Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển gần 18.000 chỉ tiêu bậc đại học

Thiên Ân
11:05 - 13/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển gần 18.000 sinh viên và dành tối đa chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực.

Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển gần 18.000 chỉ tiêu bậc đại học - Ảnh 1.

Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2024. Ảnh: VNU

Dành tối đa chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực

Ngày 12/3, tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2024, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2024, trường dự kiến tuyển gần 18.000 chỉ tiêu bậc đại học.

Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đổi mới tuyển sinh, tăng cường năng lực tổ chức quản lý đào tạo theo mô hình quản trị đại học tiên tiến, nhằm thu hút được nhiều thí sinh giỏi, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường hội nhập quốc tế, mở rộng quy mô tuyển sinh tại Hòa Lạc; tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực và dành tối đa chỉ tiêu cho phương thức này, đồng thời tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 cùng một số phương thức khác được quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học chính quy của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Về kế hoạch triển khai kỳ thi đánh giá năng lực, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Tiến Thảo thông tin, năm 2024, trường tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực cho học sinh bậc trung học phổ thông, đáp ứng nhu cầu của khoảng 98.000 thí sinh tại Hà Nội và các tỉnh: Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Hải Dương. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, có hơn 98.000 thí sinh thuộc hơn 800 trường trung học phổ thông đăng ký dự thi trải dài trên 53 tỉnh/thành. 

Dự kiến, kết quả thi sẽ được Trung tâm Khảo thí công bố sau ngày 10/6/2024.

Hiện nay, Trung tâm Khảo thí cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai chính sách xét tuyển và học bổng HSA toàn phần dành cho top 5% thí sinh có kết quả thi tốt nhất.

Các trường thành viên đề xuất cách xét tuyển mới

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc từ các mùa tuyển sinh trước cũng như đề xuất phương thức tuyển sinh tối ưu nhất.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Phạm Như Hải đề xuất, với đặc thù là đơn vị có thời gian đào tạo kéo dài, đòi hỏi tuyển được thí sinh có chất lượng đầu vào cao, Trường Đại học Y Dược mong muốn triển khai thí điểm hình thức phỏng vấn sau khi các thí sinh đã trúng tuyển vào trường bằng bài thi đánh giá năng lực hay bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Trần Anh Hào mong muốn Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét, ủy quyền cho trường được chủ động phê duyệt điểm trúng tuyển.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đặng Thị Thu Hương đề nghị sớm phân bổ chỉ tiêu về các đơn vị đào tạo, cũng như phê duyệt các phương thức tuyển sinh mới, giao nhiệm vụ mở mới các ngành đào tạo. Đồng thời, Trường Đại học Ngoại ngữ cần nghiên cứu xây dựng bài thi VNU test đảm bảo chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra cho tất cả các bậc học từ đại học tới tiến sĩ.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Chử Đức Trình, từ thực tiễn cho thấy chất lượng sinh viên tốt nghiệp chưa cao, phần lớn sinh viên chưa đủ năng lực nghề nghiệp. 

Vì vậy, cần tập trung vào những phương thức tuyển sinh ổn định và bền vững để tuyển được thí sinh có chất lượng đầu vào tốt. Hiệu trưởng Chử Đức Trình ủng hộ phương thức thi đánh giá năng lực của Trung tâm Khảo thí, đồng thời đề xuất, trong điều kiện nhất định có thể dành 100% chỉ tiêu cho phương thức này.