Công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Hà Nội cần mẫu mực

Ngọc Ánh
15:47 - 16/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

"Hà Nội có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông đông, hơn 1/10 số thí sinh trên cả nước, yêu cầu với thành phố là cần có sự mẫu mực nên công tác chuẩn bị luôn được Bộ Giáo dục và Đào tạo và thành phố quan tâm", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Chiều ngày 16/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.

Công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Hà Nội cần mẫu mực  - Ảnh 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Ảnh: Ngọc Ánh

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, chỉ còn hơn một tuần nữa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ diễn ra trên phạm vi cả nước.

Đây là kỳ thi có quy mô lớn nhất, phạm vi toàn quốc, được xã hội đặc biệt quan tâm, kết quả thi được sử dụng cho nhiều mục đích, với số lượng hơn 1 triệu thí sinh dự thi. Do tính thống nhất cao trên phạm vi toàn quốc nên công tác chuẩn bị cho kỳ thi này có nhiều việc phải làm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những chỉ đạo cụ thể, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông cấp quốc gia đã có cuộc họp trao đổi với ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.

Công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Hà Nội cần mẫu mực  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Ánh

Với Hà Nội, một thành phố có nhiều điểm đặc thù, cần có sự quan tâm đặc biệt, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn lắng nghe những chia sẻ của Ban Chỉ đạo thi của thành phố.

Hà Nội có số lượng thí sinh dự thi đông, hơn 1/10 số lượng thí sinh trên cả nước, địa bàn thành phố rộng, số lượng quận, huyện nhiều, dân số đông, giao thông phức tạp, yêu cầu với Thủ đô là cần có sự mẫu mực nên công tác chuẩn bị luôn được Bộ và thành phố quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn, Ban Chỉ đạo thi thành phố sẽ chia sẻ cụ thể về tình hình công tác chỉ đạo điều hành liên quan đến kỳ thi, từ đó trao đổi, thảo luận hướng tới mục tiêu kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch, an toàn, tốt đẹp.

Hơn 100.000 thí sinh Hà Nội đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, toàn thành phố có 102.095 lượt thí sinh đăng ký dự thi, trong đó: 

Số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục trung học phổ thông là 88.831 thí sinh (trong đó có 3.361 thí sinh tự do). 

Số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên là 13.264 thí sinh (trong đó có 293 thí sinh tự do)

Số thí sinh đăng ký dự thi theo từng môn như sau: môn Toán có 100.831 thí sinh, môn Vật lí có 26.196 thí sinh, môn Hóa học có 26.153 thí sinh, môn Sinh học có 28.829 thí sinh, môn Ngữ văn có 101.095 thí sinh, môn Lịch sử có 74.834 thí sinh, môn Địa lí có 74.710 thí sinh, môn Giáo dục công dân có 60.652 thí sinh, môn tiếng Anh có 83.893 thí sinh, môn tiếng Nga có 3 thí sinh, môn tiếng Pháp có 149 thí sinh, môn tiếng Trung có 466 thí sinh, môn tiếng Đức có 47 thí sinh, môn tiếng Nhật có 240 thí sinh và môn tiếng Hàn có 102 thí sinh. 

Công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Hà Nội cần mẫu mực  - Ảnh 3.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương báo cáo công tác tổ chức kỳ thi. Ảnh: Ngọc Ánh

Thành phố dự kiến bố trí 4.263 phòng thi, trong đó có 176 phòng thi ghép; số phòng chờ là 170 phòng, số phòng thi dự phòng là 378 phòng. Bố trí 189 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.

Phương án điều động cán bộ, giáo viên coi thi: Thí sinh trong một quận/huyện/thị xã được bố trí thành một cụm thi. 

Theo quy chế thi, cán bộ coi thi không được coi thi học sinh của trường mình, trưởng điểm thi và phó trưởng thi không cùng một điểm đơn vị, mỗi phòng thi có 2 cán bộ coi thi ở hai trường phổ thông khác nhau. 

