Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mạo danh ngân hàng
Nhằm nâng cao cảnh giác cũng như đảm bảo an toàn cho tài khoản và giao dịch của người dân, ngân hàng đã gửi lời khuyến cáo cẩn trọng với lừa đảo.

Tình hình tội phạm lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian qua diễn biến phức tạp. Ảnh minh hoạ: IT
Lừa đảo trực tuyến gia tăng, ngân hàng khuyến cáo
Trước tình hình tội phạm lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa gửi khuyến cáo đến khách hàng cần cẩn trọng với một số hình thức mạo danh ngân hàng, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo đại diện VIB, cùng với xu hướng phát triển của giao dịch thanh toán qua tài khoản/thẻ, tình hình tội phạm lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian qua diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn đến người dùng.
Các đối tượng lừa đảo mạo danh ngân hàng tiếp cận khách hàng với nhiều kịch bản khác nhau. Trong số đó có hình thức hỗ trợ khách hàng xác thực sinh trắc học, rồi dẫn dụ khách hàng kết bạn qua các ứng dụng nhắn tin trực tuyến và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh chứng từ giấy tờ tùy thân, hình ảnh khuôn mặt; hoặc yêu cầu cuộc gọi video cho mục đích thu thập giọng nói, cử chỉ của khách hàng để chiếm quyền sử dụng tài khoản hoặc sử dụng với mục đích bất hợp pháp.
Một trường hợp mạo danh ngân hàng khác là đối tượng lừa đảo thực hiện cuộc gọi chăm sóc khách hàng để đưa ra các chương trình ưu đãi như hoàn phí thường niên, tăng hạn mức thẻ tín dụng, tiếp nhận yêu cầu hủy thẻ…
Sau khi khách hàng tin tưởng, đối tượng hướng dẫn thủ tục để xử lý yêu cầu là khách hàng gửi hình chụp thông tin thẻ trên ứng dụng ngân hàng; hoặc vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng; hoặc nhập thông tin cá nhân và thông tin bảo mật thẻ (số thẻ, số CVV, mã OTP) trên link do đối tượng cung cấp. Từ đó, đối tượng chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng cách sử dụng thông tin thẻ để mua hàng hóa, dịch vụ.
Theo VIB, biện pháp phòng tránh lừa đảo trong giao dịch ngân hàng, khách hàng cần:
- Chỉ thực hiện xác thực sinh trắc học trên ứng dụng Ngân hàng số MyVIB hoặc tại các Chi nhánh/ Phòng giao dịch của VIB.
- KHÔNG cung cấp thông tin cá nhân/ thông tin Thẻ/ Tài khoản thanh toán, mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào. VIB không bao giờ yêu cầu Khách hàng cung cấp OTP hay mật khẩu đăng nhập.
- KHÔNG cài đặt ứng dụng hoặc truy cập đường dẫn (link) không rõ nguồn gốc và KHÔNG cấp quyền trợ năng (Accessibility) cho ứng dụng.
- KHÔNG thực hiện bán, cho thuê, cho mượn, mở hộ Tài khoản thanh toán, … tránh tạo điều kiện cho kẻ gian lợi dụng thông tin, Tài khoản thanh toán trong các mục đích giao dịch bất hợp pháp. Các hành vi bán, cho thuê, cho mượn, mở hộ Tài khoản thanh toán, … là hành vi vi phạm pháp luật.
- NÊN khóa Thẻ, Tài khoản thanh toán ngay lập tức (qua ứng dụng MyVIB hoặc liên hệ Hotline 1900 2200/ 1800 8195) khi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo.
- NÊN trình báo cơ quan chức năng nếu phát hiện các trường hợp yêu cầu chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, thông tin Thẻ/ Tài khoản thanh toán.
- NÊN chủ động quản lý Thẻ tại ứng dụng Ngân hàng số MyVIB bằng cách: tạm khóa từng chức năng thanh toán riêng biệt (khóa thanh toán online/ ATM/ POS/ contactless/ giao dịch tại nước ngoài), điều chỉnh hạn mức giao dịch thẻ trong ngày và hạn mức trực tuyến trong ngày tùy theo nhu cầu.
- NÊN thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện truyền thông và kênh thông tin chính thức của VIB.
Giả mạo trang web, ứng dụng dịch vụ công để lừa đảo
Bên cạnh việc mạo danh ngân hàng, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo website và ứng dụng dịch vụ công (app VNeID, Bộ Công an, Cục Thuế, …) có chứa mã độc để kiểm soát và chiếm quyền sử dụng thiết bị của khách hàng, từ đó phát sinh giao dịch không phải do khách hàng thực hiện. Hoặc mạo danh nhân viên giao hàng/sàn thương mại điện tử thông báo khách hàng có đơn hàng cần xác nhận, yêu cầu thanh toán qua đường link giả mạo.
Không chỉ riêng VIB, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã cảnh báo tình trạng lừa đảo mạo danh nhân viên/tổng đài Vietcombank liên hệ mời phát hành thẻ tín dụng. Theo đó, kẻ gian tự nhận là nhân viên ngân hàng gọi điện, gửi tin nhắn (SMS, Zalo, messenger…) thuyết phục khách hàng chủ động mở thẻ ghi nợ phi vật lý hoặc làm hồ sơ phát hành thẻ tín dụng tại ngân hàng, từ đó lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng. Một số số điện thoại lừa đảo đã được phản ánh: 02366888766, 02488860469, 02888865154, 1900355561…
Hoặc kẻ gian yêu cầu khách hàng đăng ký phát hành thẻ ghi nợ, cung cấp thông tin thẻ ghi nợ mới phát hành, và dùng các thông tin thẻ đó để thực hiện liên kết thẻ với Ví điện tử của chúng; hoặc sử dụng thẻ thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử (mua các mặt hàng có giá trị cao như iPhone, MacBook …), từ đó chiếm đoạt tiền trong thẻ của khách hàng….
Ngoài ra, kẻ gian còn sử dụng hình thức lừa đảo yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến tài khoản của chúng với mục đích “nâng điểm tín dụng để có đủ điều kiện phát hành thẻ”, từ đó chiếm đoạt tiền. Trong quá trình lừa đảo, kẻ gian có thể yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán phí hồ sơ, phí phát hành thẻ….
Trước các hình thức lừa đảo gia tăng, các ngân hàng khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin bảo mật (thông tin thẻ, mật khẩu ứng dụng ngân hàng, mã OTP) cho bất kỳ ai. Đồng thời, không truy cập vào các đường link lạ hoặc quét mã QR không rõ nguồn gốc được gửi qua thư điện tử (email), tin nhắn (SMS) hoặc mạng xã hội…
Các ngân hàng cam kết tuyệt đối không liên kết với bất kỳ đơn vị bên ngoài để cấp phát khoản vay; không cung cấp các dịch vụ mời chào nâng hạn mức thẻ tín dụng, miễn phí thường niên và các dịch vụ trái phép thông qua cuộc gọi từ các số điện thoại không được nhận diện…
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google