Đào Sa Pa xuống phố đón Tết

Quốc Hồng
14:01 - 28/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Dịp này, dù thời tiết miền Bắc, đặc biệt tại các tỉnh miền núi chìm trong lạnh giá, mưa phùn, sương mù dày đặc - nhưng vẫn không cản trở bước chân rộn ràng của người dân từ các bản làng trên núi cao Sa Pa mang hoa đào xuống phố thị, phục vụ thú chơi của người yêu hoa đào mùa xuân.

Đào Sa Pa rộn ràng xuống phố

Đào Sa Pa xuống phố đón Tết- Ảnh 1.

Hoa đào Sa Pa được người dân mang xuống phố, phục vụ người yêu hoa Tết, đón xuân về. Ảnh: Quốc Hồng

Sa Pa là "thủ phủ" hoa đào núi, được đồng bào dân tộc thiểu số trồng nhiều xung quanh nhà ở, trên nương đồi ở những bản làng như: Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn, Mường Hoa, Ô Quý Hồ… 

Người dân ở đây trồng đào vừa lấy quả bán cho khách du lịch, vừa tỉa cành bán cho người chơi hoa vui xuân, đón Tết.

Đào Sa Pa xuống phố đón Tết- Ảnh 2.

Người dân Sa Pa dùng xe máy chở đào từ các bản làng trên núi cao xuống phố. Ảnh: Quốc Hồng

Đào Sa Pa xuống phố đón Tết- Ảnh 3.

Hoa đào được người dân bày bán ngay ven đường quốc lộ 4D nối thành phố Lào cai với Sa Pa. Ảnh: Quốc Hồng

Đây là loại hoa đào vốn trước đây được gọi cái tên dân dã là "đào rừng", đào phai, đào mốc - được người dân vùng núi cao trồng, chăm sóc có thêm thu nhập mỗi dịp xuân về. 

Người chơi hoa rất chuộng loại đào này bởi thân cành có nét già cổ mộc mạc, khi nở hoa có màu hồng nhạt tự nhiên, lâu tàn, kiểu dáng đẹp...

Dịp áp Tết, người dân vùng cao Sa Pa dùng xe máy chở những cành đào phai xuống phố, tập trung tại các điểm ngã ba Sâu Chua, quốc lộ 4D khu vực Trung Chải, lối rẽ Tả Phìn để phục vụ người chơi hoa ở thành phố Lào Cai và các tỉnh miền xuôi.

Đào Sa Pa xuống phố đón Tết- Ảnh 4.

Người dân không quản mưa rét, đứng ôm cành đào chờ người mua. Ảnh: Quốc Hồng

Đào Sa Pa xuống phố đón Tết- Ảnh 5.

Trái với cảnh mưa phùn rét mướt, cảnh mua bán hoa đào vẫn nhộn nhịp tại ngã 3 Sâu Chua (Sa Pa). Ảnh: Quốc Hồng

Đào Sa Pa xuống phố đón Tết- Ảnh 6.

Những cành đào đủ mọi kiểu dáng chờ người chơi hoa mua về đón Tết. Ảnh: Quốc Hồng

Theo tìm hiểu của phóng viên Công dân và Khuyến học, hiện chủ yếu chỉ có loại đào cành thường, nếu chọn cành nhiều nụ mới chớm để ra hoa đúng dịp Tết, giá dao động từ 100 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng/cành, loại 500 - 800 nghìn đồng/cành cũng có khá nhiều. Thi thoảng có cành già, cành mốc trắng được bán với giá cao, có cành giá vài triệu đồng.

Trước đây, nhu cầu thị trường tiêu thụ "đào rừng", đào phai, đào xù xì, mốc trắng... từ Sa Pa rất lớn. Vì thế, người dân đã chặt không ít đào cổ thụ, lâu năm để bán, khiến số lượng đào suy giảm.

Mặc dù vậy, đặc điểm cây đào ở vùng cao là loại cây trồng, dễ phát triển, không cần phải dày công chăm bón, phù hợp với thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, cây càng già cỗi càng có giá.

Khoảng 5-6 năm trở lại đây, cùng với khai thác cành những cây đã đến tuổi, mốc, xì, trắng, già, có giá cao, chính quyền thị xã Sa Pa khuyến khích người dân trồng mới để tạo cảnh quan và phát triển kinh tế, tăng thu nhập từ cây đào bản địa.

Đào Sa Pa xuống phố đón Tết- Ảnh 7.

Những cành đào già, có nhiều rêu mốc bám quanh, nhiều nụ được người chơi hoa chọn mua với giá cao hơn. Ảnh: Quốc Hồng

Đào Sa Pa xuống phố đón Tết- Ảnh 8.

Một gốc đào cổ thụ, rêu mốc, nhiều cành, dày hoa có giá hàng chục triệu đồng. Ảnh: Quốc Hồng

Đào Sa Pa xuống phố đón Tết- Ảnh 9.

Nhộn nhịp chợ hoa đào vùng cao Sa Pa những ngày giáp Tết Nguyên đán. Ảnh: Quốc Hồng

Đào Sa Pa xuống phố đón Tết- Ảnh 10.

Những cánh hoa đào phai nở sớm chào đón xuân về. Ảnh: Quốc Hồng

Đào Sa Pa xuống phố đón Tết- Ảnh 11.

Người dân dùng dây nilon buộc túm những cành đào Sa Pa đầy nụ để người chơi hoa vận chuyển đi xa, không bị rơi rụng. Ảnh: Quốc Hồng

Đào Sa Pa xuống phố đón Tết- Ảnh 12.

Chở đào Sa Pa về xuôi đón Tết. Ảnh: Quốc Hồng