Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Làm nông nghiệp thời 4.0 không cần sở hữu nhiều đất

17:35 - 07/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chiều 7 và sáng 8/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu và chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với các nội dung:

Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản.

Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Đã có 53 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu   chất vấn các về vấn đề: Quản lý giá phân bón, xử lý tình trạng phân bón giả, kém chất lượng; xử lý vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía Bắc; xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; quy hoạch vùng chuyên canh công nghệ cao…

Quốc hội chất vấn các Bộ trưởng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Trả lời đại biểu về giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ. Phát triển nông nghiệp sinh thái tạo ra giá trị xây dựng, chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững cũng là hướng tiếp cận, chiến lược mà Bộ đang định hướng triển khai.

Về vấn đề sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản.

Về thực trạng được mùa mất giá, Bộ trưởng cho rằng đó là quy luật cung-cầu của thị trường có thể điều tiết. Bộ sẽ có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, phân loại thị trường, phân loại sản phẩm. Cần chuẩn hóa quy trình sản xuất để tối thiểu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận. Bên cạnh công tác quản lý của Bộ thì rất cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương. 

Về xuất khẩu nông sản, trước tiên phải chấp nhận chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp, phải làm tốt thương hiệu trong nước, tạo niềm tin nông sản trong nước, làm bệ đỡ để đưa nông sản Việt ra nước ngoài. 

Về chế biến nông sản, Bộ trưởng cho biết, thực tế một số ngành của nước ta chế biến rất tốt gần như 100%, thậm chí không đủ nguyên liệu trong nước để chế biến như ngành thủy sản, chế biến gỗ, cao su. Lĩnh vực khó khăn nhất và rủi ro nhất trong chế biến nông sản là trái cây, nhiều doanh nghiệp tham gia và thành công.

Theo Bộ trưởng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản thì chất lượng nông sản phải tốt và sản lượng nông sản ổn định.

Do đó địa phương cần phải chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo an tâm có đủ nguyên liệu sản xuất bởi doanh nghiệp sợ về đó mà nông dân không bán cho doanh nghiệp.

Cuối buổi làm việc, Chủ tịch Quóc hội Vương Đình Huệ mời 5 đại biểu nêu câu hỏi để sáng hôm sau Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn có 30 phút trẩ lời, sau đó đến Bộ trưởng Công thương.


Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