Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cao tốc thiếu trạm nghỉ dễ xảy ra tai nạn

H.N
14:15 - 23/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần phải đầu tư một cách đồng bộ hệ thống trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc vì thực tế lái xe chạy đường dài, chạy liên tục mà không dừng dễ căng thẳng, gây ra tai nạn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cao tốc thiếu trạm nghỉ dễ xảy ra tai nạn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đầu tư đồng bộ hệ thống hành lang giao thông

Ngày 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là chuyên đề giám sát rất có ý nghĩa và đã được cân nhắc kỹ lưỡng khi đồng thời tổng kết pháp luật về giao thông và trật tự an toàn giao thông.

Về hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí về kết cấu hạ tầng giao thông, phân kỳ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, theo Chủ tịch Quốc hội, việc phân kỳ cũng phải phải bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu về vận hành, khai thác và bảo đảm an toàn.

Lấy ví dụ tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan có 2 làn, nhưng không có làn dừng khẩn cấp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa rồi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, Quốc hội cũng dành quan tâm cho những dự án như vậy. Đây là vấn đề cần kiến nghị. Gắn với đó là đầu tư đồng bộ hệ thống đường sá, hành lang giao thông, công trình trạm dừng nghỉ. Lái xe chạy đường dài dễ căng thẳng và gây tai nạn, có trạm dừng nghỉ hợp lý giúp lái xe vừa hồi phục về thể chất, vừa hồi phục về tinh thần.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nên làm rõ việc sản xuất, nhập khẩu, quản lý, đăng ký lưu hành các phương tiện giao thông nói chung, trong đó có phương tiện vận tải đường bộ. Báo cáo cần tập trung nói thêm về vấn đề đăng kiểm gắn với xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí về khí phát thải.

“Nếu chúng ta sử dụng phương tiện quá cũ thì tác động đến vấn đề trật tự an toàn giao thông đường bộ là rất lớn. Hay những phương tiện không đủ điều kiện lưu thông vừa không an toàn lại gây ra tác hại về khí thải. Vì vậy, vấn đề này cần làm rõ thêm”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu không có những tiêu chuẩn, tiêu chí về khí phát thải thì khó mà có lộ trình để thu đổi, loại bỏ dần một số phương tiện đã quá cũ, quá lạc hậu. Các phương tiện này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây nguy cơ cao về mất an toàn giao thông.

Một vấn đề khác được Chủ tịch Quốc hội đề cập là hoán cải phương tiện, hay còn được gọi là độ, chế phương tiện. Việc lắp thêm trọng tải, thêm thành, rơ mooc... cũng nên được phân tích thêm.

Về tải trọng xe, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ xe quá khổ, quá tải tàn phá đường rất nghiêm trọng. "Thế bây giờ cân tải trọng xe, quản lý thế nào, đầu tư trang bị ra sao, nó liên quan đến 2 dự án luật sắp tới (Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ). Chúng ta xử lý vấn đề này như nào thì cũng nên có tiếng nói của đoàn giám sát về vấn đề này sao cho thống nhất", Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc phân bổ nguồn lực đầu tư kết nối giao thông đa phương tiện cũng cần được xem xét. Thí dụ như ở đồng bằng sông Cửu Long, đường bộ đã yếu rồi nhưng thủy nội địa cũng chưa được quan tâm đầu tư.

Nếu đường thủy làm tốt thì sẽ giảm tải cho giao thông đường bộ, giảm thiểu rủi ro về an toàn giao thông, hiệu quả của logistics sẽ tốt hơn nữa. Những vấn đề này liên quan đến chiến lược, phát triển, quy hoạch, kế hoạch sử dụng nguồn lực ở Trung ương và địa phương.

Về tổ chức giao thông thông minh, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là vấn đề mới, do đó cần tiếp tục củng cố căn cứ, khoa học thực tiễn để có kiến nghị, đề xuất hợp lý cho giai đoạn số hóa mọi thứ. Việc này cũng giúp giảm thiểu lao động nặng nhọc cho ngành này.

Qua xem xét báo cáo của Chính phủ, các bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đoàn giám sát thấy rằng, sau khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được ban hành và có hiệu lực, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đã đạt được một số kết quả nổi bật. Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; công tác kiểm tra đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật gắn với công tác thi đua khen thưởng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch giao thông đường bộ, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn còn nhiều hạn chế; nhiều quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; công tác xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch chưa sát với yêu cầu thực tiễn, áp dụng trong thời gian ngắn đã phải điều chỉnh hoặc thay thế.