Công dân khuyến học

Chàng trai khiếm thị đi đến tận cùng ước mơ, hoài bão

Chàng trai khiếm thị đi đến tận cùng ước mơ, hoài bão

15:47 - 22/04/2025
Công dân & Khuyến học trên

Bằng nghị lực phi thường, Vũ Văn Tuấn - một người khiếm thị quê ở xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã vượt lên nghịch cảnh, tốt nghiệp Đại học và trở thành Phó chủ tịch Hội người mù thành phố Huế.

Bài dự thi cuộc thi viết "Gia đình học tập" của tác giả Tường Vân (Thanh Hoá)
Chàng trai khiếm thị đi đến tận cùng ước mơ, hoài bão - Ảnh 1.

Anh Vũ Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Hội người mù thành phố Huế trò chuyện cùng tác giả.

Hành trình đi tìm "con chữ" của một người khiếm thị

Vào một ngày cuối xuân đầu hạ, tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với anh Vũ Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Hội người mù thành phố Huế. Ấn tượng đầu tiên khi gặp Tuấn chính là nụ cười tươi, tác phong nhanh nhẹn… tính tình gần gũi, dễ mến. 

"Với tôi, thành phố Huế mộng mơ, xinh đẹp chính là mảnh đất ân tình, là nơi giúp tôi trưởng thành hơn, có công việc ổn định và tìm được một nửa của riêng mình" - ngược dòng thời gian, Vũ Văn Tuấn đã kể cho tôi nghe về hoàn cảnh đầy éo le của gia đình anh. 

Vũ Văn Tuấn sinh năm 1990 trong một gia đình nghèo tại xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Nhà anh có 4 người nhưng chỉ có mình mẹ là người bình thường, lành lặn, bố và anh là người khiếm thị, còn em gái thì một mắt nhìn rõ, còn một mắt không nhìn thấy. Vì thế, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai gày của mẹ. 

Ngoài việc nhà, mẹ anh đã phải đi thu mua sắt vụn, ve chai để có tiền lo cho các con ăn học. Bố anh làm thêm nghề tẩm quất nhưng số tiền ít ỏi nên chẳng thấm gì với chi phí của một gia đình tận 4 người. 

Thương bố mẹ vất vả, từ nhỏ, Tuấn và em gái là Vũ Thị Quỳnh đã có ý thức tự lập. Năm lên 8 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa được cắp sách tới trường, Vũ Văn Tuấn khát khao vô cùng. Nhà anh ở gần trường nên mỗi sáng sớm nghe tiếng bạn bè í ới gọi nhau, tiếng trống trường vang lên là anh lại thấy lòng mình rộn rã, đôi chân muốn chạy theo các bạn. Thương con, mẹ đã xin cho anh vào lớp 1 trường làng. 

Thế nhưng, ngày đó, chữ Braille chưa phổ biến như hiện nay nên anh chỉ có thể nghe cô giáo giảng bài mà không thể tập viết được. Vậy là, Vũ Văn Tuấn đành nghỉ học trong tiếc nuối. 

May mắn, một thời gian sau, Hội người mù huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa mở lớp dạy chữ Braille cho người khiếm thị, Tuấn được đi học trở lại. Nhận thấy Tuấn chăm chỉ học hành và tinh thần "cầu thị", Hội người mù tỉnh Thanh Hóa cho anh về Thành phố Thanh Hóa học hệ nâng cao. 

Chàng trai khiếm thị đi đến tận cùng ước mơ, hoài bão - Ảnh 2.

Vũ Văn Tuấn từ một đứa trẻ khiếm thị vươn lên thành một người học hành thành đạt. Ảnh: Tường Vân

Ngày xưa ấy, ngồi sau xe đạp mẹ chở đi Thành phố học, Tuấn vô cùng hạnh phúc. Nghe thấy tiếng còi ô tô, xe máy hòa cùng không khí náo nhiệt của phố phường, anh thấy lòng rộn ràng, phấn chấn. Tới lớp học, được sự quan tâm, chỉ bảo tận tình của thầy, cô, anh đã nhanh chóng hòa nhập với các bạn và phương pháp học tập mới. 

Hai tuần đầu, anh xếp học lực thứ 5 của lớp. Không thỏa mãn với những gì đã đạt được, anh tiếp tục nỗ lực cố gắng không ngừng. Ở lớp, Tuấn chăm chú nghe thầy cô giảng bài, chỗ gì không hiểu, anh hỏi ngay để có câu trả lời. Về nơi ở, anh kiên trì tập viết và đọc thêm tài liệu bằng chữ nổi. Nhờ đó, vài tuần sau, Vũ Văn Tuấn vươn lên đứng đầu lớp về kết quả học tập. 

