Đi tìm "chìa khóa" thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển
Nhiều quốc gia trên thế giới đang gia tăng chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Kinh nghiệm của các quốc gia trong R&D giúp Việt Nam có những đổi mới nhất định để thúc đẩy hoạt động này.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2019, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong tổ chức này tính theo giá trị thực tăng 4%, còn tính theo tỉ lệ phần trăm GDP, đạt gần 2,5% (tăng 0,1% so với 2018).
Tỷ lệ chi cho R&D tăng ở hầu hết các quốc gia OECD, trong đó các nước Hoa Kỳ, Đức và Hàn Quốc có mức tăng lớn. Israel và Hàn Quốc tiếp tục là những quốc gia có mức cường độ R&D cao nhất, lần lượt là 4,9% và 4,6% GDP.
Tại Hoa Kỳ, lần đầu tiên, cường độ R&D đã vượt qua mốc 3%, trong khi cường độ R&D của Trung Quốc tăng từ 2,1% lên 2,2%. Ngược lại, khu vực Liên minh châu Âu (EU) cho thấy một mức tăng khiêm tốn hơn, chỉ có 2,1%.
Trong năm 2019, tổng tăng trưởng chi tiêu thực tế cho R&D trong khu vực OECD chủ yếu là do mức tăng cho R&D của các doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp chiếm 71% tổng chi cho hoạt động R&D trong khu vực OECD, tăng 4,6% trong năm 2019.
Mô hình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư R&D của các khu vực trên thế giới rất đa dạng, phần lớn các hoạt động R&D đều nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ. Một số hình thức ưu đãi thường được thực hiện là:
Ưu đãi thuế
Một trong những chính sách được áp dụng phổ biến nhất đó là ưu đãi thuế. Các nước EU sử dụng các ưu đãi về thuế R&D để khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực thúc đẩy đầu tư kinh doanh, tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế.
Trong chương trình đầu tư R&D với 4 giai đoạn của mình, giai đoạn đầu tiên, Singapore cũng sử dụng ưu đãi thuế về chi tiêu bao gồm các hoạt động tiên phong, hoạt động R&D, trung tâm R&D, thiết kế, mua lại quyền sở hữu trí tuệ và thiết bị tự động hóa.
Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho R&D bằng chính sách ưu đãi thuế đối với phần chi phí tăng thêm cho nghiên cứu ở doanh nghiệp. Số ưu đãi thuế bằng 20% giá trị của phần chi phí tăng thêm so với tổng chi phí cho hoạt động R&D của năm cao nhất trong 3 năm liền kề với năm tính toán. Nhưng tổng giá trị phần tín dụng này không được phép vượt quá 10% tổng giá trị của thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hỗ trợ tài chính
Trong chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Chính phủ Nhật Bản tài trợ tài chính và hỗ trợ mua các công nghệ của nước ngoài và bảo vệ thị trường trong nước cho tới khi các doanh nghiệp này có thể cạnh tranh với bên ngoài.
Tại Singapore, khi tham gia vào R&D, các công ty sẽ được hỗ trợ 30 - 50% chi phí và các khoản vay sẽ được giải ngân theo phương thức hoàn trả. Chính phủ nước này cũng có những hỗ trợ về tài chính cho các giai đoạn thử nghiệm trước khi ra thị trường.
Tại Ireland, Quỹ đổi mới đột phá công nghệ (DTIF) được cấp vốn tới 500 triệu euro, thực hiện từ năm 2018 đến năm 2027, được thành lập như một phần của Kế hoạch Phát triển quốc gia theo Dự án phát triển Ireland đến năm 2040.
Quỹ này luôn sẵn sàng cho các dự án hợp tác tìm kiếm đầu tư vào R&D các công nghệ và ứng dụng sáng tạo đột phá, trên một cơ sở thương mại, nhằm giải quyết các thách thức quốc gia và toàn cầu. Doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ thông qua các chương trình khoa học và công nghệ cũng được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Ireland cũng thành lập quỹ thương mại nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu hàn lâm thực hiện các kết quả đầu ra của nghiên cứu với tiềm năng thương mại và đưa nó đến một điểm mà nó có thể được chuyển giao vào ngành công nghiệp.
Bảo đảm tính sở hữu trí tuệ
Singapore rất coi trọng vấn đề sở hữu trí tuệ. Quốc gia này rất xuất sắc trong việc triển khai hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ và chính những bảo đảm về sở hữu trí tuệ đã thúc đẩy các công ty trong nước và nước ngoài yên tâm nghiên cứu để đưa ra những kết quả mới tại quốc đảo này.
Tại Singapore, các nhà nghiên cứu sẽ được chia sẻ lợi ích về tài chính khi thành quả của họ được thương mại hoá.
Chú trọng đào tạo
Về công tác đào tạo, Chính phủ Nhật Bản rất chú trọng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ bằng cách mở các khóa đào tạo tại các trường đại học, có sự tham gia của các chuyên gia nhằm đưa tri thức, thông tin đến gần với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp vận dụng để nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ được hiệu quả.
Tại Ireland, trung tâm hàng đầu của châu Âu về thông tin, nghiên cứu và phát triển truyền thông và công nghệ đã được thành lập năm 2014. Trung tâm này cung cấp một lượng lớn thông tin về các nhà nghiên cứu quan trọng, chuyên gia hàng đầu trong việc hỗ trợ tăng trưởng và phát triển nền kinh tế thông minh dựa trên tri thức. Phát triển các chương trình nghiên cứu và phát triển cơ sở dữ liệu, công cụ phần mềm, tài liệu đào tạo nhằm chia sẻ dữ liệu, trao đổi kiến thức chuyên môn.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm của một số nước đi đầu về hoạt động R&D, có thể rút ra được một số gợi ý cho Việt Nam trong thúc đẩy đầu tư hoạt động R&D.
Thứ nhất, Việt Nam cần đầu tư cho phát triển nhân lực đáp ứng hoạt động R&D. Nâng cao chất lượng của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, đồng thời có những chính sách về thu hút và hỗ trợ nhà nghiên cứu tài năng, chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực về khoa học, công nghệ.
Thứ hai là triển khai một số cơ chế, chính sách mở linh hoạt hơn nhằm tạo sự khác biệt, linh hoạt, hấp dẫn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D. Khuyến khích doanh nghiệp lập và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của mình.
Thứ ba, Việt Nam cần tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc thù đối với một số dự án “chủ lực” nhằm tạo động lực lan tỏa thu hút các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có hoạt động R&D đặc biệt ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.
Cuối cùng, Việt Nam cũng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các biện pháp thực thi bảo hộ trí tuệ và các hoạt động sở hữu trí tuệ phải được tập trung triển khai theo hướng phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong nước, hướng đến hình thành một nền kinh tế thâm dụng trí tuệ ở Việt Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google