Dân là gốc, tương lai đất nước là trọng

Nguyễn Năng Lực
11:08 - 02/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Giá sách giáo khoa, học phí năm học tới sẽ tăng mạnh đang là vấn đề khiến dư luận quan tâm, cha mẹ học sinh hoang mang, bức xúc

Dân là gốc, tương lai đất nước là trọng  - Ảnh 1.

Bộ sách giáo khoa lớp 1

Chiều 1.6, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu giải trình trước Quốc hội về các nội dung liên quan đến tăng giá sách giáo khoa, tăng học phí.

Tại "xã hội hóa"?

Liên quan đến giá sách giáo khoa, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nghị quyết 88 quy định: "Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.

Theo Nghị quyết này, công việc biên soạn sách giáo khoa đã được thực hiện theo hướng xã hội hóa. Các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành. Bộ mong muốn học sinh luôn được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất nên đã có nhiều động thái chỉ đạo từ khâu biên soạn, xuất bản đến phát hành.

Dân là gốc, tương lai đất nước là trọng  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình rước Quốc hội về giá sách giáo khao và học phí

Về lý do tăng học phí, Bộ trưởng cho hay, việc này được quy định trong Nghị định 81. Trong đó, đối với bậc học phổ thông thì chính quyền cấp tỉnh, thành phố sẽ quyết định mức học phí.

Nghị định 81 cũng quy định học phí theo vùng miền, có mức trần, mức sàn và có lộ trình. Trong đó, các địa phương căn cứ vào tình hình địa phương để quyết mức học phí cho phù hợp. Trên thực tế có một số địa phương đã miễn hoàn toàn học phí như Hải Phòng.

Đối với các trường đại học, cũng theo Nghị định 81, nếu trường tự chủ một phần hoặc tự chủ chi thường xuyên một phần, tự chủ chi đầu tư thì không được thu học phí quá mức trần của nghị định.

Còn đối với trường đạt chuẩn quốc gia, quốc tế được thu đạt mức kinh tế, kỹ thuật do nhà trường tính toán, quyết định. Đây là quyền tự chủ của trường đại học.

"Không thể chấp nhận những bộ sách giáo khoa làm ra để kinh doanh". Giáo sư Phạm Tất Dong

Mấy hôm trước, bên lề Quốc hội, Bộ trưởng hồn nhiên giải thích, giá sách giáo khoa tăng là do giấy tốt hơn, khổ to hơn. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng viện dẫn Nghị định 81, Nghị định 88 của Quốc hội để giải thích lý do vì sao mà cả hai thứ thiết yếu, thiết thân cho sự học của học sinh và gia đình học sinh là sách giáo khoa và học phí lại tăng giá. Cứ theo luận điểm của Bộ trưởng thì lỗi là do hai nghị định ấy, do"xã hội hóa", mà "xã hội hóa là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Dân là gốc, tương lai đất nước là trọng

Có phải do xã hội hóa mà có đến 6 bộ sách giáo khoa, bộ nào cũng rườm rà nhiều đầu sách, có quyển chỉ dùng được một lần, đã thế, sách giáo khoa cứ bị thay liên tục, tiêu tốn hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền ngân sách và tiền dân?

Có phải do xã hội hóa mà Hải Phòng miễn được học phí cho học sinh, trong khi các tỉnh khác không làm, hay không làm được?

Giá sách giáo khoa đã được các cơ quan chức năng của Nhà nước thẩm định, phê duyệt chưa? Nếu tất cả đã "đúng quy trình" thì vì sao cái "quy trình lòng dân" không suôn sẻ?

Một bà mẹ trẻ có con năm nay vào lớp 1 cho biết, một bộ sách giáo khoa lớp 1 chị phải trả hơn 1 triệu rưởi, nếu kể cả các khoản đồng phục, đóng quỹ xây dựng, quỹ phụ huynh, quỹ lớp.. tất cả cũng ngót 3 triệu đồng.

Dân là gốc, tương lai đất nước là trọng  - Ảnh 4.

Học sinh hồn nhiên vào năm học mới

Mấy năm gần đây, dư luận cho rằng lĩnh vực giáo dục - đào tạo nước nhà có nhiều sai lầm, gây xáo trộn xã hội, bây giờ vấn đề giá sách giáo khoa và học phí tăng là một cú va đập mạnh gây sốc, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội mà chúng ta đang rất cần có, cần giữ gìn để xây dựng đất nước. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng coi dân là gốc, coi tương lai đất nước là trọng.

Giáo sư Phạm Tất Dong khi nói về một nền "Giáo dục mở" đã phân tích căn kẽ những yêu cầu của một nền giáo dục lành mạnh, những bất cập trong cách làm giáo dục của ta hiện nay, từ khâu biên soạn sách giáo khoa với những "hạt sạn" to, để đi đến kết luận rằng, "không thể chấp nhận những bộ sách giáo khoa làm ra để kinh doanh". Ông đề nghị "phải xử lý nghiêm minh những người của Hội đồng thẩm định. Sự lọt lưới của sách giáo khoa chất lượng kém có thể do năng lực chuyên môn của chuyên gia thành viên Hội đồng không đáp ứng yêu cầu mà Nhà nước đặt ra, nếu không do năng lực kém thì phải từ một sự khuất tất nào đó".

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận