Chất da cam/dioxin - nỗi đau dai dẳng

Trần Hà
13:14 - 20/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cuộc đấu tranh giành công lý cho nạn nhân chất da cam ở cả hai bờ Thái Bình Dương còn đầy khó khăn và vất vả.

Có đến 4,5 triệu người Việt Nam sống ở vùng ô nhiễm chất da cam/dioxin

Tháng Tám hàng năm thường gợi nhớ cho chúng ta những ngày vui, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cả những ngày buồn khi quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Hiroshima ngày 6 tháng Tám năm 1945. Và còn một ngày buồn nữa là tháng Tám năm 1961 Mỹ bắt đầu sử dụng chất da cam ở miền Nam Việt Nam.

Trong hơn mười năm chiến tranh, từ tháng Tám năm 1961 đến tháng Mười năm 1971, Mỹ đã sử dụng 77 triệu lít (95.000 tấn) chất diệt cỏ có chưa tạp chẩt dioxin, chủ yếu là chất da cam, chất trắng, chất xanh, chất tím… Với mật độ phun là khoảng 37 ki-lô-gram trên một hec-ta, tức là gấp 17 lần liều sử dụng trong nông nghiệp.

Chất da cam/dioxin (tên gọi) có ảnh hưởng trực tiếp đến đất nông nghiệp, giết chết cây cối hay làm cho chúng không thể phát triển thêm. Vi sinh vật có thể dễ bị chết dẫn đến đất kém mầu mỡ, làm năng suất cây trông giảm. 

Với người, chất da cam/dioxin gây dị tật bẩm sinh có biểu hiện khi còn là phôi thai, ngay từ khi mới sinh hay biểu hiện muộn hơn nhưng có nguyên nhân ngay từ trước khi sinh. Nhiều nghiên cứu quốc tế cho thấy chất da cam/dioxin gây đột biến gen và nhiễm sắc thể. Biểu hiện bên ngoài thường là ung thư phần mềm, u lymphoma ác tính Hodgkin và không Hodgkin, bệnh trứng cá do clo, bệnh bệnh leucose dòng lympho mạn tính. 

Các nhà khoa học Việt Nam còn cho thấy có nhiều bệnh liên quan đến chất da cam/dioxin như ung thư đường hô hấp, ung thư tiền liệt tuyến, bệnh đau tuỷ xương, bệnh nứt gai đốt sống, bệnh da do rối loạn chuyển hoá, rối loạn thần kinh ngoại biên, bệnh tháo đường, un thư gan nguyên phát, rối loạn tâm thần. 

Thông thường nạn nhân của chất da cam/dioxin mắc nhiều bệnh cùng một lúc do dioxin có độc tính cao và khó phân huỷ trong cơ thể. Hơn thế nữa, bệnh tật còn có thể xuấ thiện ở những thế hệ mai sau của bệnh nhân hiện tại.

Các nghiên cứu cho thấy có đến 4,5 triệu người Việt Nam sống ở vùng ô nhiễm chất da cam/dioxin vào thời điểm phun thuốc trong khi đó theo Cơ quan Quản lý Cựu chiến binh Mỹ ước tính có 2,8 triệu cựu chiến binh Mỹ tham gia cuộc chiến bị phơi nhiễm thuốc diệt cỏ có chứa dioxin. 

Cựu chiến binh của cả hai phía của cuộc chiến đều là nạn nhân của chất da cam/dioxin, đều có những bệnh như nhau.

Có lẽ vì lẽ đó, cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ đều có ngày tưởng nhớ đến nạn nhân chẩt da cam/dioxin. Ở Việt Nam, ngày 8 tháng Tám là Ngày vì Nạn nhân chất độc da cam trong khi đó ở Mỹ, ngày 10 tháng Tám được chọn là Ngày Nâng cao Nhận thức về Chất da cam.  Mục đích chung của hai ngày này để nhắc nhở mọi người về một thảm họa đối với môi trường và sức khỏe con người, đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Thảm Da cam đầy nước mắt

Cũng trong tháng Tám này, một cuộc triển lãm về tác hại chất da cam đang được tổ chức ở Pleiku (từ 18 tháng Bẩy đến 20 tháng Tám) và một cuộc triển lãm có tựa đề là Thảm Da cam đầy nước mắt (Agent Orange Quilts of Tears) về cùng chủ đề cũng đang được tổ chức lưu động vòng quanh nước Mỹ.

Chất da cam/dioxin - nỗi đau dai dẳng  - Ảnh 1.

Một góc triển lãm "Thảm da cam đầy nước mắt". Ảnh: chicagotribune

"Những cựu chiến binh trở về từ Việt Nam nghĩ rằng họ đã sống sót và Việt Nam chỉ là quá khứ… Nhưng không phải như vậy. Với di sản chất da cam, (Chiến tranh) Việt Nam vẫn tiếp tục gây thương vong ngày này qua ngày khác ngay ở thời điểm hiện tại". Đó là lời của một cựu chiến binh Mỹ trên trang chủ của cuộc triển lãm lưu động ở Mỹ.

Nhận thức được tác hại của chất da cam/dioxin cựu chiến binh Mỹ, đại điện là VVA (Tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam) đã nhiều năm vận động chính phủ Mỹ trợ giúp cựu chiến binh phải sống chung với bệnh tật do ảnh hưởng của chất da cam/dioxin họ bị phơi nhiễm trong quân ngũ. Tại Pháp, bà Trần Tố Nga, nạn nhân chất da cam/dioxin rải ở Việt Nam, đã kiện 14 công ty hoá chất cung cấp xuất chất da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Vụ kiện này đã kéo dài hơn 10 năm nay.

Điều này chứng tỏ cuộc đấu tranh giành công lý cho nạn nhân chất da cam ở cả hai bờ Thái Bình Dương còn đầy khó khăn và vất vả. Trong muôn vàn khó khăn, khó khăn lớn nhất là chính phủ Mỹ không chịu nhận hoàn toàn trách nhiệm về hành động của mình. 

Như một học giả Mỹ đã nói: "Chính phủ Mỹ không chịu bồi thường cho người Việt Nam là nạn nhân chiến tranh hoá học, bởi vì làm như vậy có nghĩa là thú nhận rằng Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh ở Việt Nam. Điều này sẽ mở ra hàng loạt vụ kiện buộc chính phủ phải chi trả hàng tỷ đô la".

Bình luận của bạn

Bình luận