Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Hòa thuận bên nhau và luôn tách rời
Câu nghị luận xã hội đề thi học sinh giỏi Ngữ văn tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu học sinh viết đoạn văn bàn luận về chủ đề "Hòa thuận bên nhau và luôn tách rời" từ trường ca "Thời tái chế" của tác giả Mai Văn Phấn.
Gợi ý đáp án nghị luận xã hội
* Giải thích: giọt nước: chỉ sự nhỏ bé, đơn lẻ, mang tính cá thể. Hòa vào nhau thành giọt nước lớn: gắn kết thành một khối lớn mạnh. Hòa thuận bên nhau: sự hòa hợp, cùng tồn tại và phát triển. Luôn tách rời: độc lập, tự chủ và mang bản sắc riêng.
Nội dung cuộc đối thoại: khẳng định cá nhân gắn kết với cộng đồng nhưng cần có sự độc lập và bản sắc riêng.
* Bàn luận:
- Sống hòa thuận bên nhau vì con người là tổng hòa các mối quan hệ.
- Sống tách rời để cá nhân phát triển tiềm lực của chính mình.
- Hài hòa giữa cái chung và riêng, kết nối sâu sắc với mọi người mà vẫn được là chính mình.
- Mỗi người cần linh hoạt mềm dẻo trong ứng xử, biết đoàn kết, chia sẻ, kiến tạo nên sức mạnh cộng đồng ... đồng thời phải có lối đi riêng, khẳng định giá trị bản thân, không trở thành cái bóng nhạt nhòa trong số đông.
- Bác bỏ quan niệm trái chiều.
* Bài học: nêu bài học nhận thức và hành động.
Nghị luận văn học
* Giải thích:
- Thơ: là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, cảm xúc mãnh liệt thông qua thế giới hình tượng và ngôn ngữ hàm súc, giàu nhịp điệu.
- Thế giới hình tượng bên trong của thơ: Thơ thể hiện thế giới bao gồm thế giới khách quan và thế giới bên trong (tâm hồn, cảm xúc) thông qua hệ thống hình tượng thơ.
- Thế giới chủ quan nội cảm của tác phẩm: tình cảm, cảm xúc mang tính cá nhân, cá thể.
- Nhìn đời theo thế giới ấy, sống trong đó như là "nhà của mình": người đọc đồng điệu, hòa nhập, nếm trải thế giới hình tượng, cảm xúc của tác phẩm bằng tâm hồn mình.
- Sẽ thấy nhà thơ muốn nói gì và đã nói như thế nào: hòa nhập vào thế giới hình tượng, cảm xúc của tác phẩm, người đọc sẽ thấu hiểu những thông điệp mà nhà thơ gửi gắm.
Ý kiến bàn về đặc trưng của thơ và vấn đề tiếp nhận thơ ca. Thơ ca biểu lộ cảm xúc qua thế giới hình tượng; người đọc cần thâm nhập vào thế giới ấy bằng tâm hồn đồng điệu để có thể thấy được thông điệp tư tưởng và cái hay, cái đẹp của tác phẩm.
* Bàn luận:
- Thế giới hình tượng thơ là thế giới chủ quan nội cảm của tác phẩm.
+ Thơ là tiếng lòng, người nghệ sĩ bộc lộ thế giới tâm hồn với những điều sâu kín nhất. Cảm xúc với mọi cung bậc từ mãnh liệt tha thiết đến mong manh mơ hồ nhất đều được truyền tải qua những hình tượng nghệ thuật sống động.
+ Thế giới hình tượng trong tác phẩm được sinh ra từ những phút thăng hoa, thần hứng của thi nhân. "Hình tượng văn học là sự tổng hợp những tư tưởng và say mê, là kết quả của một tấm lòng đầy thiết tha" (Biêlinxki). Vì vậy, hình tượng là kết quả của sáng tạo, in dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ.
- Cách tiếp nhận thơ ca là hãy nhìn đời theo thế giới ấy, sống trong đó như là "nhà của mình", lúc ấy người đọc sẽ thấy nhà thơ muốn nói gì và đã nói như thế nào.
+ Tiếp nhận thơ ca đòi hỏi người đọc hoà mình vào tác phẩm, rung động, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật được dựng lên bằng ngôn từ, lắng nghe tiếng nói của tác giả bằng tâm hồn đồng điệu, tri âm. Bằng trí tưởng tượng, kinh nghiệm sống, vốn văn hoá, người đọc khám phá ý nghĩa của từng câu chữ, cảm nhận sức sống của từng hình ảnh, hình tượng, … Như vậy, tiếp nhận thơ là hoạt động tích cực của cảm giác, tâm trí người đọc làm cho tác phẩm từ một văn bản khô khan biến thành một thế giới nghệ thuật sống động, đầy sức cuốn hút trong tâm trí mình.
