Có nên để trường đại học công nhận giáo sư, phó giáo sư?

Thiên Ân
06:00 - 21/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều ý kiến cho rằng để công khai, minh bạch và tự chủ, việc công nhận giáo sư, phó giáo sư nên giao lại cho các trường đại học.

Những năm gần đây, cứ đến dịp xét ứng viên giáo sư, phó giáo sư là lại rộ lên những ý kiến tranh luận về bài báo khoa học. 

Một số ứng viên được giới khoa học cho là không xứng đáng vì có hành vi đăng bài trên tạp chí giả mạo, kém chất lượng, tạp chí không có trong danh mục ISI, Scopus hoặc có bài báo khoa học đăng trên tạp chí tăng đột biến trong thời gian một, hai năm trước khi nộp hồ sơ xét duyệt dù trước đó họ công bố rất ít, thậm chí không có bài báo nào trên tạp chí quốc tế.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng để công khai, minh bạch và tự chủ, việc công nhận giáo sư, phó giáo sư nên giao lại cho các trường đại học. 

Có nên để trường đại học công nhận giáo sư, phó giáo sư? - Ảnh 1.

Giá trị của học hàm giáo sư hay phó giáo sư nằm ở việc đóng góp cho nghiên cứu và đào tạo. Ảnh: HH

Mở toang cửa sẽ lạm phát giáo sư, phó giáo sư?

Chia sẻ trên một diễn đàn khoa học về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, giáo sư, phó giáo sư như chức danh giám đốc thời bao cấp. Đến khi mở cửa, ai cũng có thể dễ dàng trở thành giám đốc, do đó sẽ phải thêm đuôi giám đốc tập đoàn A, công ty B. Nếu giám đốc ở A và B là các đơn vị ăn nên làm ra thì chức danh giám đốc đó mới bảo chứng chất lượng.

"Giáo sư, phó giáo sư cũng sẽ vậy, một vị trí việc làm trong trường đại học cùng ở Mỹ nhưng giáo sư Harvard khác với giáo sư của một đại học top 1.000. Khi họ đi ra khỏi đại học này thì lại phải ứng tuyển vào vị trí giáo sư của một đại học khác", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng cho hay.

Trước băn khoăn các trường đại học có đủ năng lực xét công nhận giáo sư, phó giáo sư hay không? Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông cho rằng, câu chuyện này sẽ đơn giản nếu coi đó là vị trí việc làm. Các trường hoàn toàn có thể mời chuyên gia ngoài phản biện trong quá trình xét công nhận, sau đó kết hợp với các tiêu chí hành chính để ra quyết định.

"Nếu ngần ngại thì có thể bắt đầu từ các đại học lớn, các đại học tự chủ vì vị trí chuyên môn này là sống còn với các đại học nghiên cứu. Tinh hoa không thể chỉ phấn đấu vào vài chục vị trí quản lý hành chính, bao gồm cả ban giám đốc/ ban giám hiệu mà tinh hoa phải trở thành giáo sư. Hàng trăm vị trí này trong một đại học thì càng chứng minh đó là đại học uy tín", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng chia sẻ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng, để tránh lạm phát giáo sư, phó giáo sư cũng không quá khó bởi lâu nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đưa ra tiêu chí công nhận giáo sư, phó giáo sư nhưng chưa hề có tiêu chí đãi ngộ. 

Thực tế này sẽ tạo áp lực ngược lại các cơ sở đại học bổ nhiệm, ví dụ như giáo sư phải có phòng thí nghiệm cùng với ngân sách nghiên cứu, số lượng nghiên cứu sinh..., khi đó muốn cũng không thể lạm phát.

Lo ngại tình trạng cào bằng để đạt chuẩn, để nâng lương

Trong khi đó, một ý kiến khác cho rằng, giao cho các trường đại học công nhận giáo sư, phó giáo sư nhưng vẫn xét theo cách thức tương tự như hiện nay thì không thể giải quyết được vấn đề gian lận. 

Hội đồng yếu kém thì dù để cho nơi nào công nhận giáo sư, phó giáo sư cũng lọt lưới nhiều ứng viên không đủ năng lực.

Công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế là sinh hoạt học thuật và là công việc bình thường ở trường đại học, viện nghiên cứu. 

Tuy nhiên, hiện nay, cùng với xếp hạng đại học và yêu cầu ngày càng cao về công bố quốc tế, nhất là ở các nước đang phát triển thì sự minh bạch, liêm chính trong công bố khoa học bị "nhiễm khuẩn".

Hiện vẫn còn những hồ sơ ứng viên dưới sàn quy định "lọt lưới", đó là trách nhiệm của các Hội đồng Giáo sư cơ sở đã bỏ qua quy định của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. 

Việc này có thể do vô ý, do năng lực hạn chế và rất có thể do "tình cảm" vì nể "anh dễ cho người của tôi, tôi dễ cho người của anh", có sự chạy chọt ở Hội đồng Giáo sư cơ sở.

Để đạt được chức danh giáo sư, phó giáo sư đòi hỏi ứng viên nhiều năng lực và phẩm chất. Việc không biết tạp chí dỏm, không phù hợp với chuyên ngành của mình như giải thích của một số ứng viên cho thấy phẩm chất của họ có vấn đề và cần loại vĩnh viễn những hồ sơ đó ra khỏi quá trình đăng ký xét duyệt.

Thực tế cho thấy hội đồng cơ sở có chất lượng thẩm định không cao, cần phải có quy định về năng lực chuyên môn của thành viên hội đồng, có thể mở rộng đối tượng trở thành thành viên chỉ cần có học vị tiến sĩ, nhất là những người được đào tạo xuất sắc ở nước ngoài vì không cứ giáo sư đã là giỏi, không phải "cứ lấp lánh ngỡ là vàng".

"Chưa kể ở Việt Nam nhiều trường mang danh đại học nhưng thực chất không khác "trường phổ thông cấp 4". Tình trạng cào bằng để đạt chuẩn, để được nâng lương cũng sẽ không khác gì phong trào thi giảng viên chính", người này nêu quan điểm.