Đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 50 trường đào tạo giáo viên

Thiên Ân
22:01 - 16/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng tinh gọn. Đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo giáo viên các trình độ.

giáo viên

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: HPU2

Hầu như ở mỗi địa phương đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên

Theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó có:

15 trường đại học sư phạm, bao gồm: 6 trường đại học sư phạm là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; 

6 trường đại học sư phạm kỹ thuật là Trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật Hưng Yên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng; 

2 trường đại học sư phạm thể dục thể thao là Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

50 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo giáo viên;

20 trường cao đẳng sư phạm;

18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, sự phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên trong thời gian vừa qua đã mở rộng cơ hội học tập ở bậc đại học và tiếp cận các chương trình đào tạo giáo viên cho người học thông qua việc tăng số lượng, quy mô và loại hình đào tạo. 

Các cơ sở đào tạo giáo viên đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Hầu như ở mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên (ngoại trừ Đắk Nông), đặc biệt tập trung nhiều ở một số thành phố lớn như Hà Nội (8 trường) và Thành phố Hồ Chí Minh (6 trường).

Mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên từ mầm non đến phổ thông. 

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên khá độc lập trong hoạt động đào tạo, chưa thật sự tạo thành một mạng lưới thống nhất, tính liên thông trong hệ thống còn yếu, chưa có sự chia sẻ nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo giáo viên của toàn ngành.

Số lượng các trường cao đẳng sư phạm trong những năm gần đây giảm một phần do thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW28 về tinh giảm đầu mối và biên chế, và thực hiện Luật Giáo dục 2019, yêu cầu trình độ của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở được nâng lên đại học, do đó các trường cao đẳng chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non. 

Để sử dụng hiệu quả nguồn lực, một số trường cao đẳng sư phạm trở thành phân hiệu của các trường đại học sư phạm hoặc trường đại học đa ngành hoặc sáp nhập với các trường cao đẳng địa phương. 

Đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 50 trường đào tạo giáo viên- Ảnh 3.

Danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học chủ chốt đào tạo giáo viên. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đến năm 2030, không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm

Về phương án phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng tinh gọn, phân định vai trò, sứ mạng, căn cứ năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của các địa phương, từng vùng và cả nước. 

Tới năm 2030, toàn quốc có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo giáo viên các trình độ, cụ thể như sau: 

11 cơ sở giáo dục đại học giữ vai trò hạt nhân và nòng cốt của mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trong từng vùng và khu vực; tập trung nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc; 

Khoảng 22 trường đại học (hầu hết trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đào tạo đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên các cấp học của địa phương và các tỉnh lân cận với khoảng 44% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc; 

Khoảng 17 cơ sở giáo dục đại học khác tham gia đào tạo một số ngành đào tạo giáo viên đặc thù, chiếm khoảng 6% quy mô đào tạo.  

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm theo các phương án: Sáp nhập vào một trường đại học sư phạm hoặc một cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên trong vùng; sáp nhập vào một cơ sở giáo dục đại học tại địa phương. 

Đến năm 2030, không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành.