Các nhà khoa học trẻ, đừng nản lòng

Phan Anh
17:35 - 11/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec, nêu quan điểm: "Đừng làm các bạn trẻ, các nhà khoa học trong nước nản lòng vì đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng bài báo như phải đăng bài trên các tạp chí có IF cao, các tạp chí khó đăng bài”.

Các nhà khoa học trẻ, đừng nản lòng- Ảnh 1.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec. Ảnh: VinUni

Con đường làm khoa học là bền bỉ và thực chất

Tôi nghĩ mình chưa phải là một nhà khoa học thực thụ, mà chỉ là người đang tập làm khoa học. So với thế hệ trẻ bây giờ, con đường đến với khoa học của chúng tôi trước đây khó khăn hơn nhiều, phải tự mày mò tìm đường mà đi. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec mới đây đã chia sẻ quan điểm của ông về vấn đề cách tiếp cận của các nhà khoa học trẻ với các bài báo nghiên cứu khoa học. 

Ông cho hay: "Hồi mới về Bệnh viện Nhi, nhờ các thầy khuyến khích, tôi bắt đầu viết một số bài thông báo một trường hợp, rồi dần đi xa hơn. Năm 1988 bài báo đầu tiên của tôi được xuất bản quốc tế là trên một tạp chí của Ấn Độ. Lúc đó tôi không dám mơ sẽ có các bài đăng trên tạp chí Âu, Mỹ.

Năm 1994, tôi có bài đầu tiên đăng trên La Presse Médicale của Pháp nhưng công chính là của thầy – giáo sư người Pháp. Phải đến năm 1995 tôi mới có bài trên tạp chí Phẫu thuật Nhi châu Âu, hoàn toàn là sản phẩm của mình. Cũng từ đó tôi bắt đầu tự tin viết tiếp các bài khác đăng trên các tạp chí Âu, Mỹ.

Từ 2014, tôi bước sang một lĩnh vực mới. Bài báo đầu tiên về liệu pháp tế bào của nhóm tôi chẳng tạp chí nào nhận đăng có lẽ do đề tài quá mới, nhạy cảm. Toàn bộ tác giả lại là người Việt Nam nên cuối cùng chúng tôi chấp nhận đăng trên một tạp chí không tên tuổi.

Impact factor (IF) hay Journal impact factor (JIF) của một tạp chí khoa học (academic journal) là một số đo phản ánh số lượng trích dẫn (citation) trung bình theo năm của các bài báo khoa học (article) được xuất bản gần đây trên tạp chí đó.

Thực tình lúc đó tôi chưa chú ý, chưa hiểu biết nhiều về IF (chỉ số ảnh hưởng - Impact Factor), thấy tạp chí tiếng Anh có bình duyệt là chấp nhận. Dần dần chúng tôi đã có nhiều bài về liệu pháp tế bào được đăng trên các tạp chí uy tín, trong đó có tạp chí có IF cao.

Các nhà khoa học trẻ, đừng nản lòng- Ảnh 3.

Các nữ trí thức làm khoa học trong Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc 2023. Ảnh: Đắc Quang

So với các bạn được học và ở lại làm việc ở nước ngoài, các bạn trẻ trong nước gặp khó khăn hơn rất nhiều khi tiến hành nghiên cứu, viết và công bố một bài báo trên tạp chí quốc tế. Hãy để các bạn bắt đầu với các tạp chí vừa tầm, đến một lúc nào đó "lượng sẽ đổi thành chất".

Sản phẩm khoa học là trí tuệ của nhà khoa học trẻ, phải trân quý

Đáng mừng là gần đây trên mạng, các bạn trẻ đã "khoe" với nhau về các công bố quốc tế thay vì khoe cảnh hội hè, tiệc tùng. Tôi rất trân trọng các bài báo quốc tế của các tác giả trong nước vì vậy tin nào của các bạn tôi cũng "thả tim" và gửi lời chúc mừng.

Xin đừng làm các bạn trẻ, các nhà khoa học trong nước nản lòng vì đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng bài báo như phải đăng bài trên các tạp chí có IF cao, các tạp chí khó đăng bài… 

Hãy nhớ chúng ta vẫn đang ở trong vùng trũng về số lượng công bố quốc tế, có chăng chỉ hơn được vài nước trong khu vực.

Hãy trân quý các sản phẩm khoa học của các tác giả trong nước vì đó là mồ hôi, công sức, là bao nhiêu đêm trằn trọc, mất ngủ, với những nỗ lực to lớn trong điều kiện nghiên cứu còn rất nhiều khó khăn.

Hãy để các nhà khoa học trẻ được thoả sức sáng tạo, có hứng thú với nghiên cứu khoa học và bước từng bước đến thành công. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm khích lệ.