Cấp chứng chỉ hành nghề để ngăn hiện tượng "nhà giáo tự xưng"
Đây là thông tin được ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại Tọa đàm đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Nhà giáo, tổ chức ngày 17/5.
Chia sẻ về mục đích của việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chứng chỉ hành nghề nhằm nâng tầm vị thế, vai trò của nhà giáo, phân biệt những người đủ tư cách dạy học với những người không đủ tư cách dạy học nhưng tự nhận là nhà giáo.
Ông Đức nhấn mạnh, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.
Chứng chỉ này có giá trị trong toàn quốc. Mỗi nhà giáo được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề.
Những nhà giáo đang giảng dạy (kể cả công lập và ngoài công lập) được tuyển dụng vào ngành trước khi Luật Nhà giáo có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần qua kỳ sát hạch.
Còn đối với nhà giáo mới tuyển sau khi Luật Nhà giáo có hiệu lực nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề.
Bên cạnh đó, các nhà giáo đã về hưu chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu có sức khỏe tốt và minh mẫn, cũng có thể xin cấp chứng chỉ này để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp nếu có nhu cầu.
Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu cấp chứng chỉ cũng được xem xét cấp chứng chỉ này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google