Cúm gia cầm A/H5N1 có bùng phát thành đại dịch?

Bác sĩ Bình Nguyên
06:15 - 10/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tối 22.02, Cục Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế Campuchia thông tin, bé gái 11 tuổi ở huyện Sithor Kandal, tỉnh Prey Veng tử vong do cúm gia cầm H5N1. Từ 16.02, bé khởi sốt 39 độ C, ho và đau họng…, điều trị ở địa phương không thuyên giảm nên chuyển bệnh viện Nhi quốc gia ở thủ đô Phnom Penh và tử vong tại đây.

Các chuyên gia lo ngại nguyên nhân tử vong là chủng H5N1 mới, nhánh 2.3.4.4b, xuất hiện năm 2020, gây ra số ca tử vong kỷ lục ở chim hoang dã và gia cầm trong những tháng gần đây. Nhưng ông Erik Karlsson, Giám đốc trung tâm cúm quốc gia Campuchia kiêm quyền Trưởng phòng virus Viện Pasteur du Cambodge, nơi giải trình tự bộ gene virus phân lập từ mẫu bệnh lấy ở em bé cho biết, đây là virus cúm A/H5N1 nhánh 2.3.2.1c, đặc hữu ở Campuchia. 

Tháng 12.2003, Campuchia lần đầu bùng phát cúm gia cầm ở chim hoang dã. Từ đó đến nay dịch vẫn lưu hành ở chim và gia cầm, lẻ tẻ lây sang người. Từ 2005 đến nay Campuchia có 58 ca bệnh H5N1, 39 tử vong, trong đó năm 2014 có 5 ca bệnh thì 3 tử vong; nhiều gà chết trong làng các bệnh nhân và họ tiếp xúc với chúng trước khi có triệu chứng bệnh giống nhau. Tháng 01.2021, tỉnh Battambang có hàng ngàn con gà chết do cúm H5N1…

Campuchia đã xét nghiệm H5N1 12 người có liên quan đến bé gái. Cha của bé gái, 49 tuổi, dương tính với H5N1, nhưng không biểu hiện triệu chứng. Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng ca bệnh H5N1 ở Campuchia đáng lo ngại và đang phối hợp với nước này theo dõi chặt chẽ tình hình, do thời gian gần đây số ca nhiễm H5N1 ở chim và động vật có vú gia tăng. Thành phố Hồ Chí Minh ngay lập tức giám sát chặt người nhập cảnh từ vùng có dịch của Campuchia, xét nghiệm kiểm tra những ca viêm phổi nặng đang nằm viện, kiểm dịch gia cầm nhằm chủ động ngăn chặn dịch. Viện Pasteur thành phố cảnh báo 20 địa phương phía Nam cảnh giác với cúm A/H5N1, tăng cường giám sát các ca viêm phổi nặng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra công điện khẩn chỉ đạo tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, vận chuyển gia cầm nhập lậu… Lo ngại là có cơ sở, bởi virus cúm A H5N1 độc lực cao, khi lây sang người, tử vong có thể tới 60%!

Nhận diện H5N1

Virus cúm (Influenzavirus), họ Orthomyxoviridae, bản chất di truyền ARN sợi đơn, gồm 3 chi A, B, C. Chi Alpha Influenzavirus-gọi tắt là cúm A-gây bệnh ở người, động vật có vú, chim, gia cầm. Trong 15 loại virus cúm gia cầm đã biết, có các biến chủng H5, H7 và H9 lây sang người (cúm A có 2 nhóm kháng nguyên bề mặt là Hemagglutinines-đánh số H1-H14 và Neuraminidases-đánh số N-N9). Cúm A/H5N1 có 2 kháng nguyên là H5 và N1.

