Đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn có ngữ liệu trừu tượng?
Đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm học 2024-2025 được cho là trừu tượng, gây khó khăn cho thí sinh.
Thí sinh trên toàn quốc đã hoàn tất việc làm bài thi môn Ngữ văn Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Ngữ liệu trừu tượng, bản dịch chưa đạt?
Đáng chú ý, câu Nghị luận văn học (12 điểm) có nội dung như sau:
Trong diễn văn đọc tại lễ bế mạc các hoạt động vinh danh giải Nobel ngày 10 tháng 12 năm 1957 ở Stockholm, A. Camus cho rằng: "Người nghệ sĩ tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác, tại quãng đường giữa cái đẹp không thể bỏ qua và cộng đồng không thể tách khỏi".
Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bàn luận ý kiến trên.
Bàn về nội dung đề thi môn Ngữ văn năm nay, nhiều giáo viên bình luận luận, ngữ liệu câu nghị luận văn học dịch chưa sáng rõ và rất trừu tượng như đánh đố thí sinh. "Tôi đọc còn không hiểu đây", một giáo viên dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông nói.
Có giáo viên cho rằng, bản dịch của Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, do tác giả Phạm Toàn dịch từ nguyên văn tiếng Pháp dễ hiểu hơn. Cụ thể: "Người nghệ sĩ phải tự rèn luyện mình trong sự giao lưu không ngừng với mọi kẻ khác, cái vị trí luôn luôn ở giữa, một bên là cái đẹp anh ta không thể thiếu và bên kia là cái cộng đồng anh ta không thể dứt bỏ".
Ngoài ra, một luồng ý kiến khác nhận định, cấu trúc đề thi quy cũ, thiếu sự đột phá, bao năm nay vẫn vậy. "Cứ chuộng cái loằng ngoằng, cứ phải cho to tát lên, cho phức tạp vấn đề lên mới được. Tại sao không đưa mọi thứ về thật giản dị, thật gần gũi nhưng đủ độ sâu sắc", một giáo viên nêu quan điểm:
Một giáo viên khác chia sẻ: "Sao lại cứ ra đề kiểu bàn luận về nhận định. Vì nó tạo ra một suy nghĩ không mấy tốt đẹp: cả tuổi thanh xuân (của học sinh) cứ phải đi chứng minh cho phát ngôn của người khác là đúng. Hơn nữa, lại là bản dịch, ý tứ đã không còn nguyên vẹn, lại dịch khá dài, trừu tượng, khó hiểu."
Gợi ý câu Nghị luận văn học
- Ý kiến nêu rõ yêu cầu đối với người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm của nhà văn vừa phải là một thế giới nghệ thuật riêng, mang đậm phong cách cá nhân, vừa chứa đựng tiếng nói của cộng đồng, nhân loại, thỏa mãn nhu cầu, khát vọng, lợi ích của cộng đồng.
- Yêu cầu quan trọng nhất đối với nhà văn là phong cách. Phong cách là thước đo tài năng của người nghệ sĩ. Viết nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là phải có tiếng nói riêng không thể lẫn. Nếu không có phong cách, nhà văn không có chỗ đứng trên văn đàn.
- Văn học là một hình thái ý thức xã hội, nó ra đời từ đời sống và phải quay lại phục vụ đời sống. Cho nên, nhà văn phải có sự va chạm, trải nghiệm sâu sắc đời sống để từ đó nói lên những vấn đề bức thiết của cộng đồng. Nếu dứt bỏ cộng đồng thì văn học chỉ là một trò chơi vô nghĩa.
- Chứng minh bằng một số tác phẩm theo khả năng của thí sinh.
- Quan điểm của Albert Camus là rất xác đáng và có ý nghĩa quan trọng đối với người cầm bút. Nhà văn phải luôn đứng giữa cái cá nhân và cái cộng đồng, tác phẩm phải hài hòa cái riêng và cái chung.
- Câu nói của Albert Camus cũng là sự định hướng quan trọng đối với quá trình tiếp nhận của độc giả.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google