Chương trình "Sóng và máy tính cho em" ở một số địa phương chậm, mất ý nghĩa
Đến thời điểm hết học kỳ I, năm học 2022-2023, một số địa phương vẫn còn phải ra văn bản đôn đốc, nhắc nhở, có địa phương nhắc nhở lần 2 vì chưa hoàn thành việc mua sắm từ nguồn quỹ vận động cho chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Một số địa phương chậm trễ triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em"
Ngày 20/12/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Bình Thuận, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Quảng Ngãi, An Giang về việc đôn đốc triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em" (lần 2).
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quá trình mua sắm đã kéo dài suốt từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa hoàn thành, một số nơi có biểu hiện chiếm dụng tiền tài trợ để gửi ngân hàng lấy lãi.
Nguyên nhân do các cơ quan tham mưu của tỉnh, đặc biệt là Sở Tài chính lúng túng, thiếu trách nhiệm, tạo ra nhiều thủ tục rườm rà, không đúng thẩm quyền.
Việc triển khai ở các địa phương lại rất chậm trễ, gây bức xúc cho giáo viên, học sinh, đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo khẩn trương tổ chức mua sắm máy tính bảng để bàn giao cho học sinh; đồng thời làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong công tác tham mưu gây ra sự chậm trễ trong tổ chức mua sắm.
Trước diễn biến căng thẳng của dịch bệnh COVID-19 ngay ở thời điểm đầu năm học 2021-2022 khiến cho nhiều địa phương và hàng triệu học sinh không thể đến trường học tập trực tiếp. Ngày 12/9/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Tham dự Lễ phát động có lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 tỉnh/thành phố trên cả nước thông qua cầu truyền hình trực tuyến. Lễ phát động ý nghĩa nhằm vận động nguồn lực từ nhiều tổ chức, cá nhân để giúp cho những em học sinh nghèo không phải gián đoạn việc học tập của mình.
Ý nghĩa chương trình "Sóng và máy tính cho em" có còn vẹn nguyên?
Thời điểm này, học kỳ I của năm học 2022-2023 đã kết thúc và trong năm học này đã không còn địa phương nào, trường học nào triển khai học trực tuyến nữa mà đã chuyển sang học trực tiếp hoàn toàn do dịch bệnh ở nước ta đã được khống chế, kiểm soát. Điều này cũng đồng nghĩa, một số địa phương vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo "nhắc nhở" chưa hoàn thành việc triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em" không còn ý nghĩa thiết thực.
Chương trình đã mất tính thời điểm với ý nghĩa đề ra ban đầu. Cho dù, Chương trình "Sóng và máy tính cho em" được hoàn tất - theo yêu cầu của Bộ thì những học sinh được nhận máy tính cũng mất đi "tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho học sinh"- như ý nghĩa ban đầu của chương trình. Từ đó đến nay là quãng thời gian khá dài và bối cảnh xã hội cũng đã hoàn toàn thay đổi.
Lúc đó, dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương - nhất là ở các tỉnh phía Nam, phần lớn các trường học ở đây phải dạy và học trực tuyến hoàn toàn và thực hiện cách lý xã hội. Lúc ấy, nhiều học sinh nghèo không có phương tiện học tập thì việc các em được hỗ trợ 1 chiếc máy tính bảng hoặc 1 chiếc điện thoại được kết nối Internet ý nghĩa vô cùng.
Khi ngành giáo dục mới yêu cầu chuyển sang học trực tiếp từ đầu học kỳ II của năm học 2021-2022 thì những máy tính bảng có thể còn giúp cho học sinh một số công việc cần thiết. Nhưng, đến năm học 2022-2023 thì có lẽ nó không còn ý nghĩa là bao nhiêu vì học sinh đã trở lại trường học tập bình thường trong điều kiện mới.
Vì thế, cho dù là nguyên nhân nào, vướng mắc nào đi chăng nữa mà đến ngày 20/12/2022 vừa qua, Bộ phải ra văn bản (lần 2) để đôn đốc, nhắc nhở thì đây cũng là điều đáng cho dư luận phải băn khoăn. Trong đó, Bộ có lưu ý đến việc "một số nơi có biểu hiện chiếm dụng tiền tài trợ để gửi ngân hàng lấy lãi" thì rõ ràng dư luận xã hội - nhất là những tổ chức, cá nhân đã chung tay hỗ trợ khó có thể đồng lòng về việc này.
Khi triển khai chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cam kết: "Ngành giáo dục sẽ phối hợp với các bộ ngành, các địa phương để tiếp nhận sự ủng hộ, điều phối, sử dụng hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng và công khai minh bạch, sử dụng hiệu quả những món quà mà toàn xã hội trao tặng và hỗ trợ cho học sinh".
Hơn 1 năm trời mà có những địa phương còn chưa triển khai xong thì việc "sử dụng hiệu quả những món quà mà toàn xã hội trao tặng, hỗ trợ" ấy có còn phát huy được "hiệu quả" nữa hay không?
Việc chậm trễ này, trách nhiệm thuộc về ai?
Cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông, trong đó có trên dưới 7.350.000 học sinh, thuộc 26/63 tỉnh thành trong cả nước đang triển khai học trực tuyến vào thời điểm dịch COVID-19 hoành hành.
Hoạt động hỗ trợ, quyên góp, huy động "Sóng và máy tính cho em" là hoạt động thể hiện tinh thần nhân ái, đề cao giá trị tốt đẹp của người Việt Nam, nhưng đây cũng chính là một hành động mang tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho học sinh. Điều này đã được khẳng định ngay từ đầu triển khai chương trình.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục sẽ phối hợp với các bộ ngành, các địa phương để tiếp nhận sự ủng hộ, điều phối, sử dụng hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng và công khai minh bạch, sử dụng hiệu quả những món quà mà toàn xã hội trao tặng và hỗ trợ cho học sinh.
Sau Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân chung tay hỗ trợ. Trong đó, Công đoàn ngành giáo dục cũng phát động mỗi công đoàn viên hỗ trợ 1 ngày lương cho chương trình này.
Từ những đóng góp của xã hội, rất nhiều học sinh đã được trang bị, bỗ trợ máy tính để học tập cùng chúng bạn trong quá trình nhiều trường học tổ chức học online vì tình hình dịch bệnh căng thẳng trong năm học vừa qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương triển khai nhanh chóng, hiệu quả thì cũng còn những địa phương còn chậm trễ trong triển khai đấu thầu, mua máy tính cho học trò - dù số tiền vận động đã có. Những địa phương này hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước học sinh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google