Đề thi tham khảo kì thi tốt nghiệp năm 2025 môn Ngữ văn có gì mới?
Đề thi tham khảo kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 môn Ngữ văn lần thứ hai có một số điểm mới so với lần thứ nhất.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đề tham khảo kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 môn Ngữ văn. Cấu trúc đề thi tham khảo môn Ngữ văn lần thứ hai có một số điểm mới so với lần thứ nhất như sau.
Thứ nhất, phần Đọc hiểu cho văn bản thơ "Một thân cây một tàng lá một bông hoa" của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường và hỏi 5 câu hỏi nhỏ có liên quan đến đặc trưng thể loại và kiến thức tiếng Việt.
Trong đó, câu 1 hỏi "chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của đoạn trích" và câu 2 "xác định hình ảnh được sử dụng để so sánh với cây liễu xưa trong đoạn trích" là cách hỏi khác so với các đề minh hoạ và đề thi chính thức từ trước đến nay (2024).
Thứ hai, phần Viết, câu nghị luận văn học (câu 1) yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) được tích hợp từ phần Đọc hiểu. Cụ thể, "phân tích hình ảnh Hà Nội qua cảm nhận của nhân vật trữ tình "anh" trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu".
Điểm mới câu nghị luận văn học yêu cầu phân tích nội dung (thay vì làm rõ đặc điểm thể loại) giúp thí sinh dễ dàng hơn rất nhiều trong việc làm bài thi.
Còn câu nghị luận xã hội (câu 2) yêu cầu "viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sức ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo trong đời sống".
Nhìn chung, điểm khác lớn nhất của đề minh hoạ lần thứ hai là không còn quy định như lần thứ nhất: "Nếu ngữ liệu đọc hiểu là văn bản nghị luận xã hội hoặc văn bản thông tin thì phần nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn, nghị luận văn học yêu cầu viết bài văn.
Nếu ngữ liệu đọc hiểu là văn bản văn học hoặc văn bản nghị luận văn học thì phần nghị luận xã hội yêu cầu viết bài văn, nghị luận văn học yêu cầu viết đoạn văn."
Thứ ba, đáp án câu nghị luận văn học (câu 2 phần Viết) không còn yêu cầu "đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn để của bài viết; viết bài văn đảm bảo các yêu cầu (triển khai luận điểm, thao tác lập luận, phương thức biểu đạt; lập luận chặt chẽ, thuyết phục)"
Tương tự, câu nghị luận xã hội (câu 2 phần Viết) cũng không còn yêu cầu "đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận; viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu (xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận)".
Có thể nhận thấy, đáp án câu nghị luận văn học và nghị luận xã hội vẫn theo quy cũ như đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2024 trở về trước.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google