luật, thiếu gắn bó với doanh nghiệp rất hay gặp ở lao động rẻ. Đó là tư duy thời vụ, tháng ba ngày tám rảnh rang đồng áng thì đi làm thuê. Tết đến thì nghỉ dài, lao động lười đi làm lại, hết tiền thì lại đi làm. Doanh nghiệp khốn đốn vì lao động bỏ ngang, lỡ hợp đồng sản phẩm, đủ mọi thiệt hại. Có rất nhiều lao động thích nhảy việc bằng cách nhảy từ khu công nghiệp này sang khu công nghiệp bên cạnh, rồi làm quen lại quy trình từ đầu, rất lãng phí thời gian, công sức nhưng bản thân họ không phát triển được.
Đây chính là lúc chúng ta phải đặc biệt coi trọng phát triển chất lượng nguồn nhân lực bao gồm đội ngũ có kỹ năng làm việc, làm chủ công nghệ và giỏi nghề.
Ở đây cần nói cả 2 mặt. Một mặt là lao động rẻ có tư tưởng tạm bợ, thời vụ, thích thì làm không thích thì nghỉ. Mặt khác là không ít doanh nghiệp tuyển nhân sự lại thích lao động rẻ để chi phí thấp, từ đó không hấp dẫn người lao động. Sâu xa hơn là trách nhiệm của hệ thống giáo dục, đào tạo của nước ta.
Phóng viên Công dân và Khuyến học: Người xưa nói "của rẻ là của ôi", nhân lực cũng không ngoại lệ. Ông vừa nói đến trách nhiệm của hệ thống giáo dục, đào tạo, trong đó có đào tạo nghề, kỹ năng. Nhưng nhiều năm qua chúng ta từng tự hào về nguồn lao động rẻ, và cũng coi đó là thế mạnh thu hút đầu tư nước ngoài!
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc: Chúng ta không thể cứ mãi tự hào-mà tự hào rất dở cho rằng, Việt Nam là nơi có nguồn nhân lực rẻ, dồi dào và coi đó là một tiềm năng, là thế mạnh. Điều đó là sai lầm về quan điểm, chủ trương, dẫn tới việc người lao động không được đào tạo nghề nghiệp chu đáo và đúng chuẩn, đúng hướng và có tay nghề cao.
Các nước khác xuất khẩu những lao động có tay nghề cao, thì chúng ta không thể bằng lòng với việc có nhiều lao động rẻ. Với xã hội phát triển, tỉ suất sinh giảm, lượng nhân lực trong tuổi lao động sẽ giảm dần, chúng ta sẽ đối mặt với thực tế là đội ngũ lao động vừa già nhanh lại vừa không có trình độ, thiếu kỹ năng, thiếu sự gắn bó với nơi làm việc!
Đào tạo nghề nghiệp và kỹ năng cho người lao động là hết sức cấp bách. Suy cho cùng hệ thống giáo dục, đào tạo (thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vẫn nắm giữ tương lai chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Nếu chúng ta không gấp rút thay đổi phương pháp giáo dục, đào tạo nói chung, đào tạo tay nghề nói riêng, đào tạo kỹ năng, đào tạo ý thức trách nhiệm cho mỗi công dân thì chúng ta không thể có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phóng viên Công dân và Khuyến học: Trân trọng cảm ơn ông.