Đề thi Ngữ văn: Đất nước của Nhân dân

Ly Hương
20:51 - 15/05/2024
Công dân & Khuyến học trên

Câu nghị luận xã hội đề thi thử môn Ngữ văn tỉnh Hoà Bình yêu cầu học sinh bàn luận về sự cần thiết của việc giao tiếp trực tiếp bằng ngôn ngữ. Câu 5 điểm phần Làm văn yêu cầu phân tích tư tưởng "Đất nước của Nhân dân" thể hiện trong Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm.

Đề thi Ngữ văn: Đất nước của Nhân dân- Ảnh 1.

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích:

Những khi nhớ nhà, tôi thường gắn chiếc headphone lên tai và lặng nghe những giọt âm vô cùng trong trẻo của ban nhạc Secret Garden.

Thứ âm nhạc thần kì có thể mang cho tôi những hồi tưởng thanh bình êm ả. Nhưng nhiều lúc, âm nhạc dù du dương mấy vẫn không đủ cho tôi. Bởi tôi thèm một âm thanh khác. Âm thanh của tiếng nói con người, âm thanh của tiếng ai đó đang gọi tên tôi.

Các bác sĩ thống kê rằng có đến 70% những em bé bị chậm nói bắt nguồn từ nguyên nhân cha mẹ dành quá ít thời gian để nói chuyện với bé. Điều đáng nói là những chiếc ti vi ra rả suốt ngày không thay thế được tiếng mẹ, tiếng cha, mà còn làm cho tình trạng chậm nói của các em trở nên nghiêm trọng hơn.Bởi trẻ em, ở cái tuổi bi bô ấy, phải nghe và được lắng nghe với tình yêu cũng như sự thông hiểu, thì mới nói được. Nghĩa là không chỉ có người lớn mới có lúc thèm nghe tiếng người mà ngay cả trẻ con cũng vậy.

Có phải chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn. Chúng ta gặp nhau qua YM, tin nhắn, chúng ta đọc blog hay những câu status trên Facebook của nhau mỗi ngày, chúng ta những tưởng đã biết hết, hiểu hết về nhau mà không cần thốt lên lời. Có phải vậy chăng? Có phải ta cũng như loài cá heo có thể giao tiếp với nhau bằng sóng siêu âm? Tiếng nói con người dùng để làm gì nếu không phải để thổ lộ, để giãi bày, để xoa dịu. Nếu muốn được hiểu thì phải được lắng nghe. Nếu muốn được lắng nghe thì phải nói trước đã. Vậy thì còn ngần ngừ chi nữa, hãy nói với nhau đi. Nói với ba, với mẹ, với anh chị, với em, với bạn bè… Đừng chat, đừng email, đừng post lên Facebook, hãy chạy đến gặp nhau, hay ít nhất, hãy nhấc điện thoại lên, thậm chí chỉ để gọi nhau một tiếng "…ơi" dịu dàng!

Một tiếng người thực sự ân cần, yêu thương, quan tâm, gần gũi…

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2017)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Trong đoạn trích, âm thanh khác mà "tôi" thèm được nghe là gì?

Câu 3. Theo anh/chị, việc tác giả dẫn ra thống kê của các bác sĩ "rằng có đến 70% những em bé bị chậm nói bắt nguồn từ nguyên nhân cha mẹ dành quá ít thời gian để nói chuyện với bé" có tác dụng gì?

Câu 4. Anh/chị có nhận xét gì về ý kiến của tác giả "Tiếng nói con người dùng để làm gì nếu không phải để thổ lộ, để giãi bày, để xoa dịu"?

II. LÀM VĂN

Câu 1 (2 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc giao tiếp trực tiếp bằng ngôn ngữ.

Câu 2 (5 điểm)

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên.

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…

(Trích Đất Nước, trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Anh/chị hãy phân tích tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân" trong đoạn trích trên; từ đó, nhận xét những đóng góp mới mẻ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về đề tài đất nước được thể hiện trong đoạn trích.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.

Câu 2. Âm thanh khác mà "tôi" thèm được nghe là âm thanh tiếng nói con người, âm thanh của ai đó đang gọi tên "tôi".

Câu 3. Việc tác giả dẫn ra thống kê của các bác sĩ "rằng có đến 70% những em bé bị chậm nói bắt nguồn từ nguyên nhân cha mẹ dành quá ít thời gian để nói chuyện với bé" có tác dụng: tăng tính xác thực cho vấn đề mà tác giả đang bàn luận. Giúp người đọc hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc giao lưu nói chuyện đối với trẻ nhỏ cũng như tất cả mọi người. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao lưu bằng ngôn ngữ.

Câu 4. Đồng tình với ý kiến "Tiếng nói con người dùng để làm gì nếu không phải để thổ lộ, để giãi bày, để xoa dịu". Bởi vì, tiếng nói của con người là để giãi bày cảm xúc, xoa dịu nỗi đau, giúp người gần với người hơn.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Sự cần thiết của việc giao tiếp trực tiếp bằng ngôn ngữ: Giúp con người vừa tiếp nhận thông tin vừa cảm nhận được cảm xúc của người khác, từ đó hiểu rõ về nhau hơn. Muốn giao tiếp có hiệu quả thì phải lịch sự, biết lắng nghe.

