85 bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết vốn đầu tư năm 2023

N.Cường
14:01 - 13/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đến nay vẫn còn 30 bộ, cơ quan trung ương và 55 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án.

Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện số 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023.

Công điện gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nội dung Công điện nêu rõ: Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương từ đầu tháng 12 năm 2022 để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 30 bộ, cơ quan trung ương và 55 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 (thông tin cập nhật trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công) làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án.

85 bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: VGP.

Để bảo đảm việc phân bổ vốn kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ những tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các nội dung chủ yếu sau:

Các bộ, cơ quan trung ương: Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam. Các địa phương: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau:

Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã được giao theo đúng quy định, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tuân thủ các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định pháp luật có liên quan.

Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đầu tư các dự án khởi công mới sử dụng vốn đầu tư năm 2023 để sớm hoàn thành việc giao kế hoạch vốn; việc bố trí kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án phải bảo đảm phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân.

Thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời giữa các dự án, từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn và khả năng giải ngân cao theo quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, kịp thời kiến nghị phương án xử lý đối với số vốn chậm phân bổ theo quy định nhằm thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Công điện này và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp tiếp tục chậm trễ trong phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo đúng quy định.

85 bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 - Ảnh 3.

Công điện số 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới

2 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 6,55% kế hoạch

Theo VGP, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong 2 tháng đầu năm đạt 6,55% kế hoạch vốn giao, tương đương với trên 49.247 tỷ đồng đã được giải ngân.

Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 6,97%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (8,61%). Trong đó, vốn trong nước đạt 7,24% (cùng kỳ năm 2022 đạt 9,22%), vốn nước ngoài đạt 0,40% (cùng kỳ năm 2022 đạt 0,20%).

Có 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10%. 50/52 bộ, cơ quan trung ương và 19/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có 44 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 2/2023, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 là trên 764.384 tỷ đồng, không bao gồm 6.753 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển (đã giao tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 18/11/2022 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023) hỗ trợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao.

Tổng vốn này chưa bao gồm kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang (do hiện nay các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang báo cáo cấp có thẩm quyền về việc kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch vốn các năm trước sang năm 2023). Trong đó, vốn trong nước trên 735.384 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng.