Đi xe gắn máy lên đường vành đai 3 trên cao - ngỡ ngàng khi bị phạt tiền, tước giấy phép lái xe

Minh Vũ
10:33 - 21/11/2024
Công dân & Khuyến học trên

Một số người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vẫn cố tình đi trên tuyến Phạm Hùng, đường vành đai 3 trên cao và phải trả giá cho ý thức chấp hành pháp luật kém, chỉ suy nghĩ cho cái lợi của mình mà không màng đến sự an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Đi xe máy trên đường vành đai 3 trên cao - ngỡ ngàng khi bị phạt 2-3 triệu, tước giấy phép 3-5 tháng  - Ảnh 1.

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc là hành vi vi phạm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông. Ảnh: CAHN

Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội) cho biết: Đường Vành đai 3, đoạn cầu Thăng Long - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - cầu Thanh Trì cấu thành bởi đường đô thị hai bên kết hợp với đường cao tốc đô thị ở giữa, trong đó, đường vành đai 3 trên cao là đường cao tốc, chỉ dành riêng cho ô tô lưu thông, vận tốc tối đa theo từng đoạn 80-100km/h. Hai đầu của tuyến đều có hệ thống biển báo phân làn, biển cấm mô tô, xe gắn máy và người đi bộ. 

Tuy nhiên, vẫn có một số người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vẫn cố tình vi phạm. Trước thực trạng đó, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố đã chỉ đạo các Đội địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử lý, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đơn cử, tại buổi thanh tra kiểm soát mới đây của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội) trên tuyến Phạm Hùng, đường vành đai 3 trên cao đã phát hiện xe mô tô BKS 16L3- 37XX đi trên đường vành đai 3 trên cao, khi đến điểm kết thúc cao tốc, Cảnh sát giao thông đã dừng xe để xử lý. Người điều khiển xe là anh V.V.T. (sinh năm 1988, trú tại Hải Phòng) đã trình bày bản thân hành nghề xe ôm, có biết là đường này cấm xe mô tô, tuy nhiên lấy lý do đường phía dưới ùn tắc nên đi lên đường trên cao để tiết kiệm thời gian.

Đi xe máy trên đường vành đai 3 trên cao - ngỡ ngàng khi bị phạt 2-3 triệu, tước giấy phép 3-5 tháng  - Ảnh 2.

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc là vi phạm xuất phát từ ý thức kém của một bộ phận người tham gia giao thông, cần phải lên án, xử lý nghiêm để phòng ngừa tai nạn, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: CAHN

Qua kiểm tra, anh V.V.T. không xuất trình được giấy phép lái xe, đăng kí xe, kể cả trên môi trường điện tử, Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với anh V.V.T. và tạm giữ chiếc xe vi phạm để xử lý.

Tiếp đó, Tổ công tác tiếp tục phát hiện anh L.H.Đ. (sinh năm 1982, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) điều khiển mô tô vi phạm đi vào đường vành đai 3 trên cao. Khi được thông báo về việc sẽ bị xử phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, và tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng, anh L.H.Đ. đã ngỡ ngàng cho biết: bản thân là thợ xây dựng, chủ nhà hối thúc phải đến sớm nên anh đã đi máy vào cao tốc. 

Anh L.H.Đ phân trần, ngày công của anh chỉ khoảng 350 nghìn đồng, với mức phạt theo quy định, anh phải làm rất nhiều ngày với bù lại được.

Một trường hợp khác, anh H.N.L.N. (sinh năm 1980, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) điều khiển xe mô tô 29K5-135xx vi phạm đi vào đường vành đai 3 trên cao lại nêu lí do "lo bị muộn giờ đi làm nên điều khiển xe máy vào cao tốc... cho nhanh".

Theo Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội), qua kiểm tra, chỉ đến 10 giờ buổi sáng, Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 đã phát hiện và xử lý gần 10 trường hợp người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi lên đường vành đai 3 trên cao, vi phạm Luật giao thông.

Đi xe máy trên đường vành đai 3 trên cao - ngỡ ngàng khi bị phạt 2-3 triệu, tước giấy phép 3-5 tháng  - Ảnh 3.

Người vi phạm ngỡ ngàng khi bị phạt tiền, tước giấy phép lái xe cho hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc. Ảnh: CAHN

Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 cho biết, hầu hết người vi phạm đều nhận thức được nguy hiểm, biết về việc đường cấm xe mô tô, xe gắn máy lưu thông, tuy nhiên ý thức chấp hành pháp luật kém, chỉ suy nghĩ cho cái lợi của mình mà không màng đến sự an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Cũng theo Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6, đơn vị sẽ duy trì hoạt động tuần tra lưu động trên tuyến Phạm Hùng, đường Vành đai 3 trên cao thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn.

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

Cũng theo khoản 4 Điều 26 Luật này thì người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Như vậy, người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo là những phương tiện tuyệt đối không được đi vào đường cao tốc.

Do đường cao tốc chủ yếu dành cho ô tô đi với tốc độ cao nên nếu người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy cố tình đi vào cao tốc sẽ rất nguy hiểm cho bản thân, cho phương tiện khác. Đồng thời, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng.

Bình luận của bạn

Bình luận