Sau 6 tháng theo học chữa Braille, Vũ Văn Tuấn được chuyển thẳng lên lớp 3, Trường Tiểu học Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. 

Anh tâm sự: "Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn với tôi. Lớp học bây giờ không còn là những bạn khiếm thị nữa mà là các bạn mắt sáng. Phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng khác với thầy cô Hội người mù tỉnh Thanh Hóa". Nhưng rồi, anh không nhụt chí mà cố gắng từng ngày, từng giờ. Người sáng mắt nỗ lực một thì anh phải nỗ lực tới 10, thậm chí 20-30 lần. Tuấn học ngày, học đêm, học mọi lúc, mọi nơi, học ở trường, học ở nhà... Nhờ đó, anh đã học giỏi tất cả các môn học và đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Không chỉ học tốt, Vũ Văn Tuấn còn tích cực tham gia rất nhiểu cuộc thi do báo, đài tổ chức. Mỗi khi, nghe Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình Thanh Hóa thông báo phát động cuộc thi nào, anh lạy mày mò tìm tài liệu và tham dự. Năm 2001, anh đã được nhận giấy khen cuộc thi "Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của chúng em" do Trung ương Đoàn tổ chức. Tiếp đến là được Ban tổ các cuộc thi "Tìm hiểu 60 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; "Tìm hiểu 75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam".

Đặc biệt, tháng 9.2005, anh đã lựa chọn chủ đề "Chữ Braille trong cuộc sống của tôi" để tham gia cuộc thi viết chữ Braille ONKYO do Hiệp hội người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương tổ chức. Qua vòng 1 Quốc gia, Tuấn đoạt giải Nhất, bài thi của anh được gửi đi tham dự Quốc tế và vinh dự nhận giải Nhì khu vực Ðông Nam Á. 

Trong bài viết của anh, có đoạn rất xúc động: "Tôi nghĩ, mình không thể phụ lòng cha, mẹ và thầy, cô giáo, đặc biệt là sẽ có lỗi với ông Luis Braille nếu như mình bỏ học. Vì ông ấy đã sáng tạo ra chữ Braille và ông muốn rằng tất cả người mù trên thế giới này đều được học tập và hòa nhập với cộng đồng...". 

Năm 2010, tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng trai khiếm thị Vũ Văn Tuấn đã ra Thủ đô Hà Nội gõ cửa xin nộp hồ sơ. Nhưng… các trường đại học đều từ chối nhận hồ sơ của thí sinh khiếm thị. Cuối cùng, anh trở về quê nhà trong nỗi thất vọng. May mắn thay, anh lại nhận được thông tin Trường Đại học Khoa học Huế có tuyển sinh người khiếm thị. Vậy là, mang theo khát vọng về một tương lai tươi sáng ở phía trước, anh đã khăn gói bắt xe vào tận thành phố Huế nộp đơn thi Đại học. 

Lúc bấy giờ, trong túi anh chỉ có vẻn vẹn 800 ngàn đồng vay mượn được. Tới nơi, anh bày tỏ nguyện vọng được thi vào ngành Công tác xã hội của Đại học Khoa học Huế và được chấp nhận. Tuấn vỡ òa trong hạnh phúc. Thêm vào đó, anh còn được 1 gia đình tại thành phố Huế đón về cho ăn ở miễn phí, hỗ trợ những ngày đi thi. Tình người trong hoạn nạn đã giúp anh trân quí cuộc sống, nỗ lực cố gắng và đỗ vào Đại học theo đúng ý nguyện. 

Đỗ vào đại học, anh còn được thầy Đồng Văn Ngọc, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tài trợ suốt 4 năm học. Đây chính là động lực giúp Tuấn toàn tâm, toàn ý cố gắng hơn nữa. Dẫu môi trường mới, bạn bè mới… phương pháp giảng dạy của thầy cô cũng mới… nhưng anh đã nhanh chóng tìm cách thích nghi. Lắng nghe thầy cô giảng, chỗ nào không hiểu, anh lại nhờ bạn bè bên cạnh hỗ trợ thêm. Thương anh, bạn bè, thầy cô đều gửi bài, tài liệu tham khảo qua mail để tiện cho Tuấn có thời gian lĩnh hội thêm. Nhờ đó, anh đã kết quả cao trong học tập và tốt nghiệp Đại học loại giỏi. 

Chàng trai khiếm thị đi đến tận cùng ước mơ, hoài bão - Ảnh 4.

