Đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn: Đời ngắn đừng ngủ dài
Một đoạn trích trong tác phẩm "Đời ngắn đừng ngủ dài" của tác giả Robin Sharma được dùng làm ngữ liệu đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá.
Gợi ý đáp án
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2. Theo tác giả, khi bạn đọc một cuốn sách hay đến lần thứ hai hoặc thứ ba dường như toàn bộ cuốn sách trở nên mới mẻ với bạn vì: Chính bạn thay đổi. Khả năng thấu hiểu được nâng cao hơn. Tầm nhìn được mở rộng hơn. Khả năng khám phá những điều còn ẩn chứa cũng nhiều hơn.
Câu 3. Quan niệm trên nhấn mạnh khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đời con người: Thời điểm con người phải đối diện và vượt qua chông gai, giông bão của cuộc đời là thời điểm thích hợp nhất, tốt nhất để con người bứt phá vươn lên đạt được ước mơ, đam mê, khao khát, đạt thành công mà mình mong đợi, khẳng định giá trị bản thân.
Câu 4. Sống phải có ước mơ, hoài bão. Cần phải có ý chí, nghị lực để vượt qua khó khăn, thử thách để đạt mục tiêu và mơ ước của mình. Cần luôn học hỏi để hoàn thiện và phát triển bản thân.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Vai trò của sự kết nối trong cuộc sống.
- Kết nối là gắn kết, nối liền các phần tách rời lại với nhau. Kết nối trong cuộc sống là sự gắn kết giữa con người với con người và cuộc sống xung quanh.
- Kết nối là một kĩ năng sống quan trọng của con người, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, hỗ trợ, bù đắp khuyết điểm cho nhau nhờ đó tạo nên sức mạnh to lớn giúp con người vượt qua những khó khăn, thách thức lớn lao.
- Kết nối giúp ta có điều kiện, cơ hội học hỏi mọi người để không ngừng tiến bộ và hoàn thiện bản thân. Kết nối góp phần xây dựng, củng cố những mối quan hệ hợp tác, trao nhau cơ hội phát triển.
+ Kết nối cho ta cơ hội nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ mọi người; trao cho con người niềm tin về tình người, về hy vọng sống tốt đẹp, từ đó lan toả tình yêu thương giữa con người với con người.
Câu 2. Phân tích đoạn thơ "Tây Tiến". Từ đó, nhận xét về tinh thần bi tráng của hình tượng người lính trong thơ Quang Dũng.
* Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng, bài thơ " Tây Tiến" và đoạn trích.
* Phân tích hình tượng người lính trong đoạn thơ:
- Diện mạo oai phong, dữ dội của người lính: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm".
+ Miêu tả ngoại hình của những người lính Tây Tiến với hai nét tả là đầu trọc, da xanh đều là di chứng của căn bệnh sốt rét, cuộc sống khắc nghiệt, thiếu thốn.
+ Cảm hứng lãng mạn, anh hùng đã giúp cho nhà thơ phát hiện và khắc họa được vẻ đẹp kiêu dũng của người lính, thể hiện ở sự vượt lên, xem thường mọi khổ ải, thiếu thốn.
+ Hai câu thơ có âm hưởng mạnh mẽ nhờ sử dụng từ ngữ mạnh bạo. "Đoàn binh" có âm vang và mạnh hơn chữ "đoàn quân". Cụm từ "không mọc tóc" thì gợi ra nét ngang tàng, độc đáo.
+ Câu thơ "Quân xanh màu lá dữ oai hùm"càng tô đậm thêm vẻ hiên ngang dữ dội. "Xanh màu lá" là nước da xanh xao do sốt rét, thiếu thốn, gian khổ. Nhưng qua cảm hứng anh hùng và bút pháp lãng mạn, thì màu xanh ấy lại mang vẻ dữ dội của núi rừng chứ không hề gợi lên vẻ tiều tụy, ốm yếu.
- Tâm hồn hào hoa, lãng mạn: "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".
+ Hai chữ "mắt trừng" gợi nhiều liên tưởng: "mắt trừng" là mắt mở to, dữ dội, ngùn ngụt ý chí nhìn thẳng về phía kẻ thù với chí khí mạnh mẽ, dám thề sống chết. Đôi mắt mở to, luôn nâng cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ đất nước. Đôi mắt ấy "gửi mộng qua biên giới" – mộng giết giặc lập công, mộng hòa bình, độc lập.
+ Những trái tim rạo rực, khát khao yêu đương "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". Nơi núi rừng hoang sơ, khắc nghiệt, tâm hồn họ vẫn hướng về một Hà Nội với những cô gái xinh đẹp, yêu kiều.
- Sự hi sinh và lí tưởng cao đẹp của những người lính Tây Tiến: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh".
+ Nhà thơ đã nhìn thẳng vào sự khốc liệt của chiến tranh, không né tránh hiện thực miêu tả về cái chết.
+ Người lính sẵn sàng hi sinh cuộc đời và tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Nhiều từ Hán Việt có ý nghĩa trang trọng hóa sự hi sinh của những người lính Tây Tiến.
- Sự tiếc thương vô hạn trước sự hi sinh của những người lính Tây Tiến: "Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành".
+ Sự thật bi thảm: những người lính Tây Tiến ngã xuống nơi chiến trường, không có đến cả manh chiếu để che thân, qua cái nhìn của Quang Dũng, lại được bọc trong những tấm "áo bào" sang trọng.
+ Cái bi thương ấy vơi đi nhờ cách nói giảm: "anh về đất" và rồi bị át hẳn đi trong tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã.
- Giọng điệu chủ đạo của đoạn thơ trang trọng, thể hiện tình cảm đau thương vô hạn và sự trân trọng, kính cẩn của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội.
* Nhận xét âm hưởng bi tráng về hình tượng người lính trong thơ Quang Dũng.
- Âm hưởng bi tráng hội tụ trong yếu tố bi và yếu tố tráng; có mất mát, đau thương song không bi lụy.
- Giọng thơ cổ kính cùng việc nhấn mạnh nét trượng phu của người lính cũng góp phần làm tăng tính chất bi tráng của tác phẩm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google