Để đảm bảo quy chế thi, tại mỗi điểm thi, cán bộ coi thi là giáo viên của các trường trung học phổ thông đến từ quận/huyện/thị xã lân cận; cán bộ coi thi là giáo viên của các trường trung học cơ sở tại quận/huyện/thị xã nơi đặt điểm thi.

Dự kiến thành phố điều động 14.907 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi; điều động gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi. 

Thành phố cũng bố trí 537 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi (trong đó điểm thi dưới 20 phòng thi là 2 thanh tra; từ 20 đến 30 phòng thi là 3 thanh tra, từ 31 đến 40 phòng thi là 4 thanh tra, từ 41 phòng thi trở lên là 5 thanh tra; tăng cường thêm thanh tra ở những điểm thi có phòng thi phân tán). 

Quy định vật dụng của thí sinh cách phòng thi 25m chưa đảm bảo phòng tránh gian lận công nghệ cao

Trao đổi về những hạn chế, khó khăn trong công tác tổ chức kỳ thi, Ông Trần Thế Cương cho biết, thời gian tổ chức nhiều khâu của kỳ thi trùng với các kỳ thi, tuyển của địa phương do kế hoạch các kỳ, tuyển sinh của địa phương đã được xây dựng và thông tin với nhân dân từ đầu năm học.

Bên cạnh đó, Công văn 2472/BGDĐT-QLCL ngày 5/6/2023 hướng dẫn "bảo đảm các vật dụng mang vào phòng thi (bao gồm cả các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân) phải không chứa thông tin phục vụ mục đích gian lận thi cử và không có các tính năng lưu giữ, thu phát, truyền, nhận thông tin, hình ảnh dưới mọi hình thức" gây khó khăn trong công tác coi thi khi cán bộ coi thi không có đủ năng lực phát hiện các thiết bị gia lận công nghệ cao. 

Việc không quy định danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi gây khó khăn cho cán bộ coi thi khi kiểm soát vật dụng thí sinh mang vào phòng thi. 

Quy định khu vực bảo quản vật dụng, tư trang không được phép mang vào phòng thi của thí sinh có khoảng cách tối thiểu là 25m so với phòng thi chưa chắc đảm bảo việc phòng tránh được các thiết bị truyền tinh công nghệ cao vì tốc độ phát triển công nghệ của các thiết bị này rất nhanh.

Từ những hạn chế đã nêu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian tổ chức kỳ thi ngay trong khung kế hoạch thời gian của năm học, công bố từ đầu năm học giúp cho các địa phương được chủ động trong xây dựng kế hoạch năm học, nhất là kế hoạch các kỳ thi, tuyển sinh của địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với "các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân" cho phép thí sinh mang vào phòng thi; tiếp tục ban hành hướng dẫn danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi, hoặc có gợi ý danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi giúp cho cán bộ coi thi dễ kiểm tra, kiểm soát. 

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Công an có phương án hướng dẫn an ninh tại các điểm thi trong việc kiểm tra, kiểm soát các thiết bị gian lận công nghệ cao tinh vi; hoặc có tập huấn cụ thể với cán bộ coi thi tại các điểm thi. 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho rằng, quy định về các nội dung bí mật nhà nước trong giáo dục còn chưa đầy đủ, thiếu căn cứ để vận dụng đối với các kỳ thi ở địa phương; gây khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành. 

Ngoài ra, máy photo dùng trong in sao đề thi của Hà Nội là những máy đặc chủng, tốc độ cao; tuy nhiên do số lượng bản in quá lớn nên máy dễ bị trục trặc, thường phải bảo dưỡng. 

Trong quy chế thi quy định thành viên trong ban in sao đề thi là công chức, viên chức của ngành giáo dục do đó việc bảo dưỡng, sửa chữa tin máy photo trong ban in sao không được chủ động, khi cần gọi thợ vào và phải cách ly cùng các thành viên của ban.