Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn vào chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn vụng về, ngây ngô?

Ly Hương
18:17 - 03/06/2024
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều giáo viên cho rằng đề thi tuyển sinh 10 môn Ngữ văn vào Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) còn mắc nhiều lỗi, kể cả lỗi sơ đẳng.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn vào chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn vụng về, ngây ngô?- Ảnh 1.

Đề thi tuyển sinh 10 môn Ngữ văn vào Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận nhiều chê trách về chuyên môn.

Nguồn ngữ liệu đề thi này có nội dung như sau: "Một toà nhà tráng lệ được dựng nên từ những viên gạch hồng chắc chắn. Nhưng những viên gạch vốn ban đầu chỉ là khối đất lặng im. Điều đáng chú ý, chúng đã được tạo nên qua bàn tay lựa chọn, nhào nặn, tinh luyện, khéo léo và tâm huyết của người thợ".

Câu nghị luận văn học yêu cầu: "Công việc của người làm gạch giúp liên tưởng gì về quá trình sáng tạo tác phẩm văn học của nhà văn?".

Thứ nhất, lệnh câu hỏi "công việc của người làm gạch giúp liên tưởng…", là giúp ai? Cần diễn đạt lại: "Công việc của người làm gạch giúp "em" liên tưởng gì về quá trình sáng tạo tác phẩm văn học của nhà văn?".

Hơn nữa, theo lệnh câu hỏi thì tác phẩm nghệ thuật là "tòa nhà" hay "những viên gạch"?

Thứ hai, câu (1) đoạn ngữ liệu nói về "tòa nhà tráng lệ", nhưng câu (2), câu (3) lại nói về "những viên gạch" là không logich. Bởi vì, khi đề cập đến "ngôi nhà" thì phải nói về việc làm ra ngôi nhà ấy, chứ không phải chuyện đóng gạch.

Thứ ba, cụm từ "những viên gạch hồng chắc chắn" là một kết hợp không phù hợp. "Gạch hồng" thì phải kết hợp với một tính từ chỉ vẻ đẹp như "đẹp đẽ" chứ không phải "chắc chắn".

Cùng với đó, cách viết "nhưng những viên gạch vốn ban đầu chỉ là khối đất im lặng" – có "ban đầu" nhưng không thấy "sau đó" là gì.

Ngoài ra, "viên gạch" thì cũng chỉ là "cục gạch" (thứ ít giá trị), làm gì có cách đóng gạch được miêu tả đầy nghệ thuật, thi vị như: "lựa chọn", "nhào nặn", "tinh luyện", "khéo léo", "tâm huyết".

Thứ tư, yêu cầu thí sinh liên hệ công việc làm gạch với sáng tạo văn học là rất khiên cưỡng. Làm gạch là lao động thủ công còn sáng tạo văn học là hoạt động của tinh thần, nhằm tạo ra những sản phẩm độc nhất vô nhị.

Thứ năm, ngữ liệu đề thi không hề chú thích nguồn (tác giả nào, in trong tác phẩm nào, nhà xuất bản, năm xuất bản, trang số mấy) nên có độ tin cậy thấp.

Giả sử giáo viên/nhóm giáo viên ra đề thi viết ngữ liệu thì cũng cần ghi chú rõ ràng là "người/nhóm ra đề), vì đây là yêu cầu tối thiểu cần có của một đề thi.
Việc cần phải trích nguồn là cách thể hiện sự tôn trọng đối với tài liệu gốc cũng như tác giả ban đầu và sẽ tránh bị đánh giá là đạo văn.
Bình luận của bạn

Bình luận