Virus cúm A/H5N1 được phát hiện ở các loài chim hải yến Nam Phi, lây nhiễm làm chết hàng triệu gia cầm năm 1961; năm 1996, phát hiện ở ngỗng nuôi, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đã khẳng định được các loài thủy cầm, đặc biệt là vịt trời mang virus là chủ yếu. Năm 1997, khi lây lan ở Hồng Kông, Trung Quốc, 1,4 triệu con gà ở các trang trại đã chết và lần đầu tiên H5N1 lây sang người là ở đây, có 6 tử vong trong đó có một bé mẫu giáo. 

Từ 2003-2013, H5N1 đã "có mặt" ở Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Pakistan, Myanmar, Lào, Iraq, Indonesia, Campuchia, Azerbaijan, Banglades, Ai Cập, Djibouti, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, với 622 ca bệnh, 371 tử vong (59,65%). Trong đó số ca bệnh và tử vong ở ba nước cao nhất là Ai Cập 170/61; Indonesia 192/160; Việt Nam 124/62. 

Chim di cư gây ra dịch ở Việt Nam tháng 01.2005 với 33/64 tỉnh, thành phố làm hơn 140 triệu gia cầm chết hoặc phải tiêu hủy (tiêu hủy gần 1,2 triệu); tổng thiệt hại 1,8% GDP quốc gia. Trong 11 năm (2003-2013) Việt Nam chỉ có 2006 và 2011 không có ca bệnh H5N1 ở người, những năm còn lại ít nhiều đều có. Giai đoạn này Việt Nam và Indonesia cùng phát hiện H5N1 ở lợn. Năm 2005, H5N1 gây bệnh ở Nga, Kazakstan, Mông Cổ, Hy Lạp nhưng không tiếp cận được số liệu thống kê!

Năm 2014, Việt Nam có 2 ca bệnh cúm A H5N1 ở Bình Phước và Đồng Tháp, cả 2 đều tử vong.

Năm 2018, 1.050 con gà chết vì H5N1 trong 1.615 con cả đàn ở một nông trại Châu tự trị Tạng Hải Tây, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc, số còn lại phải tiêu hủy.

Ngày 02.02.2020, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc thông báo bùng phát cúm H5N1 ở một trang trại thuộc thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam. Có 4.500/7.850 con gà ở trang trại này chết vì nhiễm H5N1. Chính quyền Thiệu Dương khẩn trương dập dịch, tiêu huỷ 17.828 gia cầm…

Tháng 11.2021, Bộ Nông nghiệp Anh thông tin, một trang trại gia cầm nhỏ ở Warwickshire, miền trung nước này đã bùng phát dịch H5N1 có độc lực cao (virus cúm gia cầm có 2 loại, độc lực thấp và độc lực cao) nhưng không thấy số liệu. Na Uy bùng phát cúm H5N1 ở hạt Rogaland, khoảng 7.000 gia cầm nhiễm bệnh. Ba Lan cũng bùng dịch với 650.000 gia cầm nhiễm bệnh.

Tháng 10.2022, bé gái 5 tuổi, ở tỉnh Phú Thọ nhiễm H5N1, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã xác nhận bằng xét nghiệm.

Kênh truyền hình 7News, Australia nói rằng, cúm gia cầm độc lực cao H5N1 tiếp tục lan rộng từ năm 2021, nó đã tìm đường đến mọi châu lục, ngoại trừ Australia và Nam Cực. Đến cuối năm 2022, đã phát hiện loại virus này ở hơn 100 loài chim hoang dã như vịt, hải âu, ngỗng, diều hâu và cú mèo ở Mỹ. Gà nhiễm bệnh tử vong rất cao do virus làm tổn thương nhiều cơ quan nội tạng, nên 90-100% gà chết trong vòng 48 giờ kể từ khi nhiễm.

