Chính phủ chia sẻ khó khăn, mất mát của cộng đồng doanh nghiệp trong 2 năm phòng chống dịch

PV
13:04 - 11/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp được Chính phủ tổ chức nhằm chia sẻ khó khăn, mất mát của cộng đồng doanh nghiệp trong 2 năm phòng, chống dịch, đồng thời bày tỏ cảm ơn với những đóng góp của các doanh nghiệp.

Chính phủ chia sẻ khó khăn, mất mát của cộng đồng doanh nghiệp trong 2 năm phòng chống dịch  - Ảnh 1.

Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 11/8, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đã khai mạc với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự tại đầu cầu các tỉnh, thành phố có Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình thế giới tác động đến kinh tế - xã hội trong nước, nhất là tác động đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp; đề ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại vào thời điểm này năm 2021, cũng vào thời điểm này, Chính phủ cũng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để bàn cách chống dịch COVID-19, với tâm trạng nhiều lo lắng.

Sau 2 năm chống dịch và 7 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ lớn nhất là kiểm soát dịch bệnh chúng ta đã làm được. Về kinh tế, chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, GDP tăng 7,72% trong quý II năm 2022, bảo đảm các cân đối lớn (thu-chi, xuất nhập khẩu, lương thực-thực phẩm, năng lượng, cung cầu lao động), đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nhìn chung được nâng lên.

Chính phủ tổ chức hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm chia sẻ khó khăn, mất mát của cộng đồng doanh nghiệp trong 2 năm phòng, chống dịch vừa qua; bày tỏ cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp, chung sức với đất nước, nhân dân trong lúc khó khăn; chúc mừng cộng đồng doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức vươn lên phát triển, tiếp tục đóng góp cho đất nước.

Thủ tướng cho biết hiện nay, tình hình thế giới vẫn diễn biến khó lường, trong khi nền kinh tế trong nước vẫn có những vấn đề nội tại, phải giải quyết những vấn đề tồn đọng, thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và ứng phó với các phát sinh.

Rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là những vấn đề khó dự báo do phụ thuộc vào điều hành chính sách của các quốc gia lớn trên thế giới. Sự phục hồi chưa đầy đủ khi doanh nghiệp bị gián đoạn nguồn cung đầu vào, giá cả đầu vào tăng cao, thiếu hụt lao động, thị trường bên ngoài suy giảm...

Thể chế, chính sách từng bước được hoàn thiện, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp, doanh nhân vẫn gặp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.

Quyết tâm, mục tiêu lớn nhất, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả. Hai chính sách này phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giúp nền kinh tế phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập kinh tế sâu rộng, hiệu quả; trong đó phải phát triển cộng động doanh nghiệp lớn mạnh, đóng góp tích cực cho nền kinh tế nước nhà.

Chính phủ chia sẻ khó khăn, mất mát của cộng đồng doanh nghiệp trong 2 năm phòng chống dịch  - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tại hội nghị này, các đại biểu cùng nhau đánh giá những mặt được, chưa được; nguyên nhân khách quan, chủ quan; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững; góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội đất nước.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được một số kết quả tích cực khi chứng kiến nền kinh tế phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm (thu - chi, xuất - nhập khẩu, lương thực- thực phẩm, năng lượng, lao động). Quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hội nhập và đối ngoại được mở rộng và đẩy mạnh.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết Thủ đô tiếp tục quan tâm và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 7 tháng đầu năm, Thành phố đã thực hiện giảm 2% thuế VAT cho gần 42.000 doanh nghiệp; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với tổng số tiền trên 900 tỷ đồng, hỗ trợ giảm trên 1.700 tỉ đồng lệ phí trước bạ... Trên địa bàn Thành phố, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 62.000 khách hàng (với dư nợ trên 63.000 tỉ đồng); miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 326.000 khách hàng (với dư nợ trên 537.000 tỉ đồng); cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ tháng 01/2020 đến nay đạt trên 3.800.000 tỉ đồng cho gần 220.000 lượt khách hàng.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng nói chung rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong thời gian vừa qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Toàn ngành ngân hàng đã thực sự chia sẻ với doanh nghiệp và người dân, thể hiện qua các giải pháp chính sách trong suốt giai đoạn 2020 - 2021 và thể hiện bằng những con số rất cụ thể.

Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng điều hành cơ bản ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và kinh tế vĩ mô. Trong thời gian tới vẫn phải triển khai những công việc còn tồn đọng, khó khăn trước như tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng…

Nguồn: VGP