Trình quy hoạch báo chí 2021-2030: Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp trung ương có một tạp chí
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một số địa phương, tổ chức nêu những lý do đặc thù riêng và đề nghị được giữ nguyên cơ quan báo chí như hiện tại
Cụ thể, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện.
Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản. Sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các Ban Đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện.
Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước có một cơ quan báo và một cơ quan tạp chí.
Bộ, cơ quan ngang bộ có một cơ quan báo và một cơ quan tạp chí (đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp thì được có tối đa 2 cơ quan báo nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp còn một cơ quan báo).
Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có một cơ quan tạp chí.
Quân khu, quân chủng có một cơ quan báo hoặc một cơ quan tạp chí. Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có một cơ quan tạp chí.
Mỗi tổ chức chính trị - xã hội trung ương có một cơ quan báo và một cơ quan tạp chí. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có một cơ quan báo trực thuộc Liên hiệp và một số cơ quan tạp chí của các hội thành viên.
Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có một cơ quan báo và một cơ quan tạp chí. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có một cơ quan tạp chí.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, một cơ quan tạp chí văn học nghệ thuật (những tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành), một đài phát thanh và truyền hình (mỗi đài chỉ có một kênh phát thanh, một kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu).
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có một đài phát thanh, một đài truyền hình. Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đài có tối đa hai kênh phát thanh, hai kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí. Cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có một cơ quan tạp chí.
Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có cơ quan tạp chí khoa học chuyên ngành. Các cơ quan chủ quản có cơ quan báo, tạp chí xuất bản một loại hình (in hoặc điện tử), đáp ứng yêu cầu theo quy định, được xem xét xuất bản thêm loại hình báo chí còn lại.
Tờ trình cũng nêu, quá trình triển khai tổ chức thực hiện Quyết định 362 xuất hiện khó khăn vướng mắc trong việc sắp xếp các cơ quan báo chí trực thuộc Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, theo đó đến năm 2025, các địa phương, tổ chức này phải hoàn thành việc sắp xếp còn một cơ quan báo.
Tuy nhiên, các địa phương, tổ chức này đều nêu những lý do đặc thù riêng và đề nghị được giữ nguyên như hiện tại.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất ý kiến với Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bổ sung nội dung "Đến năm 2025, đối với các trường hợp chưa hoàn thành việc sắp xếp, cơ quan chủ quản tiến hành sơ kết, tổng kết, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định" vào dự thảo Quy hoạch khi tích hợp các nội dung Quyết định số 362/QĐ-TTg.
Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 272/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - tháng 6/2024 - tại cuộc họp đối với Quy hoạch mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, giao Bộ Thông tin và Truyền thông: "Rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nguyên tắc tập trung xây dựng định hướng phát triển thực chất, có tính mở nhưng không được xung đột với các quy định, quy hoạch khác, đặc biệt là các chỉ đạo của Trung ương Đảng và có tính khả thi trong thực hiện.
Những nội dung khác, mới so với chủ trương của cấp có thẩm quyền (Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ…) thì phải trình xin chủ trương.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google