H5N1 ít lây từ chim, gia cầm sang người, bằng chứng là từ 1996 đến nay số người nhiễm toàn cầu chỉ lẻ tẻ và chưa thấy lây nhiễm người-người. Đã có những nghi ngờ lây nhiễm người-người ở Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia nhưng không đủ bằng chứng thuyết phục và Tổ chức y tế thế giới không xác nhận. Lây nhiễm gia cầm sang người do tiếp xúc (vào khu vực nuôi nhốt, bắt, giết mổ, chế biến…) gia cầm bị bệnh hoặc chất bài tiết của chúng mà không có phương tiện bảo hộ; ít hơn là hít phải những giọt chất tiết rất nhỏ; ăn thịt hoặc trứng không đủ chín, tiết canh gia cầm và chim. 

Trong cơ thể người virus tập trung mật độ cao nhất ở họng rồi vào máu, ruột (cúm thường-cảm cúm, cảm lạnh; do hơn 200 loại virus gây ra, nhiều nhất là Rhinovirus-chỉ tập trung ở mũi, không vào máu, ruột). Người nhiễm H5N1, thường sốt trên 380C liên tục, rét run; đau rát họng, ho khan không có đờm; mệt mỏi; đầu choáng váng; đau cơ…; đau ngực, nhịp tim nhanh. Chỉ sau nửa ngày, các triệu chứng nhanh chóng trầm trọng: biểu hiện suy hô hấp cấp: thở nhanh, khó thở, tím tái; đau lan tỏa: đau đầu, đau nhức cơ, đau toàn thân; mệt mỏi; mê man. 

Biến chứng thường thấy nhất là viêm phế quản-phổi, viêm phổi; diễn biến nặng sẽ suy đa tạng: thận, gan, não; số lượng bạch cầu nhất là bạch cầu đa nhân trung tính giảm mạnh; tình trạng nghiêm trọng có thể có như đông máu nội mạch rải rác, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, phù não, viêm màng não lympho (tăng mạnh bạch cầu dòng lympho); bội nhiễm vi khuẩn ở Tai-Mũi-Họng, thường thấy ở trẻ nhỏ. Theo Tổ chức y tế thế giới, từ 2003-2022 có 868 ca bệnh H5N1 ở người, 457 tử vong.

Lo ngại

Virus cúm A có hiện tượng di chuyển và dịch chuyển kháng nguyên làm cho nó trở lên rất đa dạng. Di chuyển kháng nguyên là do đột biến ngẫu nhiên khi virus nhân bản. Đột biến là thay đổi vị trí acid Amin của kháng nguyên. Nhờ thế kháng nguyên bề mặt luôn biến đổi và virus thoát  "nhận mặt" của hệ miễn dịch (tiêm vaccine tạo ra tháng thể chống chủng V, khi chủng V đột biến thành chủng V1 thì kháng thể chống V mất tác dụng), mà virus cúm A có tần xuất đột biến rất cao. 

Di chuyển kháng nguyên xảy ra thường xuyên (thường 2 năm một lần) làm phát sinh những dịch bệnh diện nhỏ, ngắn hạn. Dịch chuyển kháng nguyên là kết hợp vật liệu di truyền giữa hai nhóm virus cúm khác nhau khi cả hai cùng có mặt trong một tế bào vật chủ (hay tái tổ hợp), hậu quả có thể phát sinh rất nhiều biến chủng. Dịch chuyển kháng nguyên hiếm hơn, khoảng 10-20 năm một lần, nhưng làm bùng phát đại dịch toàn cầu. Theo dõi từ khi phát hiện đến nay, H5N1 luôn di chuyển kháng nguyên tạo ra những biến chủng mới độc hơn như H5N6 (phát hiện 2013), H5N8 (phát hiện 2016), hoành hành dữ dội ở châu Âu (cả Nga), Á và Mỹ từ 2020 đến nay, làm chết và phải tiêu hủy nhiều tỷ gia cầm, đe dọa ngành chăn nuôi toàn cầu và đã lây sang người. Việt Nam có nhiều tỉnh, thành phố, kể cả Hà Nội, bị các biến chủng này gây dịch ở gia cầm làm thiệt hại nặng.

