Cuộc khủng hoảng Sri Lanka và những suy ngẫm

Trúc Phong
21:33 - 14/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Những biến cố chính trường Sri Lanka là kết quả của việc người dân phải sống trong tình trạng mất điện kéo dài, khan hiếm nghiêm trọng thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác, chẳng hạn như thuốc men.

Cuộc khủng hoảng Sri Lanka và những bài học  - Ảnh 1.

Biểu tình nổ ra gần dinh thự riêng của Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, trong bối cảnh nước này đang khủng hoảng kinh tế. Ảnh: CNN

Tổng thống lánh ra nước ngoài, Thủ tướng từ chức, đất nước trong tình trạng giới nghiêm

Ngày 13/7, Tổng thống đương nhiệm Gotabaya Rajapaksa đã rời Sri Lanka tới Maldives. Ông đã gọi điện cho Chủ tịch Quốc hội Abeywardena, thông báo rằng đơn từ chức của ông sẽ được gửi ngay trong ngày 13/7. Tổng thống Rajapaksa đã chỉ định Thủ tướng Wickremesinghe đảm nhận các chức trách và quyền hạn của tổng thống.

Quân đội Sri Lanka đã được triển khai ở bên ngoài dinh thự tổng thống nhằm kiềm chế người biểu tình.

Cũng trong ngày 13/7, Tổng thống tạm quyền kiêm Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã ban bố lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến 5h00 (giờ địa phương) ngày 14/7.

Với lệnh này, người dân không được phép ra đường phố, công viên, nơi vui chơi giải trí công cộng, bờ biển hoặc những địa điểm công cộng khác trong khoảng thời gian nói trên, ngoại trừ những người có giấy phép do các cơ quan chức năng cấp.

Trong khi đó, đội ngũ truyền thông của ông Wickremesinghe tiết lộ chính trị gia này đã yêu cầu Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena đề cử thủ tướng mới "có thể được cả chính phủ và phe đối lập chấp nhận".

Những biến cố chính trường này là kết quả của việc 22 triệu dân của đất nước phải sống trong tình trạng mất điện kéo dài, khan hiếm nghiêm trọng thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác, chẳng hạn như thuốc men.

Những suy ngẫm từ cuộc khủng hoảng Sri Lanka

Một là, tình trạng vay nợ. Trước khi Sri Lanka lâm vào tình trạng không có khả năng trả nợ, chìm vào khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội, đã có nhiều cảnh báo rằng, nước này sẽ phải đối mặt với "bẫy nợ". Rất nhiều phân tích được đưa ra về các vấn đề, như vay vốn, đầu tư vào các công trình hạ tầng lớn, cùng những điều kiện khi vay vốn, cách thức quản lý, sử dụng vốn vay để đầu tư, cũng như việc lường trước khả năng trả nợ, trả lãi và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế... Đây là những bài học đắt giá đối với các nước, đặc biệt là những nước đang phát triển có nhu cầu vốn lớn để phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng.

Hai là, bài toán về cân đối ngân sách khi thực hiện các biện pháp giảm thuế. Giảm thuế, giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp, nhưng ngân sách nhà nước cũng giảm vì giảm nguồn thu. Chính phủ của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã cắt giảm thuế rất lớn: Thuế giá trị gia tăng (VAT) được cắt giảm từ 15% xuống còn 8%. Các loại thuế gián thu khác, như thuế xây dựng quốc gia, thuế trả công và phí dịch vụ kinh tế đều được bãi bỏ. Thuế suất thuế doanh nghiệp giảm từ 28% xuống 24%. Khoảng 2% GDP bị thất thu do các đợt cắt giảm thuế này.

Vì thế tỷ lệ giảm thuế hợp lý để cả hai bên: Nhà nước và người dân cùng có lợi cũng là bài học được rút ra.

Cuộc khủng hoảng Sri Lanka và những bài học  - Ảnh 2.

Được biết đến từ năm 1867, Trà Ceylon đã trở thành mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu ở Sri Lanka và cung cấp việc làm trực tiếp và gián tiếp cho gần 1 triệu người, trong khi khoảng 4% diện tích đất của đất nước được bao phủ bởi các đồn điền chè. Ảnh: srilankabusiness

Ba là, bài toán bảo đảm an ninh lương thực. Sri Lanka là một nước nông nghiệp. Ngành nông nghiệp của Sri Lanka chủ yếu tập trung vào các cây trồng xuất khẩu, như chè, cà phê, cao su và các loại cây gia vị. Sri Lanka vốn là quốc gia xuất khẩu chè hàng đầu thế giới.

Xuất khẩu các loại nông sản này đóng góp phần lớn vào GDP. Lượng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu được dùng để nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên chính sách dừng nhập khẩu phân bón hoá học với lý do tiết kiệm ngoại tệ đang thiếu hụt (đã được rút lại vào tháng 11/2021) và chuyển sang nền nông nghiệp hữu cơ, đã khiến sản xuất nông nghiệp trong nước giảm mạnh. Năng suất chè và cao su giảm, nhu cầu nhập khẩu lương thực tăng cao trong khi nguồn ngoại tệ nhập khẩu lương thực giảm, làm phát sinh và gia tăng tình trạng thiếu lương thực trong nước. Sri Lanka chìm trong cuộc khủng hoảng kép: vừa phải trả nợ nước ngoài vừa phải đáp ứng nhu cầu trong nước.

Từ thực tế Sri Lanka, có thể thấy, làm thế nào để bảo đảm được an ninh lương thực khi khuyến khích nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, bền vững, cũng là bài toàn cần câu trả lời. 

Bốn là, giữ ổn định xã hội. Đất nước Sri Lanka có nguồn thu rất lớn từ du lịch, chiếm tới 13% GDP. Tuy nhiên, những bất ổn, như một loạt vụ nổ bom tại các nhà thờ và khách sạn cao cấp ở Colombo vào tháng 4-2019 đã khiến lượng khách du lịch đến đất nước này giảm mạnh. Một số báo cáo cho thấy mức sụt giảm này lên đến 80%. Hệ lụy là ngoại hối giảm. Những vấn đề kinh tế của Sri Lanka lại bị trầm trọng thêm bởi đại dịch COVID-19 khiến lượng khách du lịch nước ngoài giảm mạnh. 

Rõ ràng ổn định xã hội là điều kiện vô cùng quan trọng để một quốc gia trở thành điểm đến an toàn, thu hút khách du lịch.

An sinh xã hội, khó khăn trong cuộc sống của người dân, cùng khoản nợ nước ngoài 51 tỉ USD trong khi GDP chỉ vào khoảng 81 tỉ USD tính đến năm ngoái, cùng lượng dự trữ ngoại hối giảm hơn 2/3 trong hai năm qua… là những khó khăn kinh tế mà Chính phủ mới của Sri Lanka phải đối mặt để vực dậy đất nước.