Bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên là hợp lý

Nguyễn Khanh
06:00 - 22/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên. Trong dự thảo thông tư này, Bộ đề xuất không tổ chức lớp cận chuyên hay chất lượng cao trong trường trung học phổ thông chuyên.

Theo đó, những lớp học trong trường chuyên phải được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành, gồm Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.

Đề xuất không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo lần này được đánh giá là phù hợp vì mô hình lớp không chuyên trong trường chuyên hiện nay không thực sự cần thiết mà vô tình gây những tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước. Một số học sinh cũng không muốn học ở những lớp này nhưng vì những ràng buộc về quy chế nhưng các em không thể rút hồ sơ ra được.

Hầu hết trường chuyên hiện có mô hình lớp không chuyên 

Mỗi tỉnh thành trên cả nước hiện nay đang có ít nhất 1 trường trung học phổ thông chuyên, số lượng có 77 trường trung học phổ thông chuyên và trường trung học phổ thông có lớp chuyên. Những địa phương có nhiều trường chuyên nhất là Thành phố Hồ Chí Minh có 2 trường chuyên và 4 trường có lớp chuyên; Thành phố Hà Nội có 2 trường chuyên và có 2 trường có lớp chuyên. Một số tỉnh có 2 trường chuyên như: An Giang, Đồng Tháp, Bình Định, Bình Phước, Lâm Đồng, Quảng Nam…

Ngoài ra, có 6 trường trung học phổ thông chuyên trực thuộc các trường đại học (Hà Nội có 4 trường, Nghệ An 1 trường, Thừa Thiên - Huế 1 trường) và một số trường năng khiếu trực thuộc các trường đại học.

Thông thường, trong các trường trung học phổ thông chuyên thì mỗi khối sẽ có vài lớp không chuyên là những em không đậu vào lớp chuyên nhưng có điếm số cao sẽ được tuyển sinh vào các lớp này. Ở một khía cạnh nào đó, các lớp không chuyên được xem là như những "con nuôi" trong "gia đình" trường chuyên.

Thực tế những năm qua cho thấy những em vào được trường chuyên đa phần là những em có học lực giỏi thực sự, nhất là những trường ở các thành phố lớn và những địa phương có truyền thống hiếu học vì các trường chuyên thường sơ tuyển trước khi thi tuyển sinh để tuyển đầu vào. Vì thế, những học sinh muốn thi vào trường chuyên thì học bạ 4 năm trung học cơ sở phải được xếp loại giỏi mới đủ điều kiện dự thi.

Tuy nhiên, những năm vừa qua, những trường chuyên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có những môn chuyên lấy điểm đầu vào bình quân chưa đến 5 điểm/ môn nên một số em vào lớp chuyên chưa phải là những em giỏi thực sự mà chỉ giỏi trên… học bạ. Trong khi đó, những thí sinh vào các lớp không chuyên thì phải là những em thi rớt lớp chuyên. Vì thế, những học sinh ở các trường như vậy mang danh là học trường chuyên nhưng lực học chưa thực sự tương xứng với danh tiếng học sinh trường chuyên.

Bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên là hợp lý

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên như trong dự thảo thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên được xem là hợp lý trong điều kiện hiện nay. Bởi, dù mang danh là học sinh trường chuyên nhưng những học sinh này thực tế chỉ là những "học sinh hạng 2" trong nhà trường. Vì phần nhiều những giáo viên giỏi sẽ được phân công giảng dạy ở các lớp chuyên.

Trong khi đó, dù dạy lớp chuyên hay không chuyên thì giáo viên trường chuyên vẫn đang được hưởng chế độ ưu đãi, phụ cấp cao hơn những giáo viên đang dạy ở những trường không chuyên. Tất nhiên, ngân sách địa phương cũng phải đầu tư cho những lớp không chuyên ở trường chuyên với mức kinh phí cao hơn.

Bên cạnh đó, những học sinh ở lớp không chuyên có lẽ vẫn có phần mặc cảm so với những học sinh học các lớp 10 vì hiện nay các lớp học này thường được gọi là lớp đại trà. Thế nhưng, các em học ở các lớp không chuyên vẫn phải học tập rất căng thắng vì nếu như sa sút trong học tập cũng đồng nghĩa phải chuyển sang trường khác.

Trong khi, những em thi trường chuyên, dù không đậu vào lớp chuyên, phải học ở lớp không chuyên nhưng điểm đầu vào so với các trường trung học phổ thông không chuyên trên cùng địa bàn vẫn có điểm chuẩn cao hơn nhiều. Nếu số điểm ấy, các em học ở những trường không chuyên thường là những học sinh có học lực tốt trong trường nhưng học ở trường chuyên thì các em lại phải học ở những lớp đại trà.

Một điều bất cập nữa là khi học sinh thi vào trường chuyên nhưng không đậu điểm chuyên, đủ điểm vào lớp không chuyên, học sinh không muốn học những lớp này cũng rất khó rút hồ sơ ra để nộp vào các trường không chuyên trên cùng địa bàn hoặc những trường gần gia đình. Vì thế, nhiều em lỡ cỡ khi không đậu lớp chuyên ở trường chuyên, muốn rút hồ sơ về nộp xét tuyển ở các trường huyện không được nên đành lòng phải học ở lớp không chuyên.

Trường chuyên phải đào tạo học sinh chuyên, chứ trường chuyên mà đào tạo lớp không chuyên thì không đúng chức năng, nhiệm vụ nên dẫn đến nhiều bất cập cho cả thầy và trò.