Cảnh giác với thủ đoạn lừa cập nhật dữ liệu
Từ ngày 1/7/2025, đã xuất hiện các đối tượng giả danh cơ quan công an gọi điện cho người dân cập nhật thông tin dữ liệu dân cư nhằm chiếm đoạt tài sản, người dân cần cảnh giác.

Đặc biệt, những cuộc lừa đảo được chọn đúng vào giai đoạn sáp nhập phường khiến nhiều người dân dễ bị mắc bẫy. Ảnh minh họa: IT
Thủ đoạn lừa đảo tích hợp giấy tờ vào VNeID
Từ 1/7, cả nước triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều người dân đã nhận được cuộc gọi tự xưng là công an địa phương hoặc cán bộ hành chính công liên hệ báo phải tích hợp thông tin giấy tờ mới vào hệ thống VNeID.
Đồng thời, các đối tượng lại yêu cầu vào VNeID theo đường link cài đặt phần mềm tải trên kho ứng dụng. Từ đây, kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân.
Đặc biệt, những cuộc lừa đảo được chọn đúng vào giai đoạn sáp nhập phường, xã có nhiều thay đổi sẽ khiến nhiều người dân tin và bị mắc lừa.
Người dân cần nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo liên quan tới VNeID
Trước thực trạng trên, nhiều công an phường trên địa bàn đã phát đi cảnh báo rộng rãi trên nhóm cư dân của phường kêu gọi cư dân hết sức cảnh giác.
Theo đó, thủ đoạn các đối tượng sử dụng là giả danh cán bộ công an gọi điện cho người dân yêu cầu cung cấp thông tin quê quán, nơi ở hoặc cài đặt phần mềm để cập nhật dữ liệu dân cư, đồng bộ hóa giấy tờ.
Ngay sau khi cài đặt phần mềm giả mạo này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Cơ quan công an đề nghị người dân cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ công an để thông báo, yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin dữ liệu dân cư qua điện thoại.
Việc cập nhật thông tin theo địa giới hành chính mới như nơi đăng ký khai sinh, quê quán, địa chỉ thường trú trên app VNeID sẽ được Bộ Công an tự cập nhật cho người dân. Vì vậy, người dân cần nắm rõ thông tin, hiểu rõ quy trình để đảm bảo không bị lừa đảo bởi các đối tượng xấu.
Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng. Trường hợp nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tự bảo vệ mình khỏi các thủ đoạn lừa đảo, người dân nên làm gì?
Theo chuyên gia, nhằm giúp người dùng bảo vệ bản thân khỏi nạn lừa đảo và tấn công trực tuyến khi thao tác sử dụng các dịch vụ trực tuyến, người dân cần chú ý một số gợi ý như sau:
- Thuộc lòng các mật khẩu của mình. Sử dụng mật khẩu riêng cho từng tài khoản, kết hợp chữ cái, số và ký tự đặc biệt, tránh các dãy số dễ đoán. Ghi nhớ mật khẩu bằng cách tự tạo quy luật riêng hoặc sử dụng sổ ghi chép thay vì phần mềm lưu trữ, giúp hạn chế tối đa nguy cơ bị đánh cắp.
- Cảnh giác với những lời mời kết bạn, làm quen trên mạng xã hội từ người lạ, đặc biệt khi họ có ý định khai thác thông tin cá nhân hoặc vay tiền. Luôn xác minh kỹ thông tin trước khi kết nối với bất kỳ ai trên LinkedIn, đề phòng tin tặc lợi dụng mối quan hệ chung để tiếp cận và tấn công.
- Sử dụng mật mã riêng để chống lại những trò lừa đảo AI (trí tuệ nhân tạo). Thỏa thuận với người thân và bạn bè một từ khóa bí mật để nhận diện các cuộc gọi giả mạo giọng nói bằng AI. Cẩn trọng với email lừa đảo (phishing) được trau chuốt kỹ lưỡng nhờ AI, không chỉ dựa vào lỗi chính tả để nhận diện.
- Sử dụng “lá chắn thép” với 2 lớp xác thực. Luôn kích hoạt xác thực 2 yếu tố (2FA) cho mọi tài khoản trực tuyến, sử dụng ứng dụng xác thực hoặc khóa bảo mật vật lý để tăng cường an ninh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google