Đề xuất 5 nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có báo cáo về tiến độ giải ngân đầu tư công và giải pháp để đạt được mức độ giải ngân cao nhất như Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong suốt thời gian qua, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Cùng với báo cáo làm rõ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thứ trưởng cũng cung cấp thêm thông tin về các số liệu liên quan, đồng thời đưa ra các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo báo cáo, tính đến ngày 31/10/2022, giải ngân của cả nước ước đạt theo số chẵn khoảng 298 nghìn tỷ đồng, nhiều hơn khoảng 40,3 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 16%) so với năm 2021. Điều này để thấy được số lượng vốn giải ngân ra nền kinh tế nhiều hơn. Tuy nhiên, năm 2021, giải ngân cả năm dồn vào 3 tháng cuối năm, đặc biệt quy định về ngân sách giải ngân đến ngày 31/01/2022. Do vậy, đến ngày 31/01/2022, chúng ta có thể giải ngân được hơn 90%.
Về các giải pháp từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, thời gian còn rất ít, chỉ còn chưa đầy 3 tháng để thúc đẩy giải ngân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo với Chính phủ kiến nghị 5 nhóm giải pháp để thực hiện quyết liệt, tích cực hơn hơn trong những tháng cuối năm, với hy vọng có thể đạt được con số giải ngân cao vào thời điểm ngày 31/01/2023.
Theo đó, đầu tiên, phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Chính phủ. Điển hình là các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023; qua các lần họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, cũng như thông qua các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ ngành, địa phương.
Hai là, nhiệm vụ nền tảng quan trọng nhất, nhiệm vụ rất lớn đối với các bộ ngành, địa phương là phải đôn đốc các chủ đầu tư cũng như các ban quản lý dự án và đặc biệt là các nhà thầu, phải thực hiện để có khối lượng thì mới giải ngân được. Không thể giải ngân vốn từ Kho bạc mà không có khối lượng đi kèm. Do vậy, công tác thực hiện từ nay đến cuối năm rất quan trọng để có được khối lượng tương đối lớn để có thể giải ngân được số tiền còn lại của năm 2022.
Ba là, việc thực hiện ở các bộ ngành, địa phương cũng rất quan trọng. Đây là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đối tượng như chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu để làm sao đạt được kết quả thực hiện tốt.
Bốn là, liên quan đến vấn đề thủ tục, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng. Do vậy, các bộ ngành, địa phương phải chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư công khi đã có khối lượng, để tránh tình trạng dồn dập, giải ngân đồng loạt ở nhiều bộ ngành, nhiều chủ đầu tư, nhiều ban quản lý dự án. Lúc đấy sự phục vụ của hệ thống Kho bạc cũng như hệ thống hành chính rất vất vả và có thể nghẽn mạng, rất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Cuối cùng là về công tác chuẩn bị, kế hoạch ngân sách và đầu tư công đã được trình ra Quốc hội với lượng vốn năm 2023 là rất lớn, cao hơn năm 2022 hơn 100 nghìn tỷ đồng, áp lực giải ngân của năm 2023 rất lớn. Do vậy, cần công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, để làm sao bước sang năm 2023 chúng ta có thể triển khai thực hiện được ngay. Đây là điều tốt nhất để giảm nhẹ gánh nặng cũng như sức ép của thời điểm cuối năm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google