Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Vai trò của trí tưởng tượng đối với tuổi trẻ

Ly Hương
10:52 - 16/08/2024
Công dân & Khuyến học trên

Câu nghị luận xã hội đề thi học sinh giỏi của một địa phương yêu cầu học sinh bàn về vai trò của trí tưởng tượng đối với tuổi trẻ ngày nay.

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Vai trò của trí tưởng tượng đối với tuổi trẻ- Ảnh 1.

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Vai trò của trí tưởng tượng đối với tuổi trẻ- Ảnh 2.

Câu nghị luận xã hội (câu 1)

Xác định vấn đề nghị luận

- Trí tưởng tượng là một khả năng của con người, giúp con người tạo ra trong tâm trí hình ảnh những cái không có ở trước mắt hoặc chưa hề có;

- "Hành trình trưởng thành" là quá trình lớn lên về thể chất và tinh thần của con người;

- "Thời đại công nghệ lên ngôi" là xã hội hiện đại với sự phát triển của các thiết bị công nghệ, phương tiện nghe nhìn,…

- Hai thái độ của người trẻ về vai trò của trí tưởng tượng: khẳng định (giúp nuôi dưỡng tâm hồn) và phủ định ("không cần thiết")

Từ hai ý kiến trái chiều, học sinh đưa ra ý kiến của riêng mình về vai trò của trí tưởng tượng đối với người trẻ trong xã hội hiện đại.

- Bàn luận: Học sinh có thể có nhiều hướng giải quyết khác nhau: khẳng định, phủ định, khẳng định một phần… vai trò của trí tưởng tượng đối với tuổi trẻ ngày nay. Nhưng dù đi theo hướng giải quyết nào, học sinh cũng cần chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận (chứng minh, bình luận, …) để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng cần lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động.

+ Trí tưởng tượng thường sẵn có trong mỗi người và sẽ phát triển hoặc mai một trong hành trình trưởng thành, phụ thuộc vào các nguyên nhân chủ quan (lựa chọn cá nhân) hay khách quan (ảnh hưởng của xã hội). Việc coi rèn luyện tư duy, trải nghiệm thực tế cần thiết hơn là rèn luyện trí tưởng tượng chỉ là lựa chọn cá nhân, còn vai trò của trí tưởng tượng đối với đối với thế hệ trẻ ngày nay là không thể phủ nhận.

+ Từ cấp độ cá nhân đến cấp độ nhân loại, trí tưởng tượng chẳng những giúp con người làm phong phú đời sống tinh thần (biết mơ mộng, sáng tạo nghệ thuật…), mà còn làm giàu có đời sống vật chất (tìm ra lý thuyết khoa học, phát minh ra máy móc…). Trí tưởng tượng vừa khơi nguồn bao sáng tạo, hoài bão trong hành trình trưởng thành của tuổi trẻ, vừa hoàn thiện một khía cạnh của nhân tính, phân biệt con người với máy móc trong thời đại công nghệ lên ngôi, từ đó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn người trẻ.

+ Rèn luyện năng lực tưởng tượng không đồng nghĩa với ảo tưởng, xa rời thực tại; tưởng tượng cần được định hướng bằng tư duy đúng đắn, cần được hiện thực hóa bằng trải nghiệm thực tế, dũng khí hành động,…

- Lưu ý: Học sinh cần phân tích các dẫn chứng để làm rõ vấn đề bàn luận.

Bài học nhận thức và hành động

- Từ việc khẳng định vai trò của trí tưởng tượng đối với tuổi trẻ ngày nay, học sinh nêu ra định hướng cụ thể về cách suy nghĩ và hành động của bản thân, ví dụ:

+ Trong thời đại công nghệ lên ngôi, những thông tin, hình ảnh, âm thanh,…cụ thể trên các thiết bị nghe nhìn dễ khiến năng lực tưởng tượng của người trẻ mai một. Vì vậy, người trẻ không những cần nhận thức được sự cần thiết của năng lực tưởng tượng, mà còn cần có những hành động cụ thể để rèn luyện trí tưởng tượng, nuôi dưỡng tâm hồn như: thư giãn, đọc sách, hòa mình vào thiên nhiên,…

Câu nghị luận văn học (câu 2)

Xác định vấn đề nghị luận

- "Trang sách": tác phẩm văn chương;"Mở rộng tâm hồn": làm cho phạm vi, quy mô ý nghĩ và tình cảm trong đời sống nội tâm con người trở nên lớn hơn trước.

