“Câu chuyện nhỏ” của các họa sĩ xứ Nghệ

Việt Hoàng
10:48 - 07/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chiều ngày 6/8/2022 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền đã diễn ra khai mạc triển lãm "Câu chuyện nhỏ". Triển lãm là sự hội ngộ của 3 họa sĩ xứ Nghệ và một họa sĩ khách mời. Hơn 40 tác phẩm được trình bày lần này là kết quả của nhiều năm đi thực tế và sáng tác.

Các tác phẩm được vẽ bằng nhiều chất liệu khác nhau, từ sơn dầu, sơn mài đến acrylic, lụa. Mỗi bức tranh là một kỷ niệm, một câu chuyện riêng của mỗi họa sĩ nhưng họ đều mong muốn truyền tải đến người xem sự giản dị, mộc mạc theo lối hiện thực.

“Câu chuyện nhỏ” của các họa sĩ xứ Nghệ - Ảnh 1.

Các họa sĩ trước giờ khai mạc triển lãm. Ảnh: Việt Hoàng

Trong không gian triển lãm, người xem được chiêm ngưỡng một bữa tiệc màu sắc phong phú. Từ sự sang trọng của chất liệu sơn mài, đến dữ dội, tung tẩy của sơn dầu - tất cả tạo nên một câu chuyện giản dị nhưng cũng không kém phần thích thú về mặt thị giác. Người xem có thể bắt gặp những phong cảnh, cây cỏ, chân dung vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, đầy màu sắc qua sự thể hiện của các họa sĩ.

“Câu chuyện nhỏ” của các họa sĩ xứ Nghệ - Ảnh 2.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của khá đông khán giả Thủ đô. Ảnh: Việt Hoàng

Sảnh chính của triển lãm là những tác phẩm của 4 họa sĩ treo cạnh nhau. Bút pháp và màu sắc chất liệu mỗi người đều có dấu ấn riêng. Các họa sĩ thuộc hai thế hệ khác nhau, nhưng điều thú vị là họa sĩ lớn tuổi nhất Phạm Ngọc Điệp (sinh năm 1957) lại là người có những tác phẩm trẻ trung nhất, không hề thua kém những họa sĩ đi sau.

“Câu chuyện nhỏ” của các họa sĩ xứ Nghệ - Ảnh 3.

Các họa sĩ cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Việt Hoàng

Đề tài các họa sĩ lựa chọn cũng rất gần gũi, đa số là các tranh phong cảnh, chân dung. Những cảm xúc cá nhân của các họa sĩ trong đời sống hàng ngày, và cả những ghi chép sau những chuyến đi. Tuy vậy người xem sẽ không có cảm giác nhàm chán, vì mỗi tác giả có sự nhìn nhận và cá tính hoàn toàn khác biệt.

“Câu chuyện nhỏ” của các họa sĩ xứ Nghệ - Ảnh 4.

Một số tác phẩm treo trong triển lãm. Ảnh: Việt Hoàng

Họa sĩ Thái Văn An cho biết, tất cả các tác phẩm sơn mài của anh đều được vẽ theo lối truyền thống (dùng sơn ta, màu son, vàng, bạc và vỏ trứng…), không dùng các chất phụ gia màu vẽ của nước ngoài. Sau một thời gian thể nghiệm, tìm tòi, họa sĩ hiểu rõ hơn về chất liệu sơn mài, nên theo họa sĩ, anh biết cách dùng "lợi thế" của chất liệu để truyền tải ý tưởng của mình. Dù dùng sơn mài truyền thống, nhưng thực sự họa sĩ biết cách để màu sắc cất lên "tiếng nói", khiến các tác phẩm của anh có sự hấp dẫn nhất định với khán giả.

Tác phẩm của họa sĩ Thái Văn An Ảnh: Việt Hoàng 

Họa sĩ Hồ Huy Hùng sử dụng chất liệu màu nước, acrylic thành thạo, khéo léo cùng lối vẽ phóng khoáng để tạo nên phong cách riêng. Tông màu chủ đạo họa sĩ sử dụng là màu ốc, ghi xám, một số tác phẩm dùng hòa sắc xanh. Xem tranh anh có cảm giác, một thiên nhiên không đứng yên mà cỏ cây, sự vật luôn vận động.

Tác phẩm của họa sĩ Hồ Huy Hùng. Ảnh: Việt Hoàng 

Họa sĩ Phạm Quốc Huy lại thể hiện những phong cảnh, cảnh lao động, bằng tông màu thâm trầm. Một dãy phố mới lên đèn, hay cảnh đánh cá ban đêm… Bảng màu của anh gợi cho người xem những khoảng lặng, man mác trong thời khắc cuối ngày.

Tác phẩm của họa sĩ Phạm Quốc Huy

Họa sĩ Phạm Ngọc Điệp, một họa sĩ có tên tuổi và thành danh với tranh sơn mài, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Là họa sĩ khách mời và lớn tuổi nhất trong triển lãm, nhưng cách anh xây dựng tác phẩm và khai thác chất liệu lại đầy sự trẻ trung. Xem tranh anh ấn tượng mạnh mẽ nhất là ánh sáng, và sự giản lược gần như cách điệu về hình cũng như về không gian. Sự kết hợp ấy tạo nên một hiệu ứng thị giác rất hấp dẫn, và một phong cách rất riêng của tác giả.

Tác phẩm của họa sĩ Phạm Ngọc Điệp. Ảnh: Việt Hoàng 

Một số tác phẩm của các họa sĩ trong triển lãm:

Ảnh: Việt Hoàng