Công phu nghề đứng lớp

Nam Nguyễn
06:00 - 13/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày nay, không khó để bạn có cơ hội trở thành giảng viên và được mọi người gọi là "thầy giáo, cô giáo". Nhưng để có được những bài giảng chất lượng, đảm bảo hàm lượng kiến thức cao, lại cuốn hút, truyền cảm hứng... cũng cần đòi hỏi nhiều công phu.

Người giáo viên chính là người truyền giảng kiến thức của mình cho nhiều thế hệ. Chính vì thế, nghề giáo đòi hỏi những người thực sự tâm huyết, yêu nghề, kiên trì và chăm chỉ. 

Để được nhiều người tôn trọng, rất nhiều thầy cô tâm huyết chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, công phu, nhiều kiến thức giá trị. Tuy nhiên, cũng có nhiều giảng viên "salon", chỉ chăm chăm đi "copy" kiến thức, chuẩn bị bài giảng sơ sài. Con số đáng báo động về tỉ lệ bỏ việc trong ngành giáo dục khiến chúng ta không khỏi lo lắng và đặt câu hỏi vì sao? 

Ngoài những lý do khách quan từ đãi ngộ, lương thưởng, thăng tiến… thì rất nhiều người đã không còn tâm huyết của mình. Phần vì "có tâm huyết cũng vậy", phần vì không đủ khả năng, kiên nhẫn để trau dồi kiến thức, tỉ mỉ trong mỗi lần lên lớp. 

Rất cần những trái tim ấm áp, luôn giữ lửa nghề "lái đò", khi truyền dạy điều gì cho thế hệ kế cận đều phải biết chăm chút, cẩn thận từng chi tiết trong bài giảng của mình. Vậy, làm sao để những bài giảng có thể truyền cảm hứng?

Công phu nghề đứng lớp - Ảnh 1.

Các giảng viên quốc tế dạy Tiếng Anh thông qua các hoạt động trải nghiệm cho trẻ em. Nguồn: TTXVN

Khi bắt đầu một lớp học, cán bộ đào tạo cũng giống như một nghệ sỹ chuẩn bị cho tiết mục biểu diễn của mình. Tiết mục ấy càng tập luyện kỹ, càng dễ dàng thu hút, hấp dẫn khán giả. Điều đầu tiên là cần đọc kỹ. Nhiều trường học chuyên nghiệp đều có Bộ cẩm nang hướng dẫn đào tạo (Trainer guide) nhằm giúp các giảng viên nắm chắc mục tiêu với từng nội dung truyền đạt. Thời gian lý tưởng nhất cho việc tìm hiểu trước các thông tin chính của nội dung đào tạo, cộng thêm bổ sung các tài liệu cần thiết cho công tác giảng dạy, minh họa là khoảng 2 tuần trước khi bắt đầu công tác giảng dạy.

Khi có thời gian chuẩn bị, các thầy cô giáo sẽ có thể đi từ mục tiêu tổng thể của trường, lớp, đơn vị đào tạo mà mình đang công tác, xem xét phần nội dung bài giảng có quy chiếu về mục tiêu chung đó hay không, có thực sự phục vụ hữu ích cho công tác đào tạo theo chuyên ngành và thế mạnh của trường đó hay không. 

Bạn có thể dễ dàng hình dung việc đào tạo văn hóa trong trường thể thao chẳng hạn, sẽ cần những kiến thức nền như thế nào đúng, đủ, phù hợp với mục tiêu cuối cùng là đào tạo các vận động viên, các kiện tướng thể thao… 

Tương tự như vậy, đối với những chuyên ngành xã hội, các kiến thức xã hội sẽ có tính bao quát và rộng hơn. Ngược lại, đối với những chuyên ngành khoa học tự nhiên, kinh tế, tài chính sẽ đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng về số liệu, dữ liệu, báo cáo chính xác… nhằm đưa tới cho học viên những kiến thức chuẩn, có chọn lọc và cập nhật xu hướng.

Ngoài ra, trước khi bắt đầu đào tạo, cán bộ đào tạo cần có được danh sách – thông tin các học viên để chuẩn bị nội dung, các ví dụ trình bày, các ý tập trung nhấn mạnh, sao cho phù hợp với nhu cầu và "thị hiếu" của người nghe. Bên cạnh đó, khi nắm được danh sách học viên hoặc đối tượng thụ hưởng các bài học giúp chúng ta lường trước số lượng nhằm tổ chức được chu đáo.

Trước khi tham dự chương trình đào tạo, nếu có thể giảng viên còn giới thiệu qua email, tin nhắn, thông báo đến mỗi học viên hãy đọc các tài liệu liên quan, tạo tiền đề tốt nhất cho việc nắm bắt toàn vẹn kiến thức cần có.

Một không gian lớp học sinh động và truyền được cảm hứng – lửa cho từng thành viên là mong muốn của tất cả những người đứng lớp. Có được điều này, mỗi giảng viên có thể tham khảo những thước phim ngắn, những tài liệu sống động của điện ảnh, sự kiện, tiêu điểm đang diễn ra và được nhiều người quan tâm để dẫn dắt học trò vào bài giảng một cách hào hứng hơn.