Nhan đề khẳng định tác động của văn chương đối với đời sống nội tâm của độc giả: mở rộng chiều kích đời sống nội tâm bằng cách làm phong phú ý nghĩ và tình cảm trong người đọc, giúp ta hiểu đời hiểu người, làm nảy nở trong tâm hồn ta những xúc cảm cao đẹp…

Bàn luận

- Cơ sở lí luận: Văn học phản ánh hiện thực đời sống và thế giới nội tâm một cách tổng hợp, toàn vẹn trong mọi quan hệ đa dạng, phức tạp thông qua hình tượng nghệ thuật. Vì thế, văn học giúp độc giả, bằng trí tưởng tượng của mình, hóa thân vào các hình tượng nhân vật (nhân vật kì ảo hay nhân vật của đời thực), trải nghiệm nhiều chiều kích hiện thực (hiện thực bên ngoài như xã hội, thời đại (những người ở quanh ta) hay hiện thực bên trong như ước mơ (Ngày xửa ngày xưa…), cảm xúc (Buồn trông…);

- Văn học mở rộng tâm hồn người đọc bằng cách khiến họ rung động trước tình cảm, tư tưởng của nhà văn, trước ngôn từ nghệ thuật nơi mỗi tác phẩm. Thâm nhập vào thế giới nghệ thuật, người đọc vừa có thể đồng cảm hoặc đối thoại với nhân vật, với tác giả; vừa có thể nuôi dưỡng những rung cảm thẩm mĩ (qua nhạc tính, hình ảnh, chi tiết,…);

- Như vậy, văn học với những đặc trưng của mình đã giúp người đọc mở rộng tâm hồn bằng bằng những trải nghiệm sống phong phú, những xúc cảm thẩm mĩ. Nâng cao khả năng nhận thức, thấu hiểu và biết rung động trước những vang động của đời không chỉ giúp độc giả mở rộng mà còn làm thanh cao tâm hồn của chính mình, hướng con người đến các giá trị chân, thiện, mĩ.

Phân tích tác phẩm để chứng minh

- Từ những trải nghiệm văn học của bản thân (những tác phẩm trong hoặc ngoài sách giáo khoa), học sinh chỉ rõ những khả năng nào của tâm hồn mình được văn chương mở rộng, thể hiện qua việc cảm nhận cả phương diện nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Ví dụ: Biết vui – buồn, biết yêu thương – căm thù, biết mơ ước – biết thức tỉnh, bồi đắp năng lực nhận thức – năng lực thẩm mĩ,…

Đánh giá, nhận xét, mở rộng, bổ sung vấn đề

- Văn chương không những giúp mở rộng khả năng chưa có của tâm hồn, mà còn có thể làm sâu sắc thêm những khả năng sẵn có của tâm hồn mỗi người như khả năng nhận thức, tưởng tượng,... Vẫn có những tác phẩm văn chương thu hẹp khả năng của tâm hồn (củng cố những định kiến lạc hậu, chạy theo thị hiếu tầm thường,...) nếu người đọc không tỉnh táo và chọn lọc trong tiếp nhận.

- Người viết cần mở lòng đón những vang động của đời, nâng cao bút lực để tạo nên những trang viết có khả năng mở rộng tâm hồn người đọc ở cả giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.

- Hiệu quả mở rộng khả năng tâm hồn của văn học phụ thuộc vào việc tiếp nhận của mỗi cá nhân, vào độ lùi thời gian của mỗi thế hệ độc giả. Vì vậy, trong quá trình tiếp nhận, người đọc cần rèn luyện trí tưởng tượng, óc phê phán, nâng cao năng lực thẩm mĩ, đồng thời sẵn thiện chí để gạn đục khơi trong – thì mới có thể mở rộng được khả năng của tâm hồn mình qua trang sách.

Bình luận của bạn

Bình luận