Đầu tư cao tốc là động lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

10:31 - 01/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hệ thống cao tốc từ Châu Đốc, Cà Mau, Kiên Giang về Cần Thơ là chiến lược và vô cùng quan trọng để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Đầu tư cao tốc là động lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Cầu Cần Thơ vượt sông Cửu Long trên tuyến giao thông xương sống của Nam Bộ. Ảnh TTH

Dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long chưa cao, chưa phát huy tiềm năng và lợi thế tự nhiên; tính kết nối nội vùng, giữa vùng với Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Đông Nam bộ còn hạn chế.

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm tại Hội thảo "Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 31/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm, một trong những nguyên nhân là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn. Đến nay, toàn vùng mới hoàn thành khoảng 91 km đường bộ cao tốc trên tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm 7%.

Nguyên nhân chủ yếu là nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực tuy đã được quan tâm, bố trí nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu do điều kiện địa hình bị chia cắt, nền địa chất yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên suất đầu tư xây dựng lớn.

Theo tính toán, suất đầu tư đường bộ cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn 1,3 -1,5 lần so với các khu vực khác, là một phần lý do khiến số lượng công trình được đầu tư chưa được nhiều, khả năng kêu gọi nguồn lực từ xã hội bị hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2030, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thành khoảng 1.180 km đường bộ cao tốc. Hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo và Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai Kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết, cụm từ "xóa trắng" được đặt ra nhằm nhấn mạnh đến quyết tâm của Bộ Chính trị, của Chính phủ thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khu vực này là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Thế nhưng, hạ tầng giao thông nói chung và cao tốc nói riêng của khu vực này lại rất khiêm tốn.

Cùng nhìn nhận trên, Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 40.000 km2, dân số khoảng 19 triệu người cùng rất nhiều tiềm năng nhưng chỉ có thể so sánh với các tỉnh Tây Nguyên, không so sánh nổi với các vùng kinh tế khác trên cả nước. Ba nguyên nhân chủ yếu là hạ tầng giao thông yếu kém, cơ cấu kinh tế thuần nông chuyển dịch chậm và nguồn nhân lực có vấn đề.

Về hạ tầng giao thông, theo ông Trần Du Lịch, Đồng bằng sông Cửu Long có nối kết chiến lược và lâu dài với vùng Đông Nam bộ nhưng trong suốt thời gian dài chỉ dựa vào Quốc lộ 1. Hệ thống giao thông thủy cũng không được khai thác tối đa lợi thế. Đặc biệt, yếu tố quyết định kết nối là đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ đã được đề xuất từ rất lâu nhưng chưa thể triển khai.

"Hệ thống đường bộ kết nối theo cả trục dọc và trục ngang đã có trong quy hoạch là rất đáng hoan nghênh nhưng chưa đánh giá đúng mức đường sắt. Phải tập trung xây dựng hệ thống cao tốc từ Châu Đốc, Cà Mau, Kiên Giang về Cần Thơ, hình thành trung tâm kinh tế, sau đó nối kết với Thành phố Hồ Chí Minh bằng hệ thống đường sắt. Đây là con đường chiến lược và vô cùng quan trọng để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển", ông Trần Du Lịch phân tích.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, có nhiều lợi thế về gạo và trái cây, vùng nông sản lớn nhưng địa phương chưa phát huy khai thác đúng tiềm năng khiến đời sống người dân còn khó khăn. Một trong những nguyên nhân quan trọng là hệ thống kết cấu hạ tầng chậm phát triển; trong đó có hạ tầng giao thông. Quyết tâm của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương trong vùng là trong vòng 5 - 10 năm tới sẽ hoàn chỉnh từ trục dọc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cà Mau, trục ngang nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi giữa vùng duyên hải và vùng biên giới.

Ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, việc đầu tư xây dựng hoàn thành các tuyến cao tốc là rất cần thiết và cấp bách để sớm kết nối đồng bộ, từng bước hoàn thiện các trục ngang, trục dọc giao thông theo quy hoạch. Các tuyến này sẽ giúp kết nối giao thông thuận lợi, nhanh chóng từ các tỉnh trong vùng đến các khu chức năng quan trọng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã và đang được quy hoạch như: cảng biển Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ và các khu công nghiệp lớn.

Đã hoàn thành đầu tư 2 dự án điện lớn tại tỉnh Trà Vinh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam Đỗ Văn Kiên đánh giá, hạ tầng giao thông yếu kém khiến các nhà đầu tư e ngại khi quyết định rót vốn vào các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dù có nhiều lợi thế để triển khai các dự án năng lượng nhưng giao thông chính là nút thắt khiến việc thu hút các nhà đầu tư cực kỳ khó khăn.

Theo ông Kiên, nếu có thể hoàn thành các dự án giao thông theo đúng quy hoạch và tiến độ mà Chính phủ cũng như Bộ Giao thông Vận tải đề ra, các doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội, tiết kiệm nhiều chi phí khi đầu tư các dự án năng lượng, công nghiệp, xuất nhập khẩu... đem lại nhiều nguồn lực đến với các tỉnh miền Tây.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam