Cử tri đề nghị điều chỉnh, bổ sung nội dung một số môn học để phù hợp với thực tế sáp nhập tỉnh
Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh, bổ sung nội dung của một số môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cho phù hợp với thực tế sáp nhập tỉnh; nếu không, học sinh học sẽ khó nhận diện, giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập khi giảng dạy.

Cô trò Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ, Thành phố Đà Nẵng, trong một tiết học, tháng 11/2024. Ảnh: VNexpress
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình (nay là tỉnh Hưng Yên) gửi tới trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV do Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội chuyển đến tại Công văn 602/UBDNGS15 ngày 21/5/2025.
Theo đó, cử tri phản ánh, sau khi thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thì Việt Nam sẽ còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Như vậy, tên hành chính của nhiều tỉnh, thành trên cả nước hiện nay không còn nữa; điều này đồng nghĩa một số môn học của sách giáo khoa phổ thông sẽ xuất hiện nhiều bất cập (ví dụ: môn Địa lí bị ảnh hưởng bởi vì tên tỉnh, thành của mỗi vùng kinh tế được đề cập, các loại khoáng sản; cây công nghiệp; chăn nuôi; vùng chuyên canh trồng lúa, cây nông nghiệp; vùng biển được thể hiện khá cụ thể, rõ ràng ở từng địa phương; môn Lịch sử có nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến nhiều địa danh, phong trào khởi nghĩa; danh nhân, nhân vật lịch sử; những chiến công, sự kiện xảy ra ở những địa phương cụ thể..).
Do đó, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh, bổ sung nội dung một số môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cho phù hợp với thực tế khi sáp nhập tỉnh; nếu không, học sinh học sẽ khó nhận diện, giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập khi giảng dạy.
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, triển khai Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban chấp hành Trung ương về tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp: Cấp tỉnh và cấp xã, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025, đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức rà soát Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT; chương trình các môn học và hoạt động giáo dục, yêu cầu cần đạt của mỗi nội dung và chủ đề; nội dung các bộ sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục của các cấp học, đối chiếu với việc thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đưa ra các nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Theo kết quả rà soát, môn Lịch sử và Địa lí, môn Lịch sử, môn Địa lí, môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật cần điều chỉnh. Hội đồng chuyên gia các môn học đã đưa ra các nội dung cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai theo quy trình để ban hành các nội dung sửa đổi chương trình một số môn học, hoạt động giáo dục trong thời gian sớm nhất.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google