Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về tình hình Ukraine

08:16 - 13/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 12/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án việc Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine (Donetsk, Kherson, Lugansk and Zaporozhye) và yêu cầu Nga đảo ngược hành động này.

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về tình hình Ukraine - Ảnh 1.

Cuộc bỏ phiếu về nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý của Nga ở Ukraine, tại trụ sở Liên hợp quốc, thành phố New York (Mỹ) ngày 12/10. Ảnh: AP

Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết lên án việc Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine

Ngày 12/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án việc Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine (Donetsk, Kherson, Lugansk and Zaporozhye) và yêu cầu Nga đảo ngược hành động này. 

Nghị quyết được thông qua với 143 phiếu thuận, 35 phiếu trắng và 5 phiếu chống.

Các quốc gia bỏ phiếu chống là Belarus, Nga, CHDCND Triều Tiên, Nicaragua, và Syria. Đa số các quốc gia bỏ phiếu trắng là các quốc gia châu Phi, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.

Nghị quyết kêu gọi tất cả cơ quan Liên hợp quốc, cơ quan quốc tế và các quốc gia không công nhận bất kỳ thay đổi nào do Nga công bố về biên giới và yêu cầu Nga "đảo ngược ngay lập tức và vô điều kiện" các quyết định của mình.

Nghị quyết tuyên bố "bảo vệ các nguyên tắc" của Hiến chương Liên hợp quốc và lưu ý rằng 4 vùng Ukraine nói trên đang "tạm thời nằm dưới sự chiếm đóng của Nga".

Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã vận động hành lang quyết liệt cho việc bỏ phiếu này tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Sau cuộc bỏ phiếu, quan chức ngoại giao số 1 của EU, Josep Borrell, tuyên bố "EU sẽ sát cánh với Ukraine".

Trước đó, ngày 10/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu bác lời kêu gọi của Nga tổ chức bỏ phiếu kín về việc có lên án động thái của Nga nhằm sáp nhập 4 khu vực của Ukraine hay không. Đại diện Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia đã chỉ trích phương Tây và bảo vệ động thái sáp nhập của Nga trong diễn văn của ông tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông cho rằng các nỗ lực vận động hành lang của phương Tây đồng nghĩa với việc "sẽ rất khó khăn nếu các quan điểm được thể hiện công khai".

Việt Nam tiếp tục kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định Việt Nam theo dõi sát và đặc biệt quan ngại trước các diễn biến gần đây tại Ukraine, nhấn mạnh sự cần thiết cần bảo đảm tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có việc không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, và đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. 

Đại sứ nhấn mạnh xuất phát từ lịch sử phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh để giành độc lập, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình và phản đối mọi hành vi đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Do đó, Việt Nam tiếp tục kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu, kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và triệt để tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tính tới lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Việt Nam cũng hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực ngoại giao giúp giảm thiểu căng thẳng, trong đó có nỗ lực của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và các bên liên quan khác, và bày tỏ sẵn sàng đóng góp tích cực cho các nỗ lực ngoại giao và quá trình tái thiết, phục hồi tại Ukraine.

Nguồn: TTXVN, VOV