Tại hội thảo gần nhất trong tháng 2, các nhà khoa học và những người liên quan (quản lý, bào chế vaccine…) thảo luận chủ yếu xoay quanh phân nhóm (subtype) 2.3.4.4b của H5N1 phát hiện từ 2020, do lo ngại dịch chuyển kháng nguyên sẽ gây đại dịch và tình hình H5N1 ở bắc Bán cầu. Tình trạng số chim chết đột biến, cao nhất từ trước đến nay và lây nhiễm H5N1 sang động vật có vú trong thời gian gần đây là nguyên nhân của cuộc họp. Từ tháng 10.2021, Anh có 250 chim hoang dã chết vì H5N1. Chỉ khoảng tuần cuối tháng 12.2022, 8.000 sếu Á-Âu (Grus grus-sếu cổ trắng, phổ biến nhất họ Sếu, phân bố ở hầu hết các khu vực Á-Âu và Bắc Mỹ) đã chết ở Anh và Israel vì virus này. 

Ngày 29.01, Hông Kông, Trung Quốc xác nhận chim Chích chòe than (Copsychus Saularis) chết vì H5N1. Từ tháng 11 năm ngoái, một loài chim ở bắc Peru nhiễm H5N1 và đến 22.02, Peru đã có 63.000 chim hoang dã chết vì H5N1, gồm chim cánh cụt, bồ nông, mòng biển ở các khu bảo tồn. Xác bồ nông cũng xuất hiện trên các bãi biển, bờ sông, rừng ngập mặn và trên cây ở bang Anzoátegui, tây bắc Venezuela, các xét nghiệm xác định chúng dương tính H5N1. Đến 16.2 đã có 6.111 chim hoang dã chết ở tất cả 50 bang của Mỹ. 

Cúm gia cầm A/H5N1 có bùng phát thành đại dịch? - Ảnh 1.

Xác bồ nông trên bãi biển Peru.

Cúm gia cầm A/H5N1 có bùng phát thành đại dịch? - Ảnh 2.

Một con sư tử biển chết trên bãi biển Peru. Ảnh: AFP

Thống kê đến nay, H5N1 đã giết chết khoảng 208 triệu con chim toàn cầu, nhưng quan ngại nhất là bùng phát lây nhiễm virus này sang các loài động vật có vú trong mấy tuần gần đây: Nước Anh xác nhận 9 con rái cá nhiễm H5N1; ở Mỹ, virus được tìm thấy ở chồn hôi, gấu, gấu trúc và cáo đỏ; ở Pháp, virus này lây sang một con mèo và Tây Ban Nha bùng phát H5N1 ở một trang trại nuôi chồn. H5N1 cũng được phát hiện ở hải cẩu và cá heo. Trong mấy tuần này có ít nhất 200 động vật có vú nhiễm H5N1. Đặc biệt, đến thời điểm này, Peru có đến 716 sư tử biển chết vì H5N1. 

Suốt năm 2022, Canada và Mỹ phát hiện H5N1 ở một số loài gấu và cáo… Một virus "nhảy" sang nhiều loài nên lo ngại tái tổ hợp tạo ra biến chủng mới gây đại địch hoàn toàn không thừa. Cúm A đã có "tiền lệ" là dịch năm 2009, lan khắp 5 châu với 160 nước do cúm A/H1N1 được xác định "lai" giữa cúm ở chim, lợn và người. Và theo Yoshihiro Kawaoka, Giáo sư virus học, đại học Madison, Wisconsin, Mỹ, thì H1N1 có nhiều điểm tương đồng với virus gây đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1920), ước 500 triệu ca bệnh và làm chết 25 - 50 triệu người! Vì thế virus cúm A được các nhà khoa học đưa vào danh sách 5 loại virus tương lai có khả năng gây đại dịch toàn cầu!