Đàm phán trần nợ công bế tắc - nước Mỹ còn hơn 1 tuần để xử lý thảm họa kinh tế

Dũng Minh
08:13 - 23/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ công nghiêm trọng, một thách thức lớn cho nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.

Đàm phán trần nợ công bế tắc - nước Mỹ còn hơn 1 tuần để xử lý thảm họa kinh tế - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 5/5. Ảnh: AFP/VOV


Đàm phán trần nợ công - “Cuộc chiến” chưa có hồi kết

Nguyên nhân là do sự bế tắc trong Quốc hội về việc nâng trần nợ công, mức giới hạn pháp lý về số tiền mà chính phủ có thể vay mượn. Hiện nay, nợ công của Mỹ vượt quá trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD kể từ tháng 1 năm nay. Nếu không có sự đồng thuận giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Thượng viện và Hạ viện, chính phủ Mỹ có thể không có đủ tiền để thanh toán các khoản chi tiêu và các khoản nợ.

Tổng thống Biden đang cố gắng tìm kiếm sự thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán về trần nợ, nhưng gặp phải sự phản đối từ phe Cộng hòa và sự bất mãn từ một số thành viên trong đảng Dân chủ của ông. Ngày 21/5, ông Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thống nhất tiếp tục các cuộc đàm phán sau khi cuộc họp kéo dài hơn 2 giờ bị đình trệ do tranh cãi đảng phái. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy hai bên có thể tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ trong vòng 11 ngày tới.

Ông McCarthy cho biết sau cuộc điện đàm với ông Biden: "Tôi rất hài lòng với cuộc thảo luận của chúng tôi. Tôi tin chúng tôi có thể giải quyết được một số vấn đề nếu ông ấy lắng nghe những gì chúng tôi đề xuất".

Cuộc điện đàm bàn về việc nâng trần nợ công của Mỹ, hai bên trao đổi quan điểm về các biện pháp hạn chế chi tiêu liên bang mới trong bối cảnh nguy cơ Mỹ sẽ không thanh toán được các khoản nợ vào ngày 1/6.

Ông Mc Carthy và nhà đàm phán hàng đầu của Đảng Cộng hòa Garret Graves cho biết, mức chi tiêu và thời gian áp dụng là hai yếu tố then chốt trong các cuộc đàm phán. Họ khẳng định Đảng Cộng hòa sẽ không chấp nhận bất kỳ sự gia tăng chi tiêu liên bang nào trong bối cảnh ngân sách quá căng thẳng.

Ông Biden, ngược lại, kêu gọi Đảng Cộng hòa từ bỏ quan điểm cực đoan và sẵn sàng thỏa hiệp để tìm ra một giải pháp lưỡng đảng cho vấn đề trần nợ công. Ông Biden cắt ngắn chuyến công du ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quay lại Washington để giải quyết khủng hoảng này.

Theo giới phân tích, cuộc điện thoại giữa hai nhà lãnh đạo có thể là khởi đầu cho một tuần căng thẳng và rủi ro cao, khi Mỹ phải quyết định liệu có nâng trần nợ công hay không để tránh khả năng vỡ nợ lịch sử.

Áp lực đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden

Trong khi Đảng Cộng hòa muốn giảm thiểu chi tiêu liên bang, Đảng Dân chủ lại muốn duy trì hoặc tăng cường các khoản chi cho các chương trình xã hội và môi trường. Một số thành viên của Đảng Dân chủ cũng yêu cầu Tổng thống Biden sử dụng Tu chính án thứ 14 để có quyền vay tiền mà không cần sự thông qua của Quốc hội.

Cuộc tranh luận về trần nợ công diễn ra trong bối cảnh Mỹ gặp khó khăn trong việc khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19. Nếu không có sự thỏa thuận giữa hai phe, Mỹ có nguy cơ mất niềm tin của các nhà giao dịch quốc tế và gây ra những biến động lớn trên thị trường tài chính.

Đảng Cộng hòa muốn Tổng thống Joe Biden phải cắt giảm chi tiêu để đổi lấy sự ủng hộ của họ trong việc nâng trần nợ công. Còn Đảng Dân chủ muốn duy trì chi tiêu ổn định ở mức của năm nay, đồng thời yêu cầu tăng trần nợ một cách vô điều kiện trong thời gian dài.

Trong cuộc họp báo tại Hiroshima, Nhật Bản vào ngày 21/5, Tổng thống Biden nói ông có thể dùng quyền của mình theo Tu chính án 14 ngăn nước Mỹ không bị vỡ nợ. Đây là giải pháp mà nhiều đảng viên Dân chủ đề nghị nhằm giải quyết tình trạng bế tắc về trần nợ mà không cần sự thông qua của Quốc hội.

Tu chính án 14 quy định "không được nghi ngờ về tính hợp lệ của khoản nợ công", tức là Mỹ có thể vay thêm tiền ngay cả khi Quốc hội không cho phép nâng mức trần nợ công. Đây là lần đầu tiên ông Biden tuyên bố rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên, không chắc chắn việc này có thể giúp Mỹ thoát khỏi khủng hoảng hay không vì Mỹ chỉ còn 11 ngày để có đủ tiền trả các hóa đơn. Ngoài ra, ông Biden cũng nhận thấy những rủi ro pháp lý của giải pháp này.

Tổng thống Biden cho biết thêm, chính phủ Mỹ và sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu nhưng ông cho quan trọng là phải biết cắt giảm ở những lĩnh vực nào. Các cộng sự của ông Biden đưa ra những đề xuất nhượng bộ, bao gồm việc Quốc hội có thể duy trì chi tiêu cho một số chương trình trong nước như giáo dục, nghiên cứu khoa học, viện trợ nhà ở. Nhà Trắng cũng muốn giữ nguyên chi tiêu quốc phòng trong năm 2024.

Theo tờ Wahington Post, các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đang cố gắng đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công. Nếu họ thất bại và chính phủ nước này không thể đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán của mình, các nhà kinh tế và chuyên gia tài chính dự đoán sẽ có sự hỗn loạn.

"Điều đó sẽ gây hậu quả khủng khiếp. Bạn có thể thấy nó thực sự có thể lan truyền và phá hủy toàn bộ hệ thống tài chính, cuối cùng sẽ phá hủy nền kinh tế", Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's nhận định.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen cho biết, cơ quan này chỉ có thể duy trì hoạt động đến ngày 1/6 trước khi hết tiền nếu chính phủ không thể vay thêm. Thời hạn cụ thể đó được gọi là "ngày X".

Các tác động của vỡ nợ có thể phức tạp. Việc tạm dừng thanh toán liên bang sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Sự tương tác giữa giá trị nhà sụt giảm, lãi suất tăng và hệ thống tài chính toàn cầu bất ổn là rất khó tính toán. Một số ước tính cho thấy hơn 8 triệu việc làm có thể bị xóa sổ. Theo một số dự đoán, lãi suất vay thế chấp có thể tăng hơn 20% và nền kinh tế sẽ thu hẹp như trong cuộc suy thoái sâu hồi năm 2008.

Nguồn: VOV/Tổng hợp