Chương trình học lịch sử mới tại Nhật Bản thay đổi hoàn toàn phương pháp dạy và học truyền thống

Anh Thư
06:00 - 11/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Từ đầu năm nay, các trường trung học tại Nhật Bản bắt đầu áp dụng một chương trình dạy và học lịch sử mới. Trọng tâm của việc đổi mới này là chuyển từ việc học thuộc lòng sang khuyến khích tư duy phân tích và học tập độc lập.

Chương trình học lịch sử mới tại Nhật Bản thay đổi hoàn toàn phương pháp học truyền thống - Ảnh 1.

Học sinh tự đọc tài liệu lịch sử, tự nghiên cứu, đặt ra câu hỏi và tìm câu trả lời dưới sự hướng dẫn

và hỗ trợ của giáo viên. Ảnh: scienceofedu.com

Chương trình do Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) soạn thảo. Chương trình học bắt buộc đối với môn Lịch sử được gọi "rekishi sōgō" (tạm dịch là "lịch sử toàn diện") đặt mục tiêu mang lại một cái nhìn toàn diện về lịch sử Nhật Bản và thế giới từ thế kỷ thứ XVIII đến nay. Chương trình mới này không chỉ đơn giản là sự kết hợp của các chương trình học trước đây là Lịch sử thế giới A và Lịch sử Nhật Bản A, mà chủ yếu tập trung vào các thời hiện đại và đương đại.

Chương trình học lịch sử mới: Học sinh được những gì?

Theo MEXT, mục đích của chương trình học mới là xây dựng khả năng nắm bắt, hiểu về lịch sử, kỹ năng điều tra và tổng hợp thông tin về lịch sử từ nhiều nguồn khác nhau, cũng như nâng cao khả năng giải thích, thảo luận và trình bày về bản chất và ý nghĩa của các sự kiện lịch sử từ nhiều góc độ. Như vậy, chương trình mới mang tính đột phá khi thay đổi hoàn toàn cách học, từ việc học thuộc lòng sang việc học dựa trên các kỹ năng như tư duy phản biện, tổng hợp, điều tra,…

Chương trình giảng dạy môn lịch sử theo cách mới chú trọng vào 3 phẩm chất và năng lực của học sinh, bao gồm kiến thức và khả năng chủ động áp dụng kiến thức; kỹ năng tư duy, đánh giá và thể hiện bản thân trong những tình huống mới lạ; và khả năng ứng dụng những gì đã được học vào cuộc sống.

Với việc áp dụng chương trình học mới, các giáo viên sẽ không cần phải phát tài liệu và liên tục giảng bài, còn học sinh cũng sẽ không chỉ ngồi nghe giảng một cách thụ động. Thay vào đó, học sinh tự đọc tài liệu lịch sử, tự nghiên cứu, đặt ra câu hỏi và tìm câu trả lời dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của giáo viên.

Đặc biệt, các chủ đề lịch sử kể từ thế kỷ thứ XVIII được chia thành 3 lĩnh vực: hiện đại hóa, những thay đổi trong trật tự toàn cầu, và toàn cầu hóa. Học sinh có thể nghiên cứu, liên kết sự hình thành của các vấn đề trong xã hội hiện đại như môi trường và tài nguyên, nghèo đói, xung đột và bất bình đẳng giới, từ đó đưa ra những đề xuất giải pháp của riêng mình.

Lấy ví dụ về cuộc Cách mạng công nghiệp. Học sinh có thể xem hình ảnh minh họa về phụ nữ làm việc trong các nhà máy và trẻ em làm việc ở các mỏ than, và đặt câu hỏi về lý do tại sao phụ nữ và trẻ em làm việc như vậy?, liệu việc trẻ em không được đến trường có chấp nhận được hay không? và những người đàn ông có vai trò gì trong xã hội khi đó?. Nhờ vậy, các em có thể hiểu được tận gốc những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt, những vấn đề cần được giải quyết - những vấn đề không xa lạ mà có liên hệ trực tiếp tới đất nước Nhật Bản.

Không những vậỵ, chương trình mới không còn tách rời môn học Nhật Bản và môn học lịch sử như trước đây nữa, nên cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các em học sinh về bản sắc quê hương, tình yêu đối với lịch sử Nhật Bản, đồng thời giúp các em hiểu hơn về tầm quan trọng của nhiều quốc gia và các nền văn hoá đa dạng trên khắp thế giới.

Để thay đổi cần có thời gian, lộ trình  

Chương trình học lịch sử mới tại Nhật Bản thay đổi hoàn toàn phương pháp học truyền thống - Ảnh 3.

Câu hỏi mẫu liên quan đến chương trình lịch sử mới của , Trung tâm kỳ thi tuyển sinh

đại học quốc gia Nhật Bản. Ảnh: nippon.com

Phương pháp học tập mới lúc ban đầu sẽ gây ra sự bỡ ngỡ cho nhiều em học sinh. Nhiều thế hệ học sinh Nhật Bản quen với việc nhận tài liệu từ thầy cô giáo, ghi chép để học thuộc phục vụ cho các bài kiểm tra và quên ngay kiến thức sau khi đã thi xong, nhưng với cách học mới, các em trở thành người chủ động tìm hiểu bài học. Do đó, những thay đổi trong chương trình học được triển khai dần dần và mang tính dẫn dắt nhiều hơn là bắt buộc.

Trong năm học này, chỉ có học sinh trung học năm đầu cấp học theo chương trình mới, trong khi học sinh năm thứ hai và năm thứ ba vẫn tiếp tục học theo chương trình cũ.

Sách giáo khoa theo chương trình học mới cũng sẽ đưa ra một số các câu hỏi mẫu, bản đồ, số liệu thống kê, hình ảnh minh hoạ cùng các gợi ý về những chủ đề mà học sinh có thể nghiên cứu thêm. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo cũng chủ động chia sẻ thông tin, tài liệu để sử dụng trong lớp học. Chính quyền nhiều địa phương cũng đang đào tạo giáo viên về cách chuẩn bị bài giảng, cách sử dụng tài liệu, cách đặt câu hỏi định hướng cho học sinh thảo luận. Nhờ vậy, việc thay đổi cách học đã có một khởi đầu khá nhẹ nhàng.

Một vấn đề khác có thể khiến các nhà giáo dục Nhật Bản phải xử lý là các kỳ thi đầu vào. Đầu năm 2021, Trung tâm Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia Nhật Bản thông báo rằng trong bài kiểm tra chung cho tuyển sinh đại học năm 2025 sẽ có các câu hỏi liên quan đến chương trình học lịch sử mới. Để chuẩn bị những câu hỏi như vậy hàng năm cho các kỳ thi đòi hỏi sự nỗ lực đáng kể.

Trong báo cáo về học kỳ đầu tiên áp dụng chương trình học lịch sử mới, một số giáo viên cho biết những khó khăn gặp phải là: cách đặt ra các câu hỏi trắc nghiệm để kiểm tra mức độ hiểu biết của học sinh về các khái niệm đã học và khả năng vận dụng những khái niệm đó; cách chấm điểm các bài luận về lịch sử; sự phức tạp trong việc đánh giá kết quả học tập môn lịch sử của học sinh trong chương trình học lịch sử mới bởi không chỉ dựa vào điểm số các bài kiểm tra nữa, mà dựa trên cả quá trình học tập của các em, bao gồm từ thái độ học tập, cách đặt câu hỏi, thu thập thông tin, khả năng suy luận và trình bày vấn đề.