Năm 2020, anh Vũ Văn Tuấn (giữa) được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Huế.

Tốt nghiệp Đại học, năm 2014, anh may mắn được nhận về làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Niềm tin 17.4 trực thuộc Hội người mù tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến năm 2018, anh được bầu làm Phó chủ tịch Hội người mù Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, anh đã bám sát cơ sở, nắm bắt hoàn cảnh, nhu cầu của từng hội viên kịp thời xem xét, giúp đỡ. Anh và các đồng chí trong Ban chấp hành Hội người mù thị xã Hương Trà đã kết nối được với các mạnh thường quân ở trong và ngoài địa phương, hỗ trợ được nhiều người có hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. 

Tiêu biểu như: anh Nguyễn Văn Khóa- Công ty TNHH một thành viên Niềm tin 17.4; anh Phan Bá Láo, Châu Văn Lộc - Hội viên Hội người mù thị xã Hương Trà được hỗ trợ sửa chữa nhà dột nát. Bên cạnh đó, anh luôn dành cho những người đồng tật tình yêu thương vô bờ. Anh động viên, khích lệ những người kém may mắn hơn anh. Vì thế, anh luôn được đồng nghiệp, bạn bè… yêu mến.

Đến 11/2020, anh được bầu làm Phó chủ tịch Hội người mù tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Hội người mù thành phố Huế). Tại đây, anh được giao phụ trách Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp trẻ em mù. Hiện trung tâm đang nuôi dạy 31 trẻ em khiếm thị. Các em học từ lớp 1 đến lớp 3 tại Trung tâm. Từ lớp 4 trở đi, các em được học hòa nhập ở các trường tại thành phố Huế. 

Chàng trai khiếm thị đi đến tận cùng ước mơ, hoài bão - Ảnh 5.

Anh Vũ Văn Tuấn trải nghiệm cùng các em khiếm thị. Ảnh: nvcc

Thấu hiểu, người khiếm thị gặp khó khăn về sinh hoạt, học tập…so với người bình thường nên anh luôn gần gũi, sẻ chia mọi vui buồn trong cuộc sống. Bằng kiến thức, kinh nghiệm thực tế, không chỉ dạy chữ nổi, anh còn gieo vào lòng các em niềm tin vào tương lai tươi sáng ở phía trước. Bên cạnh đó, anh và cán bộ của Hội đã làm cầu nối, huy đồng được hàng trăm triệu đồng từ các nguồn xã hội hóa để tặng quà, trao học bổng cho các em khiếm thị và đa tật. 

Sinh ra với đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng mặt trời nhưng anh Vũ Văn Tuấn lại có tinh thần ham học, lạc quan yêu đời và một trái tim ấm áp yêu thương. Cuộc sống đã lấy của anh đôi mắt nhưng lại bù đắp cho anh có được tình yêu mến từ mọi người. 

Chàng trai khiếm thị đi đến tận cùng ước mơ, hoài bão - Ảnh 6.

Vũ Văn Tuấn cưới vợ năm 2015 và hạnh phúc bên người vợ yêu thương. Ảnh: nvcc

Đặc biệt, ngay tại Trường Đại học Khoa học Huế, anh đã được học với chị Tô Thị Hải Yến quê ở Quảng Trị. Cảm phục trước chàng trai giàu nghị lực, Hải Yến đã nguyện làm đôi mắt cho anh. 

Thế nhưng, khi nghe tin con gái yêu thương một chàng trai khiếm thị và dự định tiến tới hôn nhân, bố mẹ chị Yến đã kịch liệt phản đối. Nhưng rồi, sự chân thành của Tuấn đã khiến bố mẹ Hải Yến cảm động và chấp nhận. Vậy là… ngày 28/2/2015, Vũ Văn Tuấn và Tô Thị Hải Yến đã chính thức nên duyên chồng vợ, viết nên câu chuyện cổ thích giữa đời thường. 

Hiện tại, anh chị có 3 thiên thần bé nhỏ với con trai đầu học lớp 4, con trai thứ 2 hơn 4 tuổi và cô con gái út vừa lên 2 tuổi. Mái ấm của gia đình anh Tuấn tuy đơn sơ nhưng luôn rộn rã tiếng cười. 

Vũ Văn Tuấn đã và đang sống một cuộc đời đầy nghĩa. Anh chính là biểu hiện cho tinh thần vượt khó, chăm chỉ học hành, phấn đấu không biết ngừng nghỉ, đi tới tận cùng của ước mơ và hoài bão.

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon