Đề thi tham khảo môn Ngữ văn: An toàn và chưa có sự đột phá
Theo Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, đề thi tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 không có thay đổi đột biến nào so với mô hình đề thi những năm gần đây.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết - Giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định, đề thi tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, về cơ bản vẫn giữ đúng cấu trúc và kiểu dạng câu hỏi như đề tham khảo năm 2022 và đề thi chính thức môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021-2022.
Vẫn trong thời lượng 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi trung học phổ thông quốc gia từ năm 2017 tới nay, gồm: Phần đọc hiểu (3,0 điểm); Phần làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học trò.
Đọc hiểu dễ nhận điểm tối đa
Phần đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông, sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại theo các cấp độ nhận thức đã được giảm tải, cụ thể, từ 4 mức độ của nhận thức (nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao).
Theo Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, đề tham khảo mấy năm gần đây thường chỉ còn lại 3 mức độ, trong đó, mức độ nhận biết thường sẽ là 2 câu hỏi đầu, giảm áp lực tới mức tối đa cho thí sinh, nhưng cũng là giảm sự huy động năng lực tư duy, giảm hứng thú khi với câu hỏi nhận biết về nội dung, thí sinh hầu như chỉ cần xác định đúng và chép lại vài câu/đoạn phù hợp trong ngữ liệu đọc hiểu vào phần trả lời là đạt điểm tối đa.
Câu hỏi đọc hiểu trong đề thi tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 cũng không ngoại lệ khi câu 1 hỏi về một yếu tố thuộc hình thức văn bản (thể thơ), câu 2 hỏi một chi tiết nội dung: "Chỉ ra những từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khó, vất vả của người mẹ" trong đoạn thơ 5 câu.
Câu hỏi 3 mới chạm vào mức độ thông hiểu khi yêu cầu "Nêu nội dung của hai dòng thơ", tuy nhiên, câu hỏi khá chung chung, trừu tượng, có thể khiến thí sinh mông lung khi trả lời.
"Ở câu hỏi này hoàn toàn có thể kết hợp hai mức độ thông hiểu và vận dụng nếu yêu cầu thí sinh xác định và phân tích hiệu quả biểu đạt, biểu cảm của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ, từ đó, các em vẫn tìm ra nội dung, nhưng có vấn đề cụ thể để suy ngẫm và câu trả lời có thể đem tới sự hứng thú, chất lượng hơn là cách trả lời chung chung", Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết phân tích.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết nhận định, câu 4 là câu hỏi vận dụng cao khi yêu cầu "Nhận xét về hình ảnh dân tộc Việt Nam trong đoạn trích". Câu hỏi có tính chất khái quát phù hợp với mức độ vận dụng cao, nhưng có thể khó tránh khả năng xuất hiện những câu trả lời "như mẫu".
Lưu ý đối với phần Làm văn
Còn đối với Phần làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn không thay đổi với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của vấn đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu của phần đọc hiểu trước đó, và đó cũng là những kỹ năng đã quá quen thuộc với học trò trong quá trình ôn luyện của cả cấp học trung học phổ thông. "Tinh thần vượt khó" cũng là vấn đề quen thuộc tới xưa cũ với học trò.
Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất, 5 điểm, cũng là dạng bài mang tính truyền thống, được thầy trò cấp trung học phổ thông đầu tư rất nhiều tâm huyết, thời gian…
Theo đề tham khảo năm nay, vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kỹ năng trong câu nghị luận văn học khá rành mạch khi đặt ra yêu cầu trong hai ý của câu lệnh: Phân tích đoạn thơ tứ bình trong Việt Bắc và nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích.
Cả hai yêu cầu trong câu lệnh đều là những nội dung kiến thức cơ bản của đoạn trích Việt Bắc, câu nghị luận văn học theo hướng này sẽ không hề làm khó thí sinh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google