Để từ thiện minh bạch, Bộ Tài chính hướng dẫn mở sổ kế toán

Trà Li
11:59 - 17/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động từ thiện, từ ngày 1/9, các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.

Mất niềm tin vào hai chữ "từ thiện"

Những năm gần đây, hoạt động từ thiện xã hội ở nước ta nở rộ, góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước giải quyết các khó khăn cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các địa phương, vùng sâu, xa còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, các điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là trong hoàn cảnh bị thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận dấy lên vấn đề về tính minh bạch trong các hoạt động từ thiện. Đỉnh điểm là vào khoảng đầu năm 2021, khi người dân bày tỏ thái độ không đồng tình trước việc nghệ sĩ Hoài Linh giữ hơn chục tỉ đồng do cộng đồng đóng góp giúp đỡ đồng bào miền Trung gặp lũ lụt từ tháng 11/2020. Nhưng sau hơn nửa năm, số tiền đó vẫn chưa được trao đến tay người nhận. Sau đó, là hàng loạt những cuộc tranh cãi nảy lửa xoay quanh công tác từ thiện của những người nổi tiếng khác. 

Để từ thiện minh bạch, Bộ Tài chính hướng dẫn mở sổ kế toán - Ảnh 1.

Các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện phải công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.
Ảnh: VGP

Điều này cho thấy những chương trình thiện nguyện thường nhận được sự quan tâm và quyên góp từ cộng đồng với số tiền rất lớn, tuy nhiên, khâu vận hành hoạt động và tổ chức lại bộc lộ không ít bất cập. Đặc biệt là việc minh bạch thông tin cũng như công khai các khoản thu chi của nhiều chương trình từ thiện lâu nay vẫn khiến dư luận băn khoăn.

Thêm vào đó, hiện nay cũng xuất hiện tình trạng lấy danh "từ thiện" để lừa đảo khiến người dân vô cùng bức xúc và dần mất niềm tin.

Minh bạch thông tin hoạt động từ thiện 

Giải quyết vấn đề minh bạch trong thông tin hoạt động từ thiện, Thông tư số 41/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực từ ngày 1/9.

Theo đó, Thông tư này áp dụng với Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp (Trung ương, tỉnh, huyện xã); các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cả các cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện.

Theo Thông tư, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng đối với các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định.

Các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.

Thông tư nêu rõ, tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện mà không tổ chức kế toán riêng thì được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị theo chế độ kế toán hiện hành mà đơn vị đang áp dụng.

Đồng thời, mở sổ chi tiết theo dõi riêng các khoản thu, chi cho các hoạt động từ thiện, gồm: các khoản đã tiếp nhận, các khoản đã phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho mục đích xã hội, từ thiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo minh bạch, rõ ràng.

Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng tiền, đơn vị phải ghi chép theo dõi đầy đủ các khoản đã tiếp nhận theo thời gian đóng góp thực tế, chi tiết theo nhà tài trợ. Đơn vị phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc để tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, không được sử dụng chung tài khoản với các hoạt động khác của đơn vị.

Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, đơn vị tiếp nhận chịu trách nhiệm bảo quản an toàn, phân phối kịp thời số hiện vật đến các địa chỉ nhận hỗ trợ. Đơn vị phải hạch toán ghi chép đầy đủ số hiện vật nhận tài trợ và việc phân phối số hiện vật này trên cơ sở bảng kê, chứng từ có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương theo quy định của pháp luật...

Nguồn: Tổng hợp