Cơ sở y tế vi phạm: Cần tăng nặng hơn nữa hình thức/mức độ xử phạt

Quang Minh
13:31 - 05/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Các cơ quan chức năng vừa phát hiện, công bố và xử phạt hàng loạt các cơ sở y tế, khám chữa bệnh không có giấy phép hành nghề, hoặc không hành nghề đúng chức năng trong giấy phép. Việc xử phạt hiện chưa đủ tính răn đe bởi vi phạm trong lĩnh vực y/dược tiềm ẩn nhiều nguy hiểm lâu dài.

Công bố hàng loạt các cơ sở y tế vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh và hành nghề

Ngày 4/10, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã công bố danh sách nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh bị xử phạt và tước giấy phép hoạt động do vi phạm các quy định về khám chữa bệnh và hành nghề y bác sỹ. 

Cơ sở y tế vi phạm: Chuyện nhỏ, tác hại lớn! - Ảnh 1.

Sở Y tế TPHCM công bố danh sách nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh vi phạm các quy định về khám chữa bệnh và hành nghề. Ảnh: IT

Theo thông tin từ trang tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra Sở Y tế Thành phố đã có quyết định xử phạt 66 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh trong thời hạn 4 tháng đối với Công ty TNHH YC Beauty (phòng khám chuyên khoa da liễu), địa chỉ 15-17-19 Hoàng Dư Khương, Phường 12, Quận 10. 

Phòng khám này không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, trừ hình thức tổ chức là phòng khám đa khoa và bệnh viện; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh; không niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh; lập sổ khám chữa bệnh không ghi chép đầy đủ theo quy định.

Thanh tra Sở Y tế Thành phố còn tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn phòng khám trên trong thời hạn 2 tháng. 

Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên khoa da liễu Vũ Xuân Lãm làm việc tại phòng khám này cũng bị Thanh tra Sở Y tế TP ra quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong thời hạn 3 tháng và bị xử phạt hành chính với số tiền 11,5 triệu đồng. Bác sĩ Vũ Xuân Lãm đã có các vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh như: không lập hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật; không ghi sổ y bạ cấp cho người bệnh điều trị ngoại trú, không ghi rõ, đầy đủ thông tin cá nhân của người bệnh, chẩn đoán, chỉ định điều trị, kê đơn thuốc theo quy định và thời gian khám lại; sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám chữa bệnh.

Cùng với đó, Thanh tra Sở Y tế Thành phố xử phạt hơn 115 triệu đồng đối với cơ sở thẩm mỹ do ông Trương Thanh Tịnh (địa chỉ 15 Nguyễn Quý Cảnh, phường An Phú, Thành phố Thủ Đức). Đồng thời cơ sở này bị đình chỉ hoạt động cho đến khi đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh; buộc phải tháo gỡ, xóa quảng cáo khi chưa có giấy phép hoạt động và nộp lại số tiền bất hợp pháp 500.000 đồng có được do vi phạm. Thanh tra Sở Y tế Thành phố cho biết, cơ sở thẩm mỹ này khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép hoạt động, quảng cáo dịch vụ khi chưa có giấy phép.

Thanh tra Sở Y tế Thành phố cũng đã xử phạt Phòng khám đa khoa Văn Kiệt, địa chỉ 646-648 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5 với số tiền 94 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh người chịu trách nhiệm chuyên môn 2 tháng. Phòng khám này hoạt động không có đủ thông tin cơ bản theo quy định pháp luật, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá chuyên môn… Bên cạnh đó, bác sĩ ngoại khoa Tạ Minh Đạo làm việc tại phòng khám này bị Thanh tra Sở Y tế Thành phố xử phạt 4 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 3 tháng vì lập hồ sơ, bệnh án không đầy đủ…

Thanh tra Sở Y tế Thành phố cũng tiến hành xử phạt hành chính 69,5 triệu đồng đối với bác sĩ chuyên khoa da liễu Nguyễn Thị Ánh Hiền (chủ hộ kinh doanh L'AMOUR BEAUTÉ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3) do cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn; không niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện. Bác sĩ Hiền còn bị tước giấy phép hoạt động khám chữa bệnh trong thời hạn 3 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trong thời hạn 2 tháng và buộc tháo gỡ quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận…

Vi phạm trong lĩnh vực y tế cần được xử lý nghiêm

Việc các cơ sở vi phạm các hoạt động liên quan tới chuyên môn hành nghề y/bác sỹ không chỉ là vi phạm thông thường, hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại trực tiếp tới sức khoẻ, thẩm mỹ, đời sống, đồng thời dễ gây ra nhiều sự hoang mang trong dư luận. Do đó, việc xử lý vi phạm thông thường có lẽ chưa đủ sức răn đe, nếu không sẽ tiếp tục có thêm nhiều những vi phạm mà chỉ cần "nộp phạt" là xong.

Cơ sở y tế vi phạm: Chuyện nhỏ, tác hại lớn! - Ảnh 2.

Trong lĩnh vực y đức, càng cần đội ngũ những người làm nghề có đủ tâm, đủ sức, đủ tài. Ảnh minh hoạ: IT

Không chỉ ở lĩnh vực y tế, hoạt động nào cũng cần có những quy tắc tuân thủ đạo đức kinh doanh, bảo đảm an toàn và trật tự xã hội. Tuy nhiên, đối với hoạt động trong lĩnh vực y đức, lại càng cần hơn nữa đội ngũ những người làm nghề có đủ tâm, đủ sức, đủ tài để thực hiện trách nhiệm của mình trong hoạt động kinh doanh. 

Nên chăng, những trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm khắc, cần "tăng nặng" hơn nữa về hình thức/mức độ xử phạt, để có thể bảo đảm cho các doanh nghiệp được hoạt động trong môi trường kinh doanh y/dược thực sự lành mạnh, trong sạch, an toàn và hiệu quả hơn. 

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm vi phạm các quy định về: Y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; khám bệnh, chữa bệnh; dược, mỹ phẩm; trang thiết bị y tế; bảo hiểm y tế; dân số. Cụ thể như sau:

a) Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức:

1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về dân số là 30.000.000 đồng đối với cá nhân và 60.000.000 đồng đối với tổ chức.

2. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.

3. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế là 75.000.000 đồng đối với cá nhân và 150.000.000 đồng đối với tổ chức.

4. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

6. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương VIII Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền tổ chức gấp 2 lần thẩm quyền phạt tiền cá nhân.