Cả hệ thống đang tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng

Thế Bằng
06:56 - 06/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chiều 5/11, sau phần kết thúc chất vấn, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có báo cáo về một số vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, trong đó vấn đề về phát triển hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ và các thành viên Chính phủ liên quan, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 4.

Sau phần kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan về phát triển hạ tầng.

Cả hệ thống đang tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng - Ảnh 1.

Chiều 5/11, tại Nhà Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình một số vấn đề được cử tri quan tâm. Ảnh: Truyền Hình Quốc hội.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Đoàn Điện Biên) đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng khiến nhiều đô thị ven biển của nước ta thường xuyên bị ngập mặn, gặp nạn khi mưa lớn, triều cường.

Nữ đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết trong quy hoạch phát triển đô thị nước ta, xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, giao thông… đã cập nhật như thế nào, các kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và hướng giải quyết ra sao cho một quốc gia đất hẹp, người đông như nước ta.

Đại biểu nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã có chiến lược, giải pháp nào để thực hiện thành công nhiệm vụ này?

Trả lời Đại biểu, Thủ tướng cho biết, nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nên phải nhận thức và hành động tương xứng với những gì biến đổi khí hậu đang tác động đến nước ta, đặc biệt, ở Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, phải đánh giá lại tác động; phải xây dựng thể chế; đảm bảo các nguồn lực, dành nhiều nguồn lực cho hạ tầng chống biến đổi khí hậu bao gồm sạt lở đê điều, hồ đập…

Bên cạnh huy động nguồn lực Nhà nước phải huy động nguồn lực theo phương thức hợp tác công tư. Ngoài ra phải chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và tăng cường quản trị quốc gia

Về chiến lược về phát triển hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nước ta có hạ tầng chiến lược, bao gồm cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng về giao thông, hạ tầng về chống biến đổi khí hậu đến hạ tầng về xã hội, y tế, giáo dục. Nhiệm kỳ này đã dự kiến bố trí ngân sách đầu tư cho hạ tầng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Hiện nay, cả hệ thống đang tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Nhiệm kỳ này đã dành 470.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông, cao gấp 3 lần so với năm trước, dự kiến dành 165.000 tỉ đồng, nhưng cuối cùng chỉ huy động được 134.000 tỉ đồng".

Cả hệ thống đang tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Truyền Hình Quốc hội.

Liên quan giải pháp về hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia; trong năm 2023, phấn đấu đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc đã có chủ trương đầu tư; một số dự án đường sắt đô thị; nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng một số sân bay. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông.

Thủ tướng cho biết: "Chính phủ đang tổng kết vấn đề thực hiện BOT, nghiên cứu thêm về BT để xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để thực hiện. Có như vậy mới phát triển được hạ tầng giao thông và hạ tầng chiến lược nói chung"

Về vấn đề vốn đầu tư công, tại phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đưa ra thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và cho biết số vốn kế hoạch của năm 2022 còn lại phải giải ngân là khá lớn, khoảng 282 nghìn tỉ đồng, trong đó các bộ, cơ quan trung ương chiếm 30,5%; các địa phương chiếm 69,5%. Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục những yếu kém đã chỉ ra và rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; thực hiện các cơ chế đặc thù; kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương; rà soát, điều chuyển vốn; không để dàn trải, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước, kiên quyết giảm các khoản chi không cần thiết để có thêm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, ưu tiên cho cải cách tiền lương, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.