Để thỏa lòng trông mong của thần dân
Vào đầu năm Mậu Thân (1848), vua Tự Đức sai Đào Trí Phú gửi mua hàng hóa từ Pháp (Tây Dương). Đến tháng Tám cùng năm (tháng 9/1848), tàu buôn của người phương Tây tên là Eđoa chở hàng hóa sang, đậu ở cửa biển Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam.
Tự Đức sai Tả Tham tri Bộ Hộ là Tân Thất Thường đến nơi khoản tiếp. Eđoa đã mang sang số hàng hóa (không rõ các loại gì) trị giá đến 166.267 thuẫn.
Nhận được tin “hàng vua đặt từ Tây Dương” đã về đến cửa biển Đà Nẵng, các quan đứng đầu sáu bộ là Trương Đăng Quế, Hà Duy Phương, Lâm Duy Thiếp, Nguyễn Đăng Giai, Phan Thanh Giản đã cùng dâng sớ can vua với lời lẽ rất thống thiết.
Tờ sớ có đoạn: "Ngọc cung ngọc cầu của muôn nước, ngọc lụa của bốn phương, xưa nay chỉ được biết đến là vật đem cống, biếu, chứ chưa hề nghe thấy là hàng để cùng buôn bán với nước ngoài. Huống chi, năm ngoái, tàu Tây Dương vô cớ xâm phạm vào thuyền của nước ta, làm cho quân sĩ bị chết, xa gần sợ hãi ngờ vực, quan quân, dân ở trong ngoài đều đem lòng bực giận. Thế mà nay lại buôn bán với họ, thì các nước láng giềng bảo ta ra sao.
Huống chi lại đem những nông sản có hạn mà đổi lấy những hàng xa hoa, hàng năm tốn phí không biết mấy muôn, thế mà muốn cho dân không bị đói rét, có thể được không? Nay Nam Bắc hai kỳ bị lụt, hạn hán, mất mùa...
Phụng xét, các hàng mua từ phương Đông, phương Tây chứa trong kho kể có muôn ngàn đầy rẫy, không thiếu thức gì. Về hạng nỉ tơ, đoạn lông, nếu có thiếu dùng thì trích lấy trừu, lụa, sại nam đem nhuộm để dùng cũng không có hại gì.
Vậy xin sắc cho Tôn Thất Thường tới tàu của Eđoa truyền báo cho biết: “Nay hoàng thượng ta mới lên ngôi, chính sách trong sáng, những đồ chơi quý đều bỏ đi, huống chi hàng của Tây Dương chứa kho, hiện nay bừa bãi, không dùng đến. Triều đình nghĩ Eđoa là người kính thuận, trót đã vì Đào Trí Phú theo lời hẹn đem các hàng sang, nay viên ấy đã bị lỗi rồi, thì Eđoa tất không thể bán cho ai được, tình cũng đáng thương, nên viên thuyền buôn phải bỏ của công ra để cấp trả lại. Eđoa đến đây lần này, nếu có thiếu thốn, cứ thực bẩm với viên thuyền buôn, lượng cho chu cấp.
Đó là ta vì các nhà buôn phương Tây mà một phen cố gượng chiều lòng để đền bù lại ý tốt. Từ sau đừng có chở hàng sang nữa kẻo sinh ra không tiện, khiến cho người Tây dương không thể nhòm ngó vào khe nào được, trong để thỏa lòng trông mong của thần dân, ngoài để dứt sự nhòm ngó của nước khác, để cho vững mạnh gốc nước mà yên nước bờ biển. Việc này có thể bắt đầu vậy”.
Vua Tự Đức đọc sớ, thấy rõ điều không ổn trong việc làm của mình, đã sai Bộ Hộ khẩn trương thông báo đến các đình thần cho biết “sự lỗi lầm của mình”. Tiếp đó, các quan Nội các là Tôn Thất Cáp, Nguyễn Cửu Trường, Vũ Phạm Khải cũng dâng sớ về việc này, cùng có quan điểm như các quan đứng đầu sáu bộ. Vua Tự Đức đều khen thưởng cho họ (bọn Trương Đăng Quế mỗi người được một đồng tiền vàng Phi long hạng lớn, bọn Tôn Thất Cáp mỗi người được một đồng tiền vàng Phi long hạng nhỏ).
(Nguồn: sách Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, 2017, tập Bảy. trang 87 – 88)
Lời bàn
Vua là thiên tử, cai quản đất nước, cai trị trăm dân nên có quyền “vô định”, kể cả quyền hưởng thụ, được dùng đủ các đồ tốt, đẹp nhất trên đời có ở mỗi thời, không ai có quyền can ngăn và chớ dại mà ngăn cản, rất có thể bị mất chức, thậm chí mất cả tính mạng.
Tuy nhiên, cũng có không ít vị vua một lòng thương dân, lo cho dân, nên có cuộc sống bình dị, thanh đạm, luôn nghe lời can gián của quần thần mà điều chỉnh lối sống để yên lòng trăm quan, muôn dân, động viên quan, quân, dân cùng chung tay xây dựng triều chính, đất nước.
Lịch sử đất nước cũng ghi nhận có nhiều vị quan yêu nước, thương dân, một lòng lo cho triều chính, cho đất nước, đã không ngại bị trách phạt mà can vua “bỏ những điều không phải”, nhất là trong lối sống, để vua trở thành gương sáng cho trăm quan trông vào, muôn dân noi theo.
Sự đồng lòng giữa vua và quan trong cách nhìn nhận về ăn tiêu, chi tiêu hay lối sống nói chung sẽ tạo ra sự đồng thuận trong triều và ngược lại, nếu vua không nghe theo hoặc quan lại cao cấp, thân cận hùa vào với vua sẽ dẫn đến hậu quả xấu, không chỉ ảnh hưởng đến tài lực, tài chính trong triều, mà còn tạo ra sự bất bình cho trăm quan khác, cho nhân dân, tạo tiền lệ xấu trong việc dùng tiền thuế của dân để tiêu pha lãng phí.
Đáng khâm phục các quan sáu bộ và Nội các đều thẩy rõ sự nguy hại khôn lường của việc nhà vua mua số hàng hóa nước ngoài từ tiền thuế của dân về để tiêu xài, trong bối cảnh thế nước đang gặp khó khăn, lòng dân hận quân Pháp còn đang “ngút trời”.
Cũng đáng trân trọng Tự Đức đã không ỷ vào “quyền thiên tử”, đã lắng nghe lời can của các đại thần, từ bỏ sở thích “xài hàng ngoại”, để được lòng trăm quan, yên lòng muôn dân.
Câu chuyện xảy ra đã trên 170 năm, nhưng không hề cũ với xã hội ta ngày nay.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google