Chuyện học của Hoa hậu Kỳ Duyên: Chuyển hệ vừa học vừa làm cũng không thành?
Liên quan đến tranh cãi về học vấn của Hoa hậu Kỳ Duyên, nhiều thông tin cho rằng cô chưa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, ngay cả khi đã chuyển sang học hệ vừa học vừa làm?
Đại học Ngoại thương xác nhận Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp
Những ngày qua, dư luận xôn xao và nhiều người tỏ ra ái ngại về việc Nguyễn Cao Kỳ Duyên vừa đăng quang Miss Universe Vietnam 2024 và tiếp tục dự thi Miss Universe tổ chức tại Mexico, tuy nhiên, người đẹp này đang khiến nhiều người hâm mộ lo lắng vì học vấn chưa tốt nghiệp.
Ngay sau chiến thắng, thông tin về học vấn của Kỳ Duyên được đào lại và lan truyền. Kỳ Duyên đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2014, khi mới 18 tuổi. Lúc đó, cô là sinh viên năm nhất khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương Hà Nội. Trước đó, cô là học sinh lớp chuyên Pháp, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. Đầu 2016, Kỳ Duyên thông báo chuyển sang học tại Đại học Ngoại thương cơ sở 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh để tiện phát triển sự nghiệp.
Mặc dù, Kỳ Duyên đã đăng quang Miss Universe Vietnam 2024 và nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả. Cô cũng trở thành người đẹp đầu tiên trong lịch sử sở hữu 2 vương miện Hoa hậu Việt Nam 2014 và Miss Universe Vietnam 2024, tuy nhiêu, đã có rất nhiều tranh cãi xảy ra xung quanh chuyện học vấn của hoa hậu. Thiết nghĩ, đây cũng là điều đáng bàn vì sự ảnh hưởng và nổi tiếng của một ngôi vị hoa hậu sẽ trở thành nguồn cảm hứng trong giới trẻ.
Trước những câu hỏi nghi vấn đặt ra, ngày 19/9, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội xác nhận, sinh viên Nguyễn Cao Kỳ Duyên hiện vẫn chưa tốt nghiệp đại học tại trường.
Theo thông tin từ báo Dân trí, đại diện trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết: "Theo quy chế đào tạo, sau khi kết thúc thời gian đào tạo tối đa cho phép đối với mỗi khóa hay chương trình học, nếu sinh viên, học viên không tích lũy đủ số tín chỉ hoặc không đủ điều kiện tốt nghiệp thì sẽ không được xét và không được công nhận tốt nghiệp.
Sinh viên Nguyễn Cao Kỳ Duyên (Hoa hậu Kỳ Duyên) thuộc trường hợp này và quan điểm của trường Đại học Ngoại thương là tôn trọng sự lựa chọn của người học. Do đó, nhà trường không có bình luận gì thêm về việc sinh viên Nguyễn Cao Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp đại học".
Bà Thúy Nga - Trưởng Ban tổ chức, Ban giám khảo Miss Universe Vietnam 2024 chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống về thông tin Hoa hậu Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp đại học với quan điểm "khá thoáng".
Bà khẳng định việc Ban tổ chức đã tuân thủ những quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch về việc thí sinh tham dự cuộc thi phải từ 18 tuổi trở lên và có bằng tốt nghiệp cấp 3. Tuy nhiên, với việc dư luận đang tranh cãi sôi nổi việc Hoa hậu Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp đại học, bà cho rằng: "Nhiều người tự đặt ra tiêu chuẩn hoa hậu rằng phải tốt nghiệp đại học, phải giỏi tiếng Anh. Trong khi, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch quy định rõ thí sinh tham dự cuộc thi phải từ 18 tuổi trở lên và có bằng tốt nghiệp cấp 3.
Người đẹp nào có thể tốt nghiệp đại học thì không nói, nhưng không tốt nghiệp đại học không có nghĩa là họ không giỏi, không phát triển được. Ngoài kia có rất nhiều người không tốt nghiệp đại học mà vẫn giỏi, trên thế giới có rất nhiều tấm gương và trong nước điển hình như ông Đặng Lê Nguyên Vũ chưa tốt nghiệp mà vẫn xây dựng cả đế chế cà phê đấy thôi. Chúng ta không nên áp đặt như thế!".
Như vậy, với trường hợp của Kỳ Duyên, mặc dù dư luận được cho là "khắt khe" với vương miện cần tương xứng với trình độ học tập của người đẹp. Tuy nhiên, thực tế, dư luận cũng có lý do để "soi" chuyện học tập của Hoa hậu chưa tốt nghiệp Đại học, thậm chí cô được cho là chuyển sang học hệ vừa học vừa làm cũng không thành.
Trong xã hội hiện đại, nếu như dễ dàng chấp nhận bỏ qua trình độ học vấn, thì khi trở thành những người có tầm ảnh hưởng, việc chưa tốt nghiệp đại học khiến nhiều người sẽ lầm tưởng xã hội đang coi nhẹ việc học văn hoá, điều này hoàn toàn đi ngược với chủ trương xây dựng xã hội học tập, khuyến khích việc học tập suốt đời của mọi công dân.
Một xã hội học tập chính là mỗi công dân học tập
Ở Việt Nam, chủ trương xây dựng xã hội học tập luôn được khẳng định trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, các Quyết định của Chính phủ và cụ thể hóa tại các quyết định và hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam.
Tại Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030" đã nhấn mạnh:
-Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.
- Duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ và cộng đồng; xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong văn hóa nghề nghiệp.
- Các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và dòng họ, gia đình có trách nhiệm tạo các cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi để mọi người trong xã hội được tham gia học tập, nhất là các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số và miền núi, người bị thiệt thòi, yếu thế trong xã hội".
Có được tinh thần học tập cao, mỗi công dân Việt Nam mới có thể tự hào vươn ra thế giới. Thông qua các cuộc thi sắc đẹp, không chỉ thể hiện vẻ đẹp, sự duyên dáng, trí thông minh mà còn cần khẳng định với thế giới những người đẹp Việt Nam giỏi về học vấn, kiên trì trong học tập và phấn đấu, tự tin với bằng cấp và khả năng là một công dân toàn cầu. Đó mới là điều chúng ta mong muốn!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google