Hoặc ngay xen kẽ giữa các giờ học, trong giờ giải lao, cán bộ đào tạo có thể mở các bài hát truyền cảm hứng có ý nghĩa khích lệ, hoặc có những mối liên quan về nội dung, nhân vật, sự kiện, lịch sử, văn hóa, nội dung giáo dục phù hợp với môn học và chủ đề học tập đang dạy.

Một số giảng viên sáng tạo hơn, khi dùng cả những bộ môn nghệ thuật khác như điêu khắc, hội họa, hệ thống những poster trích dẫn những câu nói nổi tiếng có tính chất truyền cảm hứng, và ngay cả những dẫn chứng sống được mời tới tham gia trợ giảng. Thậm chí, nhiều thầy cô giáo còn tự tay làm phim, làm hoạt hình... để dạy học trò. Tất cả điều này có thể làm cho không khí học tập trong các lớp học trở nên sôi động và hấp dẫn.

Công phu nghề đứng lớp - Ảnh 1.

Nghề giáo, một nghề cao quý. Ảnh: IT

Việc sử dụng ngôn ngữ tích cực vô cùng quan trọng trong việc truyền cảm hứng, hãy để học viên và giảng viên là những người cùng chung trên một "chiếc thuyền" - hãy dùng: "chúng ta". Có nhiều giảng viên đã làm rất tốt việc khơi gợi các ý kiến, đóng góp của học viên. 

Cùng tạo ra những "diễn đàn" ngay tại lớp học, để học viên có thể chia sẻ, bày tỏ các quan điểm của mình. Điều này dễ dàng thấy trong các trường học có tính liên kết quốc tế. Việc tự do ngôn luận, chia sẻ, bày tỏ quan điểm của mình chưa được khơi gợi nhiều trong các thế hệ học trò Việt Nam. Hoặc chính những người thày, chưa truyền được cảm hứng tốt cho họ.

Trong một lớp học thụ động, bạn có thể thay đổi tương quan nhàm chán đó bằng cách tương tác nhiều với học viên qua các câu hỏi/ thảo luận nhóm để tránh sự tĩnh lặng không đáng có ở các lớp học. Việc tương tác ở góc độ thường thức sẽ dễ dàng nhận được sự phản hồi và tham gia của học viên.

Việc ngắt bài giảng thành các ý nhỏ trong cấu trúc chặt chẽ của bài giảng là điều cần thiết, để tránh lan man, tham ý. Sau 3 đến 4 ý nhỏ, cán bộ đào tạo nên dừng lại, tắt slide/gấp sách và cùng học viên nhắc lại nội dung vừa học, đây là một cách ôn tập - giúp học viên nhớ bài hiệu quả, việc ôn tập cũng nên lặp lại sau giờ giải lao hoặc trước khi chuyển sang nội dung mới.

Luôn tạo không khí vui tươi và khuyến khích học viên chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận ở mỗi nội dung trong bài giảng là điều không dễ, đòi hỏi người làm thày, làm cô phải trau dồi và sáng tạo, tư duy không ngừng. 

Đổi mới, sáng tạo đều là những yếu tố cần có trong bất cứ nghề nào, đối với nghề nhà giáo, đổi mới còn  được khơi nguồn từ sự tâm huyết, lòng yêu nghề, mến trẻ. Giáo viên không chỉ là những người truyền thụ kiến thức mà còn là nhà tâm lý, nhà giáo dục học, người biết khơi những đam mê của học sinh, biết phát huy những tố chất, nội lực để học sinh được bộc lộ hết khả năng, tình cảm của mình.

Tuy nhiên, việc tư duy sẽ giúp tăng kinh nghiệm và trí não hoạt động càng mạnh hơn, càng linh hoạt hơn. Điều này như liều thuốc bồi bổ cho những thày, cô giáo có thêm năng lượng. Bên cạnh đó, nhiều thày cô đều mong muốn nhìn thấy không khí hào hứng, sôi nổi, những khuôn mặt hân hoan, tràn đầy năng lượng khi chào đón mình tới lớp. Đây thực sự là liều thuốc tinh thần, để các thày, cô cảm thấy yêu nghề, được động viên để mỗi ngày tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người. Bất chấp những cám dỗ thu nhập từ những ngành nghề khác.

Cuối cùng, sau tất cả những hào hứng của thày – trò, tất cả kết quả của từng học viên sẽ là câu trả lời cho mỗi chất lượng bài giảng. Từng viên gạch được "nung luyện" tốt, kỹ, thì những bước tường vững chắc sẽ được dựng lên. Giống như xây móng cho những tòa nhà chọc trời, thay đổi chất lượng một bài giảng nhỏ, xây sự nghiệp cho bao thế hệ là việc lớn. Người gieo giống xuống đất tốt từng hạt, mai này sẽ có mùa màng bội thu.

"Thành công trong chuẩn bị là chuẩn bị để thành công"
- Ngạn ngữ Trung Hoa -