Cộng điểm ưu tiên xét tuyển đại học cần sát với thực tiễn

Hương Ly
09:12 - 12/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Có thể khẳng định, cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng là một chính sách nhân văn được áp dụng từ hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, cùng với thực tiễn thay đổi, việc cộng điểm cũng cần cập nhật, loại bỏ những bất hợp lý.

Cập nhật lại việc ưu tiên khu vực

Có luồng ý kiến cho rằng, không thể bỏ điểm ưu tiên trong thi cử, bởi vì điều kiện học tập của các vùng miền hiện nay chênh lệch nhau rất nhiều. Ngược lại, luồng ý kiến khác muốn bỏ cộng điểm ưu tiên vì hiện nay học sinh không có khó khăn trong học tập, điều kiện công nghệ thông tin giữa các vùng miền đã dần tiệm cận nhau.

Việc cộng điểm ưu tiên theo quy định ở Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non cơ bản được công chúng đồng tình. Tuy  nhiên, việc cộng điểm ưu tiên cho khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm là điểm nên xem lại. 

Hiện nay kinh tế phát triển, mức sống chênh lệch giữa các vùng, miền ngày càng được thu hẹp lại, thí sinh vùng nông thôn cũng có điều kiện học tập tốt lên, nên việc áp dụng chính sách ưu tiên cộng điểm như bây giờ là không còn phù hợp.

Hơn nữa, chương trình học thống nhất cả nước, đề thi giống nhau, Internet bao phủ rộng khắp các vùng miền, việc học tập rất thuận tiện thì ưu tiên điểm cộng là vô lý. Chưa kể, thí sinh đỗ vào các trường mũi nhọn như bách khoa, y khoa, ngoại ngữ… một phần nhờ điểm cộng thì khó đào tạo ra nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đất nước.

Việc cộng điểm trong xét tuyển đại học cần nhất là tạo sự công bằng cho các thí sinh. Vậy nên, quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên được giảm tuyến tính theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT, cũng có điểm chưa hợp lí.

Ngưỡng 22,5 điểm ưu tiên là thấp hay cao?

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, qua phân tích kết quả xét tuyển các năm vừa qua, điểm xét tuyển của thí sinh trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là từ mức điểm lớn hơn 22,5 điểm (mức 22,5 điểm ở đây tương đương với 7,5 điểm nếu quy ra mức thang điểm 10 thông thường). Điều này dẫn tới sự mất công bằng cho các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao, đồng thời dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.

Tuy vậy, ngưỡng điểm thi sẽ thay đổi theo từng năm tùy thuộc vào độ khó của đề thi. Ví dụ, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 rất khó, đặc biệt là môn Toán, còn đề thi năm 2021 thì xuất hiện "cơn mưa" điểm 10 ở nhiều môn, vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ngưỡng nào làm quy chuẩn? 

Bên cạnh đó, hiện nay các trường đại học sử dụng khoảng 20 phương thức khác nhau để xét tuyển đại học, chứ không chỉ sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ví dụ: xét điểm học bạ, xét tuyển thẳng, sử dụng kết quả đánh giá năng lực, thi năng khiếu, xét tuyển qua phỏng vấn, sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển, xét tuyển kết hợp... Như thế, áp dụng mức điểm ưu tiên thế nào cho hợp lí? Chẳng hạn, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì có được cộng điểm hay không?

Được biết, các trường đại học trên thế giới cũng có nhiều hình thức cộng điểm khác nhau. Chẳng hạn, Đại học Quốc gia Úc (ANU) có chương trình cộng điểm ưu tiên cho những học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, hoặc các thí sinh vượt khó. Tại Mỹ, do được trao quyền tự chủ tuyển sinh, điểm khuyến khích của các trường đại học không giống nhau.


Hay Thái Lan vẫn cho phép các trường nhận thí sinh cử tuyển. Trường hợp này thường là những học sinh vùng sâu vùng xa, thuộc cộng đồng người thiểu số, cần học cao để quay về đóng góp cho quê hương... Những chính sách này cho đến nay vẫn có thể áp dụng sao cho hợp lí bên cạnh việc cộng điểm ưu tiên như đã đề cập.