Đại biểu Quốc hội: Cần thực hiện ngay quy định lương và phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở

N.Cường
17:51 - 29/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đại biểu Quốc hội đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.

Chiều 29/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Đại biểu Quốc hội: Quy định lương và phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở cần được thực hiện ngay - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Cần cơ chế phân cấp hợp lý trong ứng phó với dịch bệnh

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo từ Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng báo cáo đã thể hiện rõ những nỗ lực cũng như tồn tại, hạn chế của hệ thống y tế thời gian qua. Hồi tưởng lại giai đoạn đại dịch, đại biểu cảm ơn sự chỉ đạo, hỗ trợ, động viên, tiếp sức của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đội ngũ y tế cùng nhân dân cả nước đối với Thành phố Hồ Chí Minh trong những giai đoạn vô cùng khó khăn khi đối mặt với đại dịch COVID-19.

Đại biểu cho rằng, nhìn về phía trước, việc cần làm là hàn gắn những vết thương, hoàn thiện chính sách và đội ngũ để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân tốt hơn. Đại biểu đề nghị cần có cơ chế phân cấp hợp lý hơn, giao thẩm quyền cho Chính phủ phân cấp cho ủy ban nhân dân các tỉnh thành trong những trường hợp "chống dịch như chống giặc"; khẩn cấp và không chồng lấn để kịp thời trong phản ứng, giúp đỡ tốt nhất cho người dân, tránh trường hợp "nước xa không cứu được lửa gần".

Đại biểu cũng đề nghị cần rà soát, mở rộng để có những quy định vinh danh những hành động đột xuất, những nghĩa cử cao đẹp, ủng hộ tài lực, vật lực, những tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp chắt chiu đóng góp ủng hộ cho các nguồn quỹ chống dịch, chăm lo cho hệ thống y tế hoặc các túi an sinh cho người dân.

Nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở cần được thực hiện ngay

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết: Báo cáo của Đoàn giám sát được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Nội dung báo cáo đã chỉ rõ bài học thành công trong phòng, chống dịch của Việt Nam xuất phát từ chủ trương nhất quán của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã huy động được mọi nguồn lực từ toàn thể nhân dân.

Về chế độ, chính sách cho nhân viên y tế cơ sở, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, hiện chế độ lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng từ năm 2004, đã gần 20 năm, chế độ phụ cấp đều đã được áp dụng hơn 10 năm. Đại biểu đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.

Đại biểu Quốc hội: Quy định lương và phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở cần được thực hiện ngay - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn

Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85 về cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập, hiện nay đã hết hiệu lực, đại biểu cho rằng, rất cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về những vấn đề tự chủ và cơ chế tài chính cho lĩnh vực y tế, trong đó chú trọng phân loại từng mức độ tự chủ một phần chi thường xuyên và cơ chế khuyến khích các đơn vị thực hiện tự chủ với trạm y tế.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhận thấy, mấu chốt vấn đề để giải quyết triệt để bài toán y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo vốn ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí nhằm đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên cho các đơn vị y tế cơ sở. Chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ cho đơn vị được phép giữ lại để sử dụng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ xây dựng một đề án riêng cho trạm y tế xã với mục tiêu đến năm 2030, các trạm y tế xã có đủ cơ sở vật chất, nhân lực theo tiêu chí của từng địa bàn, khu vực, theo bán kính phục vụ, đảm bảo tính căn cơ và lâu dài.

Cần chính sách đãi ngộ tương xứng với đặc thù công việc cho nhân lực y tế cơ sở

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng, Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đã được xây dựng công phu, đánh giá đầy đủ, sát vấn đề, các nhóm kiến nghị có tính khả thi cao…

Qua nghiên cứu Báo cáo giám sát của Quốc hội và kết quả giám sát địa phương, đại biểu Phạm Đình Thanh cho rằng, hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng còn gặp nhiều khó khăn, yếu kém. Cơ chế chính sách còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần phải được nghiêm túc xem xét và sớm có giải pháp khắc phục. Chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng hiện nay còn chưa phù hợp, số lượng nhân lực y tế cơ sở còn thấp…

Đại biểu Quốc hội: Quy định lương và phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở cần được thực hiện ngay - Ảnh 4.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum. Ảnh: quochoi.vn

Việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Nguồn nhân lực chất lượng chuyên sâu tại y tế cơ sở, y tế dự vòng thiếu. Số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại y tế cơ sở rất thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu, liên thông…

Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát trình Quốc hội ban hành các dự án Luật để bổ sung hoàn thiện quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng riêng, đảm bảo tương xứng với công sức và đặc thù công việc.

Quan tâm tới chính sách thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở

Đánh giá cao nội dung chuyên đề giám sát của Quốc hội là hết sức cần thiết, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho rằng: Qua kết quả giám sát, Chính phủ sẽ có đánh giá toàn diện khi dịch bệnh xảy ra như công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng, để từ đó có những chỉ đạo, chính sách đúng đắn để vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe của nhân dân, vừa đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.

Qua Báo cáo của Đoàn Giám sát và thực tế tại địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng cần quan tâm tới chính sách thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, bởi hiện nay chính sách này chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực để giữ chân, tạo sức hút giữ chân đội ngũ bác sĩ trẻ có trình độ và năng lực làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, dẫn đến nguy cơ người dân tại vùng sâu, vùng xa khó có khả năng tiếp cận với y tế.

Đại biểu Quốc hội: Quy định lương và phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở cần được thực hiện ngay - Ảnh 5.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề xuất Chính phủ cần đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, điều chỉnh tiêu chuẩn, tiêu chí của chính sách đào tạo cử tuyển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kể cả những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để người học thuộc các vùng dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với môi trường học tập, nhất là ngành y để có thể trở về hỗ trợ y tế tại cơ sở.

Đồng thời, Chính phủ cần nâng phụ cấp trực cho nhân viên y tế, nâng phụ cấp nhân viên y tế thôn bản; cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ y tế cơ sở có thời gian công tác quá 5 năm tại vùng kinh tế khó khăn.