Câu 2. Phân tích tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân" trong đoạn trích; từ đó, nhận xét những đóng góp mới mẻ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về đề tài đất nước được thể hiện trong đoạn trích.

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận.

Nhân dân làm nên hình ảnh Đất Nước

- Đoạn thơ có những câu thơ dài hơn, chứa đựng những câu chuyện được đúc kết trong nhân dân, trong vẻ đẹp của đời sống tâm hồn người Việt.

- Điệp ngữ "góp": Sự đóng góp, cống hiến của mỗi con người trong việc hình thành vẻ đẹp của đất nước.

- Những địa danh làm nên vẻ đẹp thiên nhiên, đồng thời cũng là vẻ đẹp của một tình yêu chung thuỷ trong đời sống tâm hồn con người Việt.

+ Núi Vọng Phu ở Lạng Sơn mang dáng hình của nàng Tô Thị ngày ngày bồng con ngóng đợi chồng về trong nỗi niềm khắc khoải, sầu muộn mà hóa đá.

+ Hòn Trống Mái là hai tảng đá giống hình trống, mái nằm ven biển Sầm Sơn. Dáng hình của đá được gắn với truyền thuyết về một mối tình đẹp của một đôi trai gái, nghịch cảnh khiến họ không đến được với nhau nên đã chết cùng nhau.

- Vẻ đẹp trong truyền thống đánh giặc, giữ nước: truyền thuyết "Thánh Gióng". Khi người anh hùng làng Gióng cưỡi ngựa sắt xông ra trận đánh giặc Ân thì những gót chân ngựa in hằn trên mặt đất tạo thành những ao, đầm.

- Vẻ đẹp từ truyền thống vua Hùng dựng nước. Đền thờ các vua Hùng tọa lạc uy nghiêm ở núi Hi Cương. Những đồi núi trập trùng bao quanh là đàn voi chín mươi chín con quay quần chầu phục đất Tổ.

- Vẻ đẹp của những dòng sông được hoá thân từ huyền thoại, sử thi: những dòng sông xanh thẳm chở nặng phù sa tưới mát ruộng vườn.

- Vẻ đẹp của tinh thần, truyền thống hiếu học với khát vọng tạo lập công danh của người xưa. Ở Quảng Ngãi có ngọn núi mang hình cây bút và nghiên mực. Người học trò nghèo ngày xưa mài mực trong nghiên đá và dùng bút lông ngỗng chấm mực viết chữ.

- Vẻ đẹp bình dị, rất đỗi thân quen trong cuộc sống "những con cóc, con gà": Vịnh Hạ Long là kì quan thiên nhiên ở Quảng Ninh. Vẻ đẹp tuyệt diệu này là sự kết hợp độc đáo giữa một vịnh biển lặng sóng, nước trong xanh với hơn hai ngàn núi đá vôi nằm rải rác.

- Liệt kê: Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm… là tên những người đã có công khai phá, xây dựng và bảo vệ những vùng đất. Thế hệ con cháu đã dùng tên của họ đặt tên cho đất để ghi khắc công ơn.

- Thán từ "ôi" cảm xúc dâng trào trong niềm tha thiết, tự hào của nhà thơ về đất nước. Trải qua 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước rất nhiều vùng miền trên đất nước đều có dấu ấn của nhân dân. Để rồi đi đâu cũng thấy hình ảnh thân thương, giản dị, gắn bó của nhân dân với đất nước.

Khẳng định một điều vô cùng thiêng liêng, cao cả: Đất nước mang đậm dấu ấn của Nhân dân. Nhân dân chính là những con người bình dị nhưng cũng là người nghệ nhân tinh xảo chạm trổ nên dáng hình và vẻ đẹp đất nước.

Nhận xét: Những đóng góp mới mẻ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về đề tài đất nước được thể hiện trong đoạn trích:

- Nhân dân đã hóa thân làm ra đất nước: Hình ảnh "những người vợ nhớ chồng", "cặp vợ chồng yêu nhau", "người học trò nghèo" và "những người dân nào".

- Nhân dân lao động đã dựng xây và chiến đấu hết mình để bảo vệ đất nước "Nhiều người đã trở thành anh hùng/Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ".

- Nhân dân còn chính là người đã tạo ra truyền thống văn hóa lịch sử của đất nước, lịch sử đất nước không phải là sự thay đổi triều đại hay nối tiếp ngôi báu của các ông hoàng bà chúa mà lại là sự nối tiếp của các thế hệ Nhân dân.

- Nhân dân chính là người đã sáng tạo ra dòng chảy văn hóa cho cả một dân tộc, nhiều giá trị vật chất và tinh thần đã được nhân dân giữ lại và truyền đạt cho đời sau, để con cháu phát huy và kế thừa những truyền thống tốt đẹp của cha ông xây dựng bao đời.

Bình luận của bạn

Bình luận