+ Hình tượng được sinh ra từ tâm trí của nhà thơ nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc. Sống trong thế giới hình tượng, hòa mình cùng những xúc cảm của nhà thơ, người đọc sẽ lật mở những mã thông điệp mà nhà thơ muốn nói. "Nhà thơ gói tâm tình của mình trong thơ, bạn đọc mở ra bỗng thấy tâm tình của mình trong đó" (Lưu Quý Kỳ). Và cái đẹp, cái thiện sẽ có sức cảm hóa, bồi đắp, thanh lọc tâm hồn con người; nâng cao năng lực thưởng thức cái hay, cái đẹp, tài nghệ của người nghệ sĩ sáng tạo.
* Chứng minh:
- Thế giới hình tượng thơ là thế giới chủ quan nội cảm của tác phẩm: "Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?" khắc họa hình tượng trung tâm là Tổ quốc. Thông qua hình tượng Tổ quốc, nhà thơ bày tỏ những cảm xúc, suy tư sâu sắc về vẻ đẹp của đất nước trong thời đại mình.
- Người đọc phải sống trong thế giới hình tượng, cảm xúc như "nhà của mình" để thấy điều nhà thơ muốn nói:
+ Thâm nhập vào hình tượng Tổ quốc, người đọc nhận thấy vẻ đẹp của đất nước: hào hùng gắn liền chiến công lẫy lừng, tâm hồn dân tộc nhân ái, chan hòa, tinh tế và giàu truyền thống văn hóa, văn hiến lâu đời. Tổ quốc tươi đẹp, căng tràn sức sống trong cái nhìn tin yêu, hi vọng của nhà thơ. Tổ quốc đau thương, bế tắc trong suy tưởng về quá khứ của cha ông. Ca ngợi Đảng, Bác Hồ đã soi đường cho dân tộc đi từ đau thương đến chiến thắng. Tổ quốc vẫy gọi, thúc giục tuổi trẻ cống hiến, hi sinh, hóa thân cho dáng hình xứ sở.
+ Tâm hồn người đọc được bồi đắp tình yêu Tổ quốc, hiểu được mối quan hệ giữa cá nhân với đất nước, hình thành lẽ sống cao đẹp.
- Người đọc phải sống trong thế giới hình tượng, cảm xúc như "nhà của mình" để thấy nhà thơ đã nói như thế nào: Hình thức nghệ thuật đặc sắc với thể thơ tự do, ngắt nhịp linh hoạt; hình tượng Tổ quốc vừa cụ thể vừa mang tính biểu tượng cao; cấu tứ độc đáo với mạch cảm xúc lãng mạn thăng hoa trước hào khí của thời đại mình; hình ảnh thơ phong phú, giàu sức gợi hình, gợi cảm; giọng điệu ngợi ca, sôi nổi; ngôn ngữ tinh tế, chọn lọc; .... tạo nên phong cách thơ đậm chất suy tưởng triết lí.
- Thí sinh mở rộng liên hệ, so sánh bằng trải nghiệm của bản thân trong quá trình đọc những tác phẩm thơ để làm sáng tỏ vấn đề lí luận.
* Đánh giá:
- Khẳng định ý kiến của Trần Đình Sử là đúng đắn và xác đáng. Thế giới hình tượng trong thơ là thế giới nghệ thuật đặc thù, chứa đựng cảm xúc, tình cảm, tư tưởng của nhà thơ. Con đường đến với thơ ca là con đường lấy hồn ta để hiểu hồn người, của những rung động từ trái tim. Đọc thơ là thâm nhập vào thế giới hình tượng và phải là sự nhập tâm, nhập hồn, đến với thơ bằng những cảm xúc chân thành.
- Ý kiến là định hướng cho người sáng tác và người tiếp nhận:
+ Với người sáng tác: lắng nghe những cảm xúc của trái tim mình, ghi lại những rung động của tâm hồn bằng lối viết giàu tính nghệ thuật, mang phong cách riêng...
+ Với người tiếp nhận: không ngừng nâng cao trình độ tiếp nhận, hướng tới khả năng tiếp cận thưởng thức những vẻ đẹp và giá trị của tác phẩm thơ ca, cảm nhận được những vẻ đẹp của hình thức và nội dung thơ, thấu hiểu được tiếng nói của người viết thông qua thế giới nghệ thuật...
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google