Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Kim Hải: Phụ nữ có nhiều lợi thế để làm khuyến học tốt
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Kim Hải, khi làm công tác khuyến học, khuyến tài, phụ nữ có lợi thế là kinh nghiệm vận động mềm mại, khéo léo với tâm huyết, khả năng thuyết phục, tính tỉ mỉ, cẩn thận trong tổ chức, kết nối, phối hợp tổ chức các hoạt động.
Sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có sự đóng góp rất lớn của phụ nữ. Với những phẩm chất tốt đẹp của mình, họ đã và đang hàng ngày, góp phần thúc đẩy sự học trong toàn dân, đem đến những diện mạo mới hơn cho quê hương, đất nước.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Kim Hải.
Tại tỉnh Phú Thọ, gần 14 năm nay, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh - bà Nguyễn Thị Kim Hải, luôn tâm huyết, nỗ lực hoàn thành tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Những đóng góp của bà đã góp phần giúp ngành giáo dục của tỉnh Phú Thọ thêm phát triển.
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Kim Hải. Từ đó hiểu hơn những thuận lợi, khó khăn của phụ nữ trong lĩnh vực quan trọng này.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Thưa bà, cơ duyên nào đưa bà đến với hoạt động khuyến học, khuyến tài?
Bà Nguyễn Thị Kim Hải: Năm 2009 lúc đó tôi đang là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phụ trách Khối văn hóa - xã hội được phân công kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ thay cố nhà giáo Nguyễn Kim Trân – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ.
Có thể nói tôi đã gắn bó với "sự học" từ lúc mới vào nghề giáo. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau nhưng đều gắn bó mật thiết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nên khi được phân công làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tôi nghĩ đó là cơ duyên, cũng là niềm đam mê với sự nghiệp trồng người đã đưa tôi đến, gắn bó sâu sắc, nặng lòng với các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên quê hương Đất Tổ Vua Hùng từ năm 2009 đến nay...
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Trong những ngày đầu tham gia công tác hội, bà đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Bà Nguyễn Thị Kim Hải: Là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh giúp tôi có nhiều thuận lợi để tôi tham mưu với cấp ủy, chính quyền, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, Chính phủ về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dụng xã hội học tập.
Những thuận lợi nữa là đội ngũ cán bộ hội khuyến học các cấp có năng lực, tâm huyết; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; cùng với niềm đam mê, nhiệt tình tâm huyết, trách nhiệm của cá nhân tôi với sự nghiệp khuyến học. Đặc biệt, nhận thức rất chuẩn của hệ thống chính trí, của các tầng lớp nhân dân về sự học, quan tâm đến các điều kiện học tập của con em mình, đến học tập suốt đời của mỗi công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng. Đây là những thuận lợi cơ bản.
Song, những ngày đầu đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ, tôi cũng còn nhiều băn khoăn bởi sức lan tỏa chưa nhiều, vị thế của khuyến học, khuyến tài trong đời sống xã hội chưa cao.
Việc tổ chức các hoạt động công tác hội và phong trào thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời gặp nhiều khó khăn bởi nguồn kinh phí cho công tác khuyến học (đặc biệt cấp cơ sở) rất eo hẹp.
Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm các chủ trương của Đảng, quyết định của Chính phủ về khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Điều kiện về nguồn lực, cơ sở vật chất, năng lực, đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học cơ sở ở nhiều nơi còn hạn chế; nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn mơ hồ; chưa tạo được sự đồng bộ trong xây dựng tổ chức hội, phát triển hội viên cũng như các hoạt động khuyến học khuyến tài từ cơ sở...
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Được biết, Phú Thọ là một trong những tỉnh có hoạt động khuyến học - khuyến tài sôi nổi với những chương trình ấn tượng và hiệu quả, như Mái ấm khuyến học, Tiếp sức em đến trường, hỗ trợ xây trường học,... Bà vui lòng chia sẻ kinh nghiệm vận động các nguồn lực tham gia vào công tác khuyến học?
Bà Nguyễn Thị Kim Hải: Một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Hội Khuyến học các cấp là tổ chức có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường.
Tỉnh Phú Thọ đã rất quan tâm đến hoạt động này. 18 căn nhà "Mái ấm khuyến học", nhiều điểm trường được xây dựng ở vùng thôn bản khó khăn, các chương trình "Sóng và máy tính cho em", hỗ trợ học bổng 1+n, sự kiện "Chắp cánh ước mơ – vinh danh khuyến học, khuyến tài Đất Tổ", "Tiếp sức cho em tới trường", "Tết trao yêu thương".... được Hội Khuyến học đồng hành cùng các nhà tài trợ thực hiện nhiều năm qua.
Đây là những hoạt động thiết thực nhằm góp phần giảm thiểu tối đa tỷ lệ học sinh bỏ học, duy trì phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, xây dựng trường chuẩn quốc gia..., để giáo dục đào tạo Phú Thọ luôn giữ vững chất lượng nằm trong top 10 của giáo dục cả nước.
Đơn cử, chỉ riêng năm 2022, Hội Khuyến học tỉnh đã đồng hành cùng các nhà tài trợ: Chương trình "Tết cho học sinh nghèo và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn" năm Nhâm Dần trao 1.558 suất quà trị giá 1.353 triệu đồng; Chương trình "Tiếp sức cho em đến trường" nhân dịp năm học mới 2022-2023 do Hội Khuyến học tỉnh và các nhà tài trợ đồng hành tổ chức đã chi 1.700 suất học bổng, tặng quà trên 8 tỷ đồng.
Chương trình "Tiếp sức cho em đến trường" đã trao 629 suất học bổng trị giá 2606,7 triệu đồng, 1.036 suất quà trị giá 1.097,5 triệu đồng, tặng 07 nhà "Mái ấm khuyến học" trị giá 1,008 tỷ đồng, hỗ trợ kinh phí xây dựng 02 điểm trường trị giá 600 triệu đồng, tặng 11 phòng máy tính trị giá 2,15 tỷ đồng; 100 xe đạp trị giá 130 triệu đồng.
Kinh nghiệm cho thấy, để kêu gọi, đồng hành chung thủy cùng các nhà tài trợ trong các hoạt động hỗ trợ giáo dục, trước hết người cán bộ khuyến học phải tâm huyết, biết cách vận động, chia sẻ, lan tỏa yêu thương để chạm đến trái tim, cảm xúc thực sự của các nhà hảo tâm đối với những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó đến trường, học sinh có năng khiếu, tài năng.
Bên cạnh sự tâm huyết thì các hoạt động vận động tài trợ phải minh bạch, công khai, đúng quy định pháp luật và phải vận động nhà tài trợ cùng đi, cùng đến trực tiếp trao quà, gắn biển các công trình tài trợ; đặc biệt phải chú trọng khâu tuyên truyền, vinh danh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong hỗ trợ, tài trợ trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Theo bà, phụ nữ khi tham gia làm khuyến học có lợi thế và khó khăn gì?
Bà Nguyễn Thị Kim Hải: Với vai trò, thiên chức của người phụ nữ - người mẹ và người thầy đầu tiên của con người, đội ngũ cán bộ khuyến học nữ chúng tôi (đa phần là nhà giáo) đã nghỉ hưu vừa đảm nhiệm vai trò người bà, người mẹ, phụ nữ có lợi thế là kinh nghiệm vận động mềm mại, khéo léo với tâm huyết, khả năng thuyết phục, tính tỉ mỉ, cẩn thận trong tổ chức, kết nối, phối hợp tổ chức các hoạt động.
Làm khuyến học là "Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Đặc biệt, cán bộ hội ở cơ sở, chị em vì trách nhiệm xã hội, vì quan tâm đến sự học nên nhiệt tình, tâm huyết. Nhưng chị em cũng gặp không ít khó khăn, nhất là điều kiện kinh phí eo hẹp, hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, toàn xã hội trong tổ chức các phong trào thi đua khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa cao, khó khăn trong cân đối giữa việc nhà với việc hội. Thêm nữa, đa số là người đã nghỉ hưu làm cán bộ hội các cấp nên điều kiện sức khỏe, phương tiện đi lại hạn chế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn rất nhiều việc phải làm. Để sự nghiệp này phát triển hơn nữa, bà mong muốn điều gì?
Bà Nguyễn Thị Kim Hải: Tôi mong muốn sự quan tâm vào cuộc thực sự có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, không chỉ bằng văn bản mà là cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, gắn với kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho cán bộ hội, tạo vị thế, vai trò thực sự của khuyến học, các cấp ủy, chính quyền phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài. Hiện nay cụ thể nhất là việc triển khai Kết luận 49 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 (khóa10) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng giai đoạn 2021-2030.
Tôi cũng hy vọng mỗi cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo phải là tấm gương tự học, tự soi mình để lan tỏa phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Để công tác khuyến học không phải là của những người làm khuyến học, nhất thiết phải có sự vào cuộc thực sự với trách nhiệm của toàn xã hội của các tổ chức chính trị, các bộ, gành Trung ương, lãnh đạo các địa phương...
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Cảm ơn bà về những chia sẻ trên. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8/3, chúc bà thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google