Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
Sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân
Theo Cục Y tế dự phòng, trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã có tác động tiêu cực đến nước ta với diễn biến bất thường của thời tiết và xảy ra nhiều tình huống thiên tai bất thường khó dự đoán, nhất là xảy ra mưa lớn bất ngờ và kéo dài ở một số địa phương, có thể gây lũ quét, ngập lụt, xảy ra sụt lún, sạt lở đất làm ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng, tài sản, đời sống sinh hoạt của người dân. Theo dự báo trong thời gian tới, nhiều khả năng còn có các cơn bão với mưa to và mưa rất to gây ra lũ và ngập lụt tại nhiều nơi là điều kiện thuận lợi có thể làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh tại các vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh và các hậu quả về sức khỏe cho nhân dân, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nội dung công tác cụ thể như sau:
Chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do thiên tai, nhất là vùng có thể bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
Đồng thời, tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trước, trong và sau mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và công tác đảm bảo y tế trên địa bàn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua (11/8), ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 11/8 đến 3 giờ ngày 12/8 có nơi trên 80mm như: Mường Mô 3 (Lai Châu) 148,8mm, Minh Sơn 2 (Hà Giang) 84,8mm, Tủa Thàng (Điện Biên) 80.4mm,…
Dự báo ngày và đêm 12/8, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 100mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.
Dịch bệnh sau mưa lũ và biện pháp phòng tránh
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong và sau mưa, lũ, lụt, vô số vi sinh vật (cả loại gây bệnh và không gây bệnh) từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Thực tế đã chứng minh rằng ở các vùng, miền sau mưa, lũ, lụt, bệnh về đường ruột thường tăng lên một cách đáng kể và có nguy cơ lây lan thành dịch bệnh nguy hiểm.
Bệnh đường ruột do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ra
Bệnh đường ruột hay gặp nhất trong và sau mưa, lũ, lụt là bệnh tiêu chảy. Đứng hàng đầu trong bệnh tiêu chảy là tiêu chảy cấp tính. Bệnh tiêu chảy cấp tính có thể do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây nên nhưng chiếm vị trí hàng đầu vẫn là vi khuẩn tả (Vibrio cholera). Ở những vùng, miền xảy ra mưa, lũ, lụt mà trong các nguồn nước có vi khuẩn tả thì cực kỳ nguy hiểm vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Bên cạnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả thì căn nguyên gây tiêu chảy do vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn E.coli, Campylobacter và một số vi khuẩn đường ruột khác cũng đóng vai trò đáng kể trong việc gây bệnh tiêu chảy gặp ở vùng mưa, lũ, lụt liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và nước dùng trong sinh hoạt (ăn, uống).
Virus gây bệnh tiêu chảy trong mùa mưa, lũ, lụt có nhiều loại khác nhau, trong đó phổ biến là Rotavirus. Ở trẻ em, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do Rotavirus là rất lớn và khả năng lây lan cũng mạnh, nhất là dùng nước để ăn, uống không hợp vệ sinh sau mưa, lũ, lụt. Bên cạnh tiêu chảy do Rotavirus thì người dân có thể mắc các bệnh về đường tiêu hóa do virus viêm gan A, virus viêm gan E cũng cần được quan tâm để phòng, tránh có hiệu quả hơn, bởi vì bệnh do virus viêm gan A hoặc do virus viêm gan E gây ra thì hậu quả lâu dài cũng rất phức tạp.
Trong và sau mưa, lũ, lụt, nguồn nước ngoài bị nhiễm vi khuẩn, virus thì chúng cũng bị ô nhiễm ký sinh trùng một cách đáng kể, trong đó nhiễm ký sinh trùng amip (gây bệnh lỵ amip), các loại giun sán đóng vai trò khá quan trọng trong việc gây bệnh cho con người.
Bệnh sốt vàng da, chảy máu sau mưa, lũ, lụt do vi khuẩn Leptospira gây ra
Bệnh sốt vàng da chảy máu (xuất huyết) do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này theo nước tiểu ra môi trường bên ngoài trôi vào dòng nước. Trong và sau mưa, lũ, lụt, nếu con người ngâm mình, chân tay với thời gian lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ dàng chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể con người.
Biện pháp ngăn chặn các bệnh về đường ruột sau mưa, lũ, lụt
Trước hết cần vệ sinh môi trường sống và nguồn nước sinh hoạt. Các vùng, miền chưa có nước máy cần thau, rửa, vệ sinh sạch sẽ giếng khơi, sát trùng bằng cloramin B theo hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt chất thải, đặc biệt là các loại chất thải như phân, nước tiểu, chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện không cho mầm bệnh lây lan ra môi trường xung quanh.
Những ao tù, nước đọng cần được khơi thông. Vệ sinh trong nhà, từng ngõ xóm để cho môi trường sống phong quang, sạch sẽ nhằm hạn chế đến mức tối đa mầm bệnh phát triển.
Người dân thực hiện ăn chín, uống chín (nước đun sôi, để nguội); tuyệt đối không ăn rau sống, uống nước lã,không đi vệ sinh bừa bãi. Không nên tắm ở ao, hồ, sông vừa bị lũ, lụt. Không ngâm mình dưới nước thời gian lâu.
Người dân nên đến trạm y tế để tiêm phòng những loại vaccine phòng bệnh về đường ruột. Các trạm y tế cố gắng có đủ các loại vaccine phòng bệnh đường ruột cần thiết để giúp dân phòng tránh bệnh đường ruột sau mưa, lũ, lụt một cách có hiệu quả.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google