Đề nghị bỏ kiến nghị hỗ trợ các loại thuế với xe ô tô điện
Việc phát triển ô tô theo hướng điện hóa là một hướng đi đáng khuyến khích, vừa kinh tế, vừa thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc áp dụng các chính sách ưu đãi trong sản xuất, lắp ráp ô tô điện là không phù hợp.
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 8084/BTC-CST gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị bỏ kiến nghị hỗ trợ về các loại thuế với hoạt động sản xuất, lắp ráp tiêu thụ cũng như xây dựng trạm sạc cho xe ô tô điện.
Mọi đề xuất phải được thống nhất, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đảm bảo tính khả thi
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn vừa qua, luật về thuế, phí, lệ phí đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự phát triển của đất nước, của từng ngành, trong đó đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ngành ô tô, công nghệ hỗ trợ ô tô, bao gồm cả các chính sách để khuyến khích sử dụng ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện hóa ở mức độ khá cao.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải tham khảo nội dung báo cáo của Bộ Công Thương là đơn vị được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện hóa và định hướng phát triển ô tô điện tại Việt Nam. Từ đó, có đề xuất thống nhất, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đảm bảo tính khả thi.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, ngành công nghiệp ô tô trong nước cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau như tỷ lệ sản xuất trong nước thấp, quy mô thị trường còn nhỏ, giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô cao, hạ tầng giao thông còn nhiều điểm nghẽn...
Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, xe ô tô điện hóa nói riêng trong thời gian tới cần được nghiên cứu thận trọng và kỹ lưỡng, đảm bảo bám sát định hướng chủ trương, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
Do đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh các đề xuất chính sách cũng như tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan cần có tài liệu thuyết minh, tính khả thi trong thực tiễn và các căn cứ đề xuất, tránh đề xuất cảm tính, không hiệu quả, lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính thấy rằng một số nội dung đề xuất giao Bộ Tài chính chưa được luận giải cụ thể, rõ ràng, chưa cung cấp được các thông tin cần có và yêu cầu nguồn lực của việc thực hiện các giải pháp như đề xuất ưu tiên mua sắm xe ô tô điện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hay đề xuất hỗ trợ bằng tiền cho người mua xe điện...
Không giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các dòng xe điện nguyên chiếc
Đối với các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải đề xuất có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu xe ô tô điện, Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đề xuất không điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các dòng xe điện nguyên chiếc.
Theo Bộ Tài chính, việc đặt vấn đề miễn thuế hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô điện nguyên chiếc như kiến nghị của một số doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện trong nước, gây áp lực lên hạ tầng giao thông và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Về các ưu đãi miễn, giảm thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện, Bộ Tài chính cho biết, pháp luật về thuế hiện hành đã có những ưu đãi ở mức cao đối với hoạt động sản xuất lắp ráp xe ô tô điện trong nước và pin xe điện.
Không chỉ ưu đãi đối với việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng sản xuất xe ô tô điện mà còn có ưu đãi thuế có thời hạn, có trọng tâm, trọng điểm đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin xe điện.
Các chính sách ưu đãi thuế này vẫn đang trong quá trình thực hiện như chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô để sản xuất, lắp ráp ô tô được thực hiện từ năm 2017 và kéo dài đến hết năm 2027, chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2024; đối với dự án sản xuất pin nhiên liệu, pin lithium thuộc đối tượng đặc biệt ưu đãi đầu tư theo pháp luật đầu tư nên được miễn thuế nguyên liệu, vật tư trong 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.
Bộ Tài chính cho rằng, cần có thời gian tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách ưu đãi thuế này qua quá trình thực hiện so với mục tiêu đề ra, trước khi đặt vấn đề bổ sung các chính sách mới để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển của đất nước cũng như ngành công nghiệp ô tô trong giai đoạn tới đây.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải bỏ các đề xuất về việc bổ sung các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với sản xuất, lắp ráp xe ở tô điện, pin xe điện, nhập khẩu xe ô tô điện tại dự thảo báo cáo mà chỉ nên đề xuất theo hướng tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với ô tô điện đã được ban hành, đồng thời tiến hành tổng kết, đánh giá các chính sách này để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Về ưu đãi thuế nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng trụ sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh thì hiện về thuế thuế nhập khẩu hiện hành quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa tạo tài sản cố định đối với đối tượng ưu đãi đầu tư theo pháp luật đầu tư.
Trường hợp, dự án lắp đặt trạm sạc thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư hoặc thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư theo pháp luật đầu tư thì được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị để tạo tài sản cố định của dự án lắp đặt trạm sạc và ưu đãi về tiền thuê đất, thuế đất theo quy định.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xem xét bổ sung các dự án xây dựng trụ sạc, trạm sạc thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, các chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước ở nước ta ưu tiên dành cho các đối tượng là người nghèo, đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa và một số đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, nhà nước còn phải cân đối nguồn lực để thực hiện nhiều chương trình, dự án về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng, việc đặt vấn đề trợ giá, hỗ trợ tài chính trực tiếp đối với các nhà sản xuất, người tiêu dùng ô tô điện hóa là chưa phù hợp vì những người sử dụng ô tô đặc biệt là ô tô điện là những người có thu nhập cao trong xã hội.
Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất một loạt cơ chế ưu đãi cho ô tô điện
Tại báo cáo trình Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trước đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết, nhiều doanh nghiệp đề xuất tiếp tục ưu đãi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28/2/2027 đối với xe ô tô điện sản xuất lắp ráp trong nước. Miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo.
Đối với phí trước bạ, miễn lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện trong 5 năm đầu kể từ ngày 1/3/2022. Trong 2 năm tiếp theo (từ 1/3/2027), lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với xe ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Miễn lệ phí cấp biển 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển cho xe ô tô điện cho 2 năm tiếp theo.
Đồng thời trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua xe ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện khoảng 1.000 USD/xe.
Miễn thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp đặt trạm sạc điện và miễn thuế đất trong 5 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu và giảm 50% cho 5 năm tiếp theo. Ưu đãi giá bán điện bằng giá điện phục vụ